Kinh doanh

Kinh tế đêm: cuộc giằng co trong bóng tối

T-5230-1564095978.png


au nửa đêm, trong bóng tối các đô thị, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạo ra một dòng chảy ngầm bất chấp những mệnh lệnh hành chính.

"Xôi đê chị ơi. Ăn xôi dựng xe vào kia chị", một thanh niên mái tóc "Khá Bảnh", quần lửng, áo phông nhái hàng hiệu, chân đi dép tổ ong chặn đầu xe máy trên đường. Cô gái đánh lái tránh kẻ mời chào, né luôn làn khói thịt nướng mù mịt từ bếp than. 

Đã qua nửa đêm, ánh đèn vẫn sáng trưng trên tấm biển "Xôi rán, xôi xéo, bánh mì pate, gà tần" ngay ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ. Trước cửa hàng, một cậu trai khác tay quạt, tay lật những xiên thịt nướng chảy mỡ. Trong quầy, bốn cô gái trẻ thái giò, đơm xôi, bóc trứng, ướp dưa. 

Các hàng quán khác đã đóng cửa sau 24h, không chờ mệnh lệnh từ công an phường. Chỉ góc phố này vẫn chưa chịu đi ngủ. Hai hàng xôi, một quán phở, một quầy bánh đa cá rô tấp nập kẻ đến người đi. Xe ôm, taxi đỗ chật đầu đường chờ đợi. Một "phố ăn đêm" hình thành trong lòng quận Đống Đa.

Đi tiếp khoảng 5 km về phía trung tâm, phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm chăng đầy biển hiệu bằng giấy decal "Mực khô, mỳ gà tần, óc chần, trứng vịt lộn". Mùi thuốc bắc, ngải cứu trộn với mùi mực khô phả trong gió. Giữa vỉa hè vắng người, mấy thanh niên ngồi lai rai đĩa mực nướng, uống sinh tố, lướt điện thoại.

Từ ngõ chợ Đồng Xuân, một phụ nữ đẩy chiếc xe cải tiến đi ra. Trên xe là đôi quang gánh, nồi nước dùng, ghế nhựa, ống đũa. Chị vừa bày mấy cái ghế ra ngã tư Hàng Chiếu-Hàng Đường, khách đã ngồi kín. Một gánh phở bán từ 3h sáng, đã ở góc phố này suốt 30 năm.

Dấu tích về nhu cầu sống, ăn chơi sau 0h hiển hiện khắp nơi ở thành phố 8 triệu dân này. Dù để duy trì nó, các tiểu thương phải đương đầu trực diện với lực lượng hành pháp.


T-5230-1564095978.png

óng cửa nào", tiếng loa từ chiếc xe công vụ vang lên ồ ồ. 0h13, chiếc xe thùng biển xanh của công an phường Thành Công rẽ từ phố Láng Hạ vào Đê La Thành. Âm thanh báo hiệu một cuộc tuần tra đêm bắt đầu, kéo dài đến tận 3h sáng. Chiếc xe dừng trước tiệm phở mì xào. Hai dân phòng "đóng chốt" ngay trên vỉa hè, ngồi uống trà đá.

Cửa cuốn hàng xôi lập tức kéo xuống. Đó cũng là thời điểm duy nhất trong ngày cánh cửa ngôi nhà này đóng lại. Bên trong sáng đèn, khách vẫn ngồi ăn. Phía ngoài, đèn bảng hiệu đã tắt. Một thanh niên kê chiếc ghế nhựa trước cửa làm nhiệm vụ giao xôi, thu tiền, điều tiết xe cộ. Khách mua hàng đỗ xe dưới lòng đường chờ đợi. Chủ nhà giao xôi qua khe cửa hở.

Bên kia đường là địa bàn của phường Giảng Võ. Thành Công tắt điện, Giảng Võ vẫn sáng đèn. Mùi xào nấu bay ra thơm lừng. Mươi phút sau, xe tuần tra của công an phường Giảng Võ cũng xuất hiện. Mặc chiếc xe biển xanh đậu trước cửa nhà. Chủ quán số 536 vẫn bê đồ cho ba thực khách ngồi trên vỉa hè. Chiến sĩ trên xe nhắc lần thứ ba, hàng xôi mới bắt đầu dọn bàn ghế, quét rác. Khách lục tục dắt xe ra về.

Mỗi lần xe trật tự vòng qua, ông chủ tiệm lại nhanh tay kéo cửa cuốn xuống. Đèn trong nhà tắt bớt. Chiếc xe khuất dạng, đèn lại được bật lên. Cửa kéo cao hơn để lộ tủ kính đầy ắp bánh mì, chả lụa, gà luộc. Việc bán buôn tiếp tục diễn ra trên hơn trăm mét phố.

Một giao dịch xôi "bất hợp pháp" tại Đê La Thành sau nửa đêm. Ảnh: Giang Huy.

Đê La Thành là con phố của hai thế giới trái ngược nhau. Khi trời sáng, khu vực đầu phố bán bàn thờ, tủ thờ, phục vụ âm thế. Ban đêm, nó lại rực sáng ngành dịch vụ ẩm thực. Đê La Thành được giới thiệu trong các bài viết về ẩm thực Hà Nội, về những hàng xôi đêm đồng giá, mở cửa 24/7. Hằng đêm, ở góc phố này diễn ra cuộc đối đầu giữa thị trường tự do và nền quản lý hành chính.

Hà năm nay 33 tuổi, vẫn nhớ về căn nhà của cô từ thuở còn thơm nức mùi gỗ, chưa thành quán xôi sực mùi thịt như bây giờ. Những năm 80, 90, bố mẹ Hà làm trong công ty điện tử Hanel, mặt bằng để cho người ta thuê chứa gỗ.

Năm Hà học lớp 2, mẹ đồ thử nồi xôi bán trước cửa, rồi hai nồi, ba nồi cũng hết. Mấy hôm sau, nhà bán gỗ đi chỗ khác thuê cửa hàng. Mẹ Hà mở quán bán xôi.

Dăm bảy năm đầu, bán hết chõ xôi là bà đóng cửa. Dần dà đến tối, người phố khác vẫn vác bát sang gõ cửa hỏi mua, rồi trách quán đóng cửa sớm.

Hai mươi lăm năm qua, bên cạnh những hàng ăn mở rồi đóng, chỉ có quán xôi của Hà và hàng phở bên cạnh là tồn tại. Phần bởi quen vị, quen mùi, phần vì người ta biết, 24 giờ trong ngày, lúc nào cũng có xôi ăn.

"Tầm từ 2008, người ta bắt đầu chơi đêm nhiều lắm, kiểu như càng ngày càng đi chơi muộn dần ấy", Hà giải thích. Hà thuê thêm người phụ việc và thay mẹ tiếp quản quán xôi từ những năm kinh doanh xuyên đêm.

Thủ đô bận này xây dựng nhiều công trình, thợ xây làm ca đêm mỗi hôm gọi điện đặt cả trăm suất xôi, bánh mì. Hai ba giờ sáng, giữa gian nhà la liệt ghế nhựa vẫn còn những đôi trẻ váy dài giày cao sau buổi đi chơi ngồi đợi bữa ăn khuya Hà nấu. "Cái đấy bình thường mà. Đấy là quyền tự do của người dân thôi", cô chủ quán nhỏ nhắn gạt mái tóc dài để xõa ngang lưng nói.

Nhưng để thực thi "quyền tự do" đó, những người đến quán sau 0h phải chịu bó gối ngồi thưởng xôi với cánh cửa cuốn đóng một nửa và lom khom bước ra sau khi trả tiền, điệu bộ dấm dúi như mua hàng cấm.

Nhà hàng "đóng cửa" khi xe công an phường rờ tới. Ảnh: Giang Huy.

0h, xe tải nhỏ của công an các phường rê qua từng mét đường, bắc loa nhắc nhở các hộ buôn bán thu dọn bàn ghế, đóng cửa tắt điện. Mua bán giờ này là phạm pháp.

Giờ ấy, cả một dãy phố đâu cũng thấy cảnh người nối người nhớn nhác bê ghế, tắt điện chui vào nhà, hoặc lom khom ngồi nép vào mép cửa, và vội miếng thức ăn đang dở trong bóng tối. Thi thoảng, khi có ôtô xe máy phóng qua, thực khách nghiêng bát, tranh thủ ánh đèn pha soi xem trong bát còn gì để tiếp tục ăn.

"Xử lý các hộ kinh doanh sau 24h" luôn nằm trong kế hoạch đầu năm của công an phường Thành Công và cứ sáu tháng lại được sơ kết một lần. Đó cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn. Từ 23h30 đến 3h sáng, phường bố trí một tổ tuần tra gồm hai cảnh sát và ba bảo vệ dân phòng, giải quyết hàng quán kinh doanh quá giờ quy định và giữ trật tự.

Ba năm trước, đoạn đường này gần chục hộ bán đồ ăn đêm. Sau công an dẹp quyết liệt, các hộ dần chuyển sang cho thuê đồ gỗ, chuyển nghề. Chỉ còn hai nhà bán xôi, phở mì xào. "Điểm kinh doanh là nhà ở của các hộ, lại buôn bán hơn 20 năm nên rất khó dẹp", lãnh đạo công an phường nói.

Các biện pháp đều được áp dụng, từ thu bàn ghế, nồi nước dùng, đến "mạnh tay" xử phạt 200 nghìn đồng một lần. Có lần, phường phối hợp với quận, kiểm tra chứng minh thư của khách ăn hàng, lập tức khách phản ứng, trợn mắt xưng "mày tao". Người bán ít chống đối nhưng người mua lại hay thái độ.

Nửa năm qua, công an 10 lần phạt hành chính, 16 lần mời các chủ quán xôi lên phường làm việc. Trước khi ra về, chủ hộ đều phải làm giấy cam kết không vi phạm. Nhưng rồi đâu lại vào đấy.

"Bắt nhiều đến nỗi nhàm chán. Mà xử lý hành chính thì rất nhẹ. Phạt thì họ kêu ngày không bán được, đêm được mấy khách các chú lại đuổi. Khổ thế đấy", trung tá Lê Quang Tiến, Trưởng công an phường Thành Công nói.

Có đợt công an làm gắt quá, chủ quán đối phó bằng cách mở tung cửa, bật đèn lúc 3h sáng. Đó là thời điểm công an phường rút quân tuần tra về. Đến kiểm tra thì họ bảo: "Nhà tôi vừa mở cửa, chuẩn bị bán đồ buổi sáng. Tôi có mở cửa xuyên đêm đâu". Công an biết họ kinh doanh nhưng không làm được gì. Bởi luật không cho phép vào nhà kiểm tra sau 22h nếu không có lệnh. Cấp phường là gần dân nhất, "còn ở với bà con". Nên bao năm qua, các hộ vẫn buôn bán thậm thụt, Công an phường vẫn "kiên trì" dẹp. "Đó là nhiệm vụ rồi".

T-5230-1564095978.png

inh tế đêm được coi là lối thoát mới cho các thành phố đông dân. Khi hạ tầng đã vươn ngày một lên cao và đào sâu cả xuống lòng đất vẫn không đáp ứng được nhu cầu con người, thời gian là nguồn tài nguyên duy nhất còn có thể khai thác.

Bóng đêm phủ lên dòng sông Amstel và những ngôi nhà gạch đỏ tám trăm năm tuổi của Amsterdam. Khi những nhà cầm quyền của thủ đô này lên giường đi ngủ cũng là lúc Shamiro van der Geld, chàng da đen 32 tuổi mặc quần đùi, bấm khuyên mũi chính thức tiếp quản thành phố, từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Shamiro là nhà sản xuất nhạc, cũng là Night Mayor - Thị trưởng về đêm của thủ đô Hà Lan.

Trong nhiệm kỳ 3 năm tới, Shamiro sẽ hoạt động như một cầu nối giữa tòa thị chính và các doanh nghiệp ban đêm ở Amsterdam và cộng đồng dân cư các khu phố này. Trong khung giờ anh quản lý, Amsterdam phải hấp dẫn, an toàn, không ai cảm thấy bị phiền hà và sở hữu nền kinh tế ban đêm luôn tăng trưởng.

Khái niệm kinh tế ban đêm - night time economy - xuất hiện từ những năm 1980. Các thành phố công nghiệp của châu Âu lâm vào khủng hoảng danh tính, khi chuyển từ trung tâm sản xuất sang trung tâm tiêu thụ. Kinh tế ban đêm ra đời , nằm trong chiến lược phục hồi các đô thị trên bờ vực suy tàn.

Kho hàng biến thành quán bar, xưởng sản xuất thành các sàn khiêu vũ... Trong hình hài sơ khai nhất, loại hình kinh tế này bị khoanh vùng trong lối sống của những tay bợm nhậu buông thả. Thực tế ngày nay, nó bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế diễn ra từ 18h đến 6h sáng hôm sau, từ ẩm thực, giải trí, nghệ thuật, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng...

New York được biết đến là thành phố không ngủ nổi tiếng nhất thế giới từ những năm 1950. Năm 2017, nền kinh tế ban đêm đem về cho New York 38 nghìn USD mỗi giây.

Thực khách bó gối trong các quán xôi "chui" tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Nhưng Hà Lan mới là tiên phong trong việc triển khai kinh tế ban đêm bài bản. Năm 2003, Amsterdam bầu ra "Thị trưởng về đêm", có trách nhiệm lập kế hoạch phát triển Amterdam về đêm trên cả phương diện văn hóa và kinh tế.

Sydney, London, New York... theo chân thủ đô Hà Lan, thành lập những ủy ban tư vấn với các thành viên đến từ mọi lĩnh vực: âm nhạc, biểu diễn, lễ hội, bán lẻ, thể thao, ẩm thực, tội phạm học và an toàn công cộng.

Mirik Milan lường trước được khó khăn khi bắt đầu làm Thị trưởng ban đêm của Amsterdam: Khi có vấn đề, phản ứng đầu tiên của các quan chức hoặc cảnh sát thành phố là nói Chúng ta không thể làm điều này nữa, chúng ta phải dừng lại. Như vậy, là giết chết một nền kinh tế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho rằng, nhà nước không nên cấm. Nên có chính sách phát triển cân bằng giữa lợi ích nó mang lại và những mặt trái. Vì "kinh tế ban đêm là sự phát triển tất yếu của thị trường. Dù muốn hay không, nó vẫn tồn tại".

Đòi hỏi về một nền kinh tế ban đêm không chỉ xuất phát từ nhu cầu sống của bản thân thành phố. Nó còn là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng. Đó cũng là lý do mà Thủ tướng giao các bộ liên quan và địa phương nghiên cứu mô hình kinh tế ban đêm của Trung Quốc. Tại nước này, các cơ sở kinh doanh mở cửa thông đêm thậm chí được hỗ trợ bằng tiền mặt.

Phỏng vấn du khách Đà Nẵng
 
 
Khách nước ngoài gợi ý về những hoạt động đêm ở Đà Nẵng. Video: Nguyễn Đông.

Một phỏng vấn nhanh các du khách Đà Nẵng - thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch cao bậc nhất cả nước trong 10 năm qua - cũng cho thấy họ có thêm nhu cầu về hoạt động đêm. Cần thêm hàng ăn đêm, một du khách Mỹ gợi ý. Du khách Nhật nghĩ rằng nên có thêm địa chỉ shopping. Hay thậm chí là Đà Nẵng cần thêm "nghệ thuật trình diễn trên đường phố" vào ban đêm, một người Ireland nói.

Lãnh đạo Sở du lịch Đà Nẵng nhận thức được đòi hỏi của du khách. Việc tạo ra trải nghiệm cho du khách "chưa được như kỳ vọng", ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng nhận định. Trong quan điểm của ông Bình, ban đêm là lúc Đà Nẵng đẹp nhất, khi nó được gọi là "thành phố ánh sáng", và thời tiết cũng dễ chịu hơn ban ngày.

Đại diện Sở Du lịch cũng nhận thức được xung đột giữa các quy định hành chính hiện tại và sự phát triển kinh tế ban đêm. Nhưng ông cho rằng đó là thứ có thể điều chỉnh, vì "du khách đi chơi cũng muốn được đảm bảo an ninh, an toàn chứ không phải xả láng".

Tiến sĩ Võ Trí Thành đề xuất việc giải quyết xung đột giữa hoạt động kinh tế và an ninh trật tự bằng cách tạo ra các mô hình thí điểm, về không gian địa lý, về quy định thời gian, hoặc cả hai.

"Du lịch Việt Nam có tiềm năng, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu xuất hiện nhiều, thu nhập tăng, yêu cầu giải trí cũng tăng. Đó là điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Nhưng nói đi nói lại, khó khăn cũng sẽ nhiều, nhất là những nhận thức, ứng xử liên quan đến truyền thống, văn hoá, cách sống của người Việt. Thế nên càng cần thí điểm", ông Thành nói.

Một quán xôi bên vỉa hè tại TP HCM. Ảnh: Kent MacAlwee.

Một trưa tháng chín, Hà ngồi trông ra cửa, chép miệng, "giá ở đây cho mở đến thâu đêm". Gợi ý về việc bày tỏ nguyện vọng ấy với chính quyền bị cô gạt phắt: "Đề xuất làm sao được, mình người dân thường làm sao đề xuất được".

Hà không biết rằng, có nơi trên thế giới, những "dân thường" như Hà có tiếng nói quyết định đến một nền kinh tế hàng chục tỷ USD.

Năm 2011, chính quyền thành phố Sydney mời 822 công dân ở mọi nghề nghiệp, lứa tuổi và khu dân cư tham gia một cuộc khảo sát mang tên "Ai cũng có ý kiến". Toàn bộ khảo sát tập trung vào câu hỏi: Bạn muốn Sydney của mình về đêm sẽ như thế nào? Chiến lược hoàn thành, sau này mang tên OPEN Sydney - Sydney rộng mở, vì "ai cũng có ý kiến".

Ở Việt Nam, trong khi chờ các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xong mô hình, thì đêm đêm, chiếc xe biển xanh chở theo năm cán bộ công an phường vẫn đi từ Láng Hạ vào Đê La Thành. Chiến sĩ mặc cảnh phục nói vọng qua loa: "Quán đóng cửa, tắt điện đi". 

Hoàng Phương - Thanh Lam - Nguyễn Đông