Chiều 19/12, gala giới thiệu các sáng kiến công nghệ hiện đại được ứng dụng thực tiễn vào các hoạt động nuôi trồng nông lâm thủy hải sản thu hút hàng trăm người theo dõi tại Nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp. Các màn trình diễn được dàn dựng công phu. Tất cả thiết bị, công nghệ, ứng dụng đều thiết kế theo hướng hiện đại, bền vững, phát thải thấp, áp dụng trong chuỗi ngành hàng trọng điểm lúa gạo, thủy hải sản và trái cây... Một trong những điểm nhấn nổi bật của chương trình là màn bay thử drone chăm sóc nông sản của Quản Nông Xanh, công ty thành viên tập đoàn Lộc Trời. Đây là sản phẩm được lên ý tưởng thiết kế, triển khai nghiên cứu từ năm 2020. Đến nay, drone đã qua quá trình thử nghiệm, hiện trong giai đoạn đánh giá độ bền. Các thông số kỹ thuật của mỗi drone khi sạ và phun thuốc đều được ghi nhận và truyền thẳng về người đang vận hành, dễ dàng theo dõi từ xa. Hiệu suất của drone nhỏ và lớn khi sử dụng có thể thay thế 15-20 nhân công, hoạt động trên diện tích 40-60 ha ruộng. Ngoài ra, đơn vị còn triển khai thêm hai mẫu xe tự hành với công dụng sạ lúa và phun thuốc cho cây rau màu. Cả hai sản phẩm chính thức được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2022, cũng đang trong quá trình đánh giá độ bền. Cùng sáng kiến drone hỗ trợ phun thuốc, MiSmart đặt mục tiêu giúp người nông dân giảm những rủi ro khi tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu. Ngoài ra, thiết bị còn giúp tăng hiệu quả khi phun với khả năng tiết kiệm đến 30% lượng thuốc. Drone có thể hoàn tất phun cho một ha lúa chỉ trong 4-5 phút, hỗ trợ dập các dịch sâu ăn nhanh chóng và trên diện rộng, trong khi phương pháp thủ công phải cần hơn nửa ngày. Hiệu suất tối đa drone 20 lít có thể phun đến 20 ha, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không mưa to và không quá nắng. Sản phẩm được nghiên cứu trong vòng một năm, đồng thời nhận giải nhất tại giải thưởng Viet Solutions 2020. Đơn vi dự kiến sắp tới sẽ triển khai thêm các phiên bản lớn hơn với dung tích 30 và 50 lít. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, Tomota gây ấn tượng với hệ thống quản lý thông minh dành cho ao nuôi tôm, hiện được ứng dụng cho gần 3.000 ha nuôi tôm ở khu vực phía Nam. Hệ thống giúp doanh nghiệp và cả nông dân nuôi tôm có thể dễ dàng theo dõi các chỉ số, thiết bị và hiệu suất hoạt động trong ao nuôi tôm thông qua một ứng dụng điện thoại. Giao diện app bằng tiếng Việt với các thông số dễ hiểu, có thể điều khiển tắt - mở theo nhu cầu. Đồng thời app còn tích hợp tính năng báo cáo khi có bất cứ thiết bị oxy nào trong ao nuôi dừng hoạt động, hoặc tự động kích hoạt các thiết bị dự phòng, tránh tình trạng phát hiện trễ dẫn đến tôm chết. Ngoài ra, đơn vị còn phát triển thêm một ứng dụng chuyên dùng cho những hộ kinh doanh nuôi tôm, giúp họ dễ dàng định giá, chất lượng tôm. Thông qua các hình ảnh chụp từ camera, app có thể đo lường các thông số về kích thước, chất lượng, thậm chí tiến hành so sánh giá thành thị trường và đưa ra mức giá gợi ý phù hợp, giúp nông dân có định hướng cụ thể và định giá hợp lý cho tôm nuôi. Cùng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, giải pháp khử trùng bền vững ứng dụng công nghệ điện hóa cũng thu hút nhiều sự chú ý. Cụ thể, máy khử trùng nước nuôi tôm có thể thay thế phương pháp truyền thống bằng bột Clo bằng cách sử dụng nước muối (NaCl), phân tách thành Clo và tiến hành khử trùng ngay trong ao tôm với chi phí thấp hơn, đồng thời tiết kiệm thời gian. Sản phẩm thứ hai được ứng dụng cùng công nghệ điện hóa từ nước muối, nhưng mang công dụng khác là sản xuất ra nước diệt khuẩn, có thể sử dụng rửa rau, củ, quả và nước rửa tay sát khuẩn. Thiết bị tiếp theo là sáng kiến về công nghệ khí hóa sinh khối, một trong những giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải nông thôn hiệu quả. Năng lượng sinh khối ở Việt Nam đa phần đến từ việc đốt rơm, rạ và các phế phụ phẩm nông nghiệp, cũng là một trong những lý do dẫn đến ô nhiễm môi trường. Dự án BEST do tổ chức Oxfam và Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS) triển khai trong bốn năm, bắt đầu từ tháng 10/2020, thực hiện tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Dự án hướng đến mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG) trong các MSE, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo và xử lý rác thải của Việt Nam. Các lợi thế công nghệ này mang lại gồm hiệu suất nhiệt cao, chi phí sản xuất thấp, nguồn nhiên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường và tương đối an toàn cho người lao động. Tập đoàn công nghệ Mỹ Lan cũng mang tới diễn đàn Mekong Startup 2022 các sản phẩm hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp thúc đẩy quá trình đóng gói thức ăn và bán hàng hiệu quả hơn cho người dân. Hai trong số các loại máy được nhiều người chú ý là máy đóng gói sản phẩm bằng khí và máy bán hàng thông minh đi kèm chức năng hâm nóng... Máy có thể giúp người dùng tự động mua và thanh toán online, không cần đến sự hỗ trợ của nhân viên bán. Những sản phẩm trong máy bán hàng có bao bì làm theo công nghệ đóng gói khí cải tiến, giúp giữ thực phẩm tốt, tươi lâu mà không cần rã đông. Các nguyên vật liệu dùng đóng gói làm từ nhựa nguyên sinh, thân thiện với môi trường và hướng đến mục tiêu giảm phát thải từ chuyển đổi kinh tế. Thy AnẢnh: Thanh Tùng