Sau khi chính phủ Israel ngày 15/12 duyệt đề xuất từ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đầu tư ngân sách 11 triệu USD để mở rộng các khu định cư và tăng gấp đôi dân số ở Cao nguyên Golan, nhiều quốc gia Trung Đông đã lên tiếng kịch liệt phản đối, cho rằng động thái này của Tel Aviv vi phạm luật pháp quốc tế.
Cao nguyên Golan rộng khoảng 1.800 km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Lebanon. Israel kiểm soát khoảng 2/3 diện tích Cao nguyên Golan sau chiến tranh năm 1967 với các nước Arab, đến năm 1981 thông qua luật sáp nhập vào lãnh thổ.
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Syria, thông qua Nghị quyết 242 yêu cầu Israel rút quân khỏi khu vực này, nhưng Tel Aviv không tuân thủ.
Bộ Ngoại giao Arab Saudi tái khẳng định không chấp nhận Israel kiểm soát Cao nguyên Golan và chỉ trích chính phủ Israel đang phá hoại cơ hội tái lập an ninh và ổn định tại Syria, sau khi nước này trải qua chính biến với việc phe nổi dậy lật đổ chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad hôm 8/12.
Chính phủ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng ra thông cáo lên án mạnh mẽ kế hoạch mở rộng khu định cư của Israel tại Cao nguyên Golan, chỉ trích kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế.
UAE ủng hộ Syria "thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ", cảnh báo hành động của chính phủ Thủ tướng Netanyahu đe dọa leo thang căng thẳng trên toàn khu vực.
"UAE kịch liệt phản đối mọi biện pháp và hành động làm thay đổi trạng thái pháp lý vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng ở Cao nguyên Golan, đe dọa an ninh, chủ quyền, ổn định của Syria", Bộ Ngoại giao UAE cho biết.
Qatar, một trong những nước đầu tiên tuyên bố sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền mới của Syria, chỉ trích Israel thực hiện "loạt hành vi xâm phạm chủ quyền Syria và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".
Chính phủ Qatar gọi kế hoạch mở rộng định cư của Thủ tướng Netanyahu là hành vi "thừa cơ trục lợi", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi "trách nhiệm pháp lý lẫn đạo đức" ngăn cản Israel xâm phạm lãnh thổ Syria.
Bộ Ngoại giao Iraq chỉ trích kế hoạch mở rộng các khu định cư của Israel trên Cao nguyên Golan là vi phạm luật pháp quốc tế. Baghdad giữ lập trường luôn xem vùng đất này là lãnh thổ của Syria đang bị quân đội Israel chiếm đóng một phần, khẳng định mọi kế hoạch từ Tel Aviv nhằm thay đổi tình trạng pháp lý của Cao nguyên Golan "đều vô nghĩa".
Khoảng 30.000 người Israel và 23.000 người Arab thuộc cộng đồng Druze đang sinh sống tại Cao nguyên Golan. Cộng đồng Druze sống tại đây từ trước cuộc chiến 1967, phần đông có quốc tịch Syria.
Sau khi liên minh đối lập ở Syria kiểm soát Damascus, quân đội Israel ngày 8/12 thông báo triển khai các đơn vị tới vùng đệm do Liên Hợp Quốc kiểm soát giữa Cao nguyên Golan với lãnh thổ Syria, lấy lý do "duy trì an ninh cho các khu dân cư" trong khu vực. Với động thái này, Israel gần như đã kiểm soát toàn bộ Cao nguyên Golan.
Chính phủ Israel nói rằng các hành động quân sự ở Cao nguyên Golan chỉ mang tính tạm thời và phòng thủ. Tuy nhiên, quân đội Israel đã mở rộng hoạt động đến một số khu vực nằm ngoài vùng đệm an ninh, tập kích phá hủy hàng loạt vũ khí mà quân đội Syria bỏ lại. Trong tuyên bố ngày 10/12, ông Netanyahu còn nói Cao nguyên Golan "vĩnh viễn thuộc về Israel".
Thanh Danh (Theo AFP, JPost)