*Trung Quốc - Việt Nam: 0h thứ Sáu 8/10, giờ Hà Nội.
"Xét về mặt bằng chung, Việt Nam không thể bằng Trung Quốc. Đây là trận đấu tôi không quan tâm đến diễn biến, nhưng Trung Quốc nhất định phải giành ba điểm", trang 163.com dẫn lời Li Weifeng về cuộc đọ sức tại lượt ba vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á.
Trung Quốc cùng thua hai trận đầu tiên ở bảng B như Việt Nam, nhưng xếp chót vì kém hiệu số. Hiện, sức ép dành cho thầy trò Li Tie rất lớn. Ba điểm trước Việt Nam - đội có vị trí FIFA thấp nhất trong số 12 đội tuyển vào đến vòng đấu này - được xem là nhiệm vụ bắt buộc với Trung Quốc.
Cựu trung vệ Weifeng nói tiếp: "Dự World Cup tạo ra khác biệt lớn, bởi chỉ có vậy, chúng ta mới biết mình đang ở đâu tại châu Á. Nếu lần nào cũng chầu rìa, nghĩa là chúng ta ngày càng xa mục tiêu. Bóng đá có khoảng cách, nhưng nếu lần nào cũng dự World Cup như Hàn Quốc và Nhật Bản, khoảng cách đó sẽ dần thu hẹp. Với cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản, dự World Cup bây giờ là điều bình thường, nhất là khi họ đặt tham vọng bắt kịp châu Âu, Nam Mỹ về kỹ - chiến thuật, sức mạnh và nhiều thứ khác".
Bóng đá Trung Quốc sa sút vài năm qua, ở cả cấp ĐTQG lẫn CLB. Cộng thêm tình hình phá sản, thay tên đổi họ ở nhiều đội Super League, chất lượng cầu thủ nước này có chiều hướng đi xuống. Sau hai trận thua Australia và Nhật Bản hồi tháng 9/2021, nhiều tờ báo Trung Quốc phê phán rằng đội quân của Li Tie chỉ đạt 50% phong độ.
Trong bối cảnh ấy, đội tuyển Trung Quốc càng dè dặt với truyền thông. Ở trận giao hữu duy nhất trước khi gặp Việt Nam (hòa Syria 1-1), nhiều tờ báo Trung Quốc không có thông tin chính thức, mà phải viện dẫn từ các trang mạng Ả-rập.
"Tình hình hiện tại là điều không ai muốn. Ngày nào cũng có tin về một đội bóng nguy cơ bị xóa bỏ. Thỉnh thoảng, trên mạng lại xuất hiện việc đòi lương của cầu thủ. Ngay cả những đội có tiềm lực tài chính trước đây như Quảng Châu, Hà Bắc, Trùng Khánh cũng lao đao. Nếu không thay đổi môi trường bóng đá, người ta sẽ mất niềm tin về Trung Quốc", Li Weifeng nhận xét.
Sinh năm 1978, Li Weifeng là cầu thủ khoác áo đội tuyển Trung Quốc nhiều nhất trong lịch sử (112 lần). Anh chơi trung vệ, từng dự World Cup 2002, và khoác áo Everton mùa 2002-2003 cùng đồng đội Li Tie, nay là HLV trưởng Trung Quốc. Li từng được giao làm đội trưởng Trung Quốc, và giúp đội nhà giành vị trí á quân Asian Cup 2004.
Khi Li Weifeng là cầu thủ, bóng đá Trung Quốc trên đỉnh cao. Theo cựu cầu thủ 42 tuổi, CĐV xứ tỷ dân cần thay đổi quan điểm. "Nhiều người đánh giá đội tuyển Việt Nam hiện tại bằng thước đo của những năm 2000. Dù mặt bằng chung của bóng đá nước họ có thể kém hơn, nhưng trình độ của đội tuyển Việt Nam cao hơn chúng ta tưởng. Ngoài ra, hai đội tuyển đã lâu chưa đụng độ".
Khi được hỏi về lối chơi mà Trung Quốc nên áp dụng sắp tới, Li Weifeng chỉ ra ba điểm. Thứ nhất, thầy trò Li Tie nên tấn công chủ động, giống trận gặp Philippines ở vòng loại thứ hai, và cố gắng đánh vỗ mặt thẳng vào hàng thủ.
Thứ hai, Trung Quốc nên bố trí một tiền vệ phòng ngự giỏi, đủ sức càn quét để cản Việt Nam phản công. "Cầu thủ tấn công của Việt Nam rất khéo và nhanh nhẹn. Họ có thể gia tăng quân số nhanh chóng, từ thế 3 chọi 4 sang 6 đánh 5. Zhang Linpeng có tuổi, và khó lòng đeo bám cả trận", Li Weifeng nhận định.
Thứ ba, Li Tie cần chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho cầu thủ. Li Weifeng lấy dẫn chứng ở trận thua Nhật Bản. Sau khi thủng lưới, lối chơi phòng ngự của Trung Quốc phá sản, và họ không đủ bình tĩnh để tổ chức lại trận đấu. "Tinh thần của Trung Quốc hiện không tốt, sự phối hợp giữa cầu thủ chưa cao và nhuần nhuyễn. Ngược lại, Việt Nam thể hiện tốt trước Australia. Ở loạt trận thứ hai này, họ cầm bóng ngang ngửa Trung Quốc khi gặp Nhật Bản, nhưng dứt điểm nhiều gấp đôi", Li Weifeng nhấn mạnh.
Hoài Không