Tháng 10-11 dương lịch hàng năm, những nương lúa rẫy trên triền đồi của người Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị chín trĩu hạt. Phụ nữ Vân Kiều diện váy thổ cẩm với hai màu đen đỏ chủ đạo, mang theo gùi, oi đựng lúa lên tuốt từng bông đưa về nhà cất giữ. Họ không gặt cả mảnh ruộng mà để lại một đám lúa tốt nhất, đẹp nhất để thần lúa Giã A Bôn còn có nơi trú ngụ.
Năm 2022, 7 sào lúa rẫy của anh Hồ Văn Rô (28 tuổi, trú thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt) thu được 20 bao lúa, khoảng 8 tạ. Rô và gia đình "vui và ưng cái bụng lắm" vì là vụ được mùa nhất trong ba năm gần đây, giúp gia đình đủ ăn.
Rô về xin với già làng mổ con heo 20 kg thả quanh vườn lâu nay, một con gà, ít trứng gà, ngô, hũ rượu cần để làm lễ Piếc xa rò. Những ngày sau đó, Rô lên rừng tìm hái măng, bắp chuối, cây đoác, cà rừng, rau rừng... về chuẩn bị lễ.
Đến ngày đã định, tại vạt lúa còn để lại trên rẫy, những người giúp lễ dựng lên 4 thanh tre, phủ lên các tấm thổ cẩm thành một căn chòi nhỏ. Vì Giã A Bôn là nữ thần nên lễ cúng luôn có những tấm thổ cẩm đẹp nhất. Những phụ nữ dự lễ mang tấm thổ cẩm đẹp, đeo vòng tay bạc, đeo sợi dây mã não quý ở cổ.
Lễ vật đơn giản với thịt lợn xâu thành xiên nướng, cá suối bỏ ống nứa nướng, một ít đọt cây mây với 6 quả trứng và một con gà luộc úp lên trên. Hình tượng con gà quả trứng được người Vân Kiều quan niệm để hồn lúa tiếp tục sinh sôi, nảy nở trong vụ mùa tiếp theo.
Già làng Hồ Văn Đăng, 66 tuổi, bắt đầu bài khấn: "Hỡi Giàng, hỡi thần đất, thần nước, thần núi, thần lúa Giã A Bôn... Cảm ơn Giã A Bôn đã giúp gia đình một mùa bội thu, hạt lúa đầy bông, không bị con sóc, con chuột, con lợn rừng... phá hoại. Hồn lúa ơi, năm nay gia đình may mắn, giàu mạnh hơn năm trước. Cầu mong các thần đổ xuống hồn lúa để năm sau mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh, con cháu đoàn kết, biết chăm lo học hành...".
Kết thúc bài khấn, hai con cua suối được bỏ vào hũ rượu cần. Khi nó cào lên cám rượu, cả gia đình phấn khích cười ồ, vì "đó là dấu hiệu của may mắn, là điềm lành mà Giã A Bôn mang tới", già làng Đăng giải thích.
Lễ cúng đồng thời cũng là nghi thức mời thần lúa về nhà trú ngụ trong thời gian chờ làm vụ mùa mới. Bà con chọn một bông lúa với những hạt to đẹp nhất đưa về nhà đặt lên bàn thờ Giã A Bôn, là nơi ở của nữ thần lúa khi chưa có mùa vụ. Song song với lễ cúng, những phụ nữ Vân Kiều mang gùi, oi tuốt những bông lúa cuối cùng mang về nhà.
Sau 30 phút, lễ Piếc xa rò hoàn thành. Hồ Văn Rô dọn dẹp về nhà, mời già làng, người thân đến cùng dự bữa cơm với gia đình.
Già làng Đăng giải thích, ngoài ý nghĩa tạ ơn thần lúa, lễ cúng còn là dịp để con cháu, gia đình tụ họp, sum vầy, hàng xóm gắn kết sau một vụ mùa vất vả. Từ bao đời nay, mỗi năm người Vân Kiều có một vụ mùa lúa rẫy, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11. Lúa không phân bón, không thuốc trừ sâu, tất cả phụ thuộc trời đất nên năng suất thấp, công lao động nhiều hơn. Đầu vụ lúa năm sau, trước khi trỉa hạt giống, người dân lại làm lễ rước Giã A Bôn từ nhà ra với ruộng lúa.
Lễ tạ ơn thần lúa là phong tục của người Vân Kiều, trên cơ sở quan niệm vạn vật hữu linh. Phong tục hình thành qua quá trình lao động sản xuất và được truyền lại từ đời này sang đời khác. Người dân duy trì lúa rẫy, như giữ lại hồn cốt dân tộc, giữ gìn bản sắc nghìn đời cha ông để lại.
Bên cạnh lúa rẫy, ngày nay người Vân Kiều cũng làm lúa nước, mỗi năm hai vụ giúp họ chủ động cái ăn. Hồ Văn Rô có một ruộng lúa nước, được bón phân dê, không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Nhờ đó năng suất lúa không cao, nhưng hạt gạo ăn thơm ngon. Toàn xã Hướng Việt có gần 100 ha lúa nước, sản lượng thu hoạch hàng năm gần 300 tấn.