Sokfarm nhận được sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp khi đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), startup trình bày tham luận tại phiên toàn thể chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", thuộc khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup 2022, ở nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp, hôm 20/12.
Giám đốc điều hành Phạm Đình Ngãi cho biết nhiều năm qua luôn trăn trở, tìm cách góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp vùng đất chín rồng, nhất là chuỗi trái cây phải phát triển hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ nông dân bám đất giữ kế sinh nhai.
Theo đó, Sokfarm chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa - nguồn tài nguyên bản địa dồi dào. Ngãi lý giải từ "Sok" trong tiếng Khmer là hạnh phúc. "Sokfarm" mang hàm ý nông nghiệp hạnh phúc - đó cũng là giá trị cốt lõi doanh nghiệp hướng đến từ ngày đầu khởi sự.
"Chúng tôi đặt mục tiêu tạo ra những thứ độc đáo từ nông sản quê hương, khiến nông dân, nhà sản xuất, người lan tỏa sản phẩm lẫn tiêu dùng cảm thấy hạnh phúc và tự hào", doanh nhân nhấn mạnh trước lãnh đạo Bộ, ngành, 13 tỉnh ĐBSCL.
Tuy nhiên, doanh nghiệp của Ngãi và nhiều đơn vị trong ngành trái cây đang đối mặt không ít thách thức về biến đổi khí hậu lẫn tính liên kết chuỗi ngành hàng.
Khi xâm ngập mặn diễn ra ở miền Tây, cơ cấu cây trồng, nông sản có sự dịch chuyển. Trong đó, những loài chịu được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, phát triển bền vững sẽ là lợi thế. "Dù xáo trộn, chắc chắn nó vẫn mang lại cơ hội khác", theo Ngãi. Cụ thể, nông dân sẽ chuyển đổi canh tác bằng dừa và vùng trồng cây này tại Trà Vinh đang tăng trưởng mỗi năm.
Bất cập khi Trà Vinh giáp biển, lúc vùng dừa ngập mặn cao, trái sẽ bị teo, giảm năng suất 30-70%, nông dân thiệt hại nặng. Sokfarm đã giải bài toán này bằng cách chuyển sang mô hình trồng dừa thu hoa, tăng giá trị kinh tế cho nông hộ 3-5 lần. Từ mật hoa dừa, đơn vị có thể sáng tạo hơn 30 sản phẩm.
"Với mỗi hecta, nông dân có thể có thu 40-60 triệu/tháng, tuổi thọ trung bình của cây tầm 30-50 năm. Loài này được gọi là 'Tree of life' (Cây sự sống) vì ngoài tạo giá trị kinh tế, còn giúp chắn sóng, gió và chống xói mòn. Hướng đi này tăng kế sinh nhai, vừa phù hợp với biến đổi khí hậu, vừa là ngành nghề truyền thống địa phương", Ngãi nói và nhận định sản phẩm từ mật hoa dừa có thể bảo vệ sức khỏe - xu hướng thực phẩm tương lai.
Để định hình chuỗi giá trị, doanh nhân nói cần giải quyết bền vững ba mối liên hệ: nhà thương mại, nhà sản xuất và nhà nông.
Theo anh, thách thức và cơ hội trước tiên nên bắt nguồn từ đơn vị mua bán hoặc nhu cầu thị trường. Khi nắm chính xác thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, nhà thương mại sẽ quay trở lại làm việc với nhà sản xuất, nông dân. Đây là cách cân bằng lợi ích lẫn chuỗi giá trị cho từng loại cây trồng.
Doanh nhân chỉ ra khởi nghiệp sẽ luôn bị hạn hẹp nguồn lực (vốn, kinh nghiệm, nhân sự, cơ sở vật chất) và rất khó để các SME có thể quản lý, vận hành cả chuỗi trái cây. Ngược lại, họ có thế mạnh về chuyển đổi số hoặc tìm ra khoảng trống trên chuỗi mà các doanh nghiệp lớn chưa làm.
Cụ thể, nhiều "ông lớn" trong ngành đã phát triển đủ sản phẩm từ trái dừa, nhưng lại chưa khai thác hoa. Nhìn rõ cơ hội, Sokfarm tập trung phát triển thêm chuỗi giá trị kinh tế mới từ hoa dừa - khởi điểm là nông dân, nhà máy chế biến, đơn vị bán hàng và người tiêu dùng đầu cuối.
Bên cạnh đó, trước thực trạng sản lượng trái cây tươi không bảo quản được lâu, Phạm Đình Ngãi cho rằng các doanh nghiệp nên tham gia vào sản xuất, kết hợp thêm các yếu tố bản địa đưa vào sản phẩm để tạo khác biệt. Từ đó xây dựng thương hiệu, góp phần vào chuỗi giá trị ngành hàng tại địa phương.
"Một trong những giải pháp các SME có thể làm ngay là quay về nơi sinh sống, xem nông sản nào đang là thế mạnh, vẽ lại chuỗi giá trị ngành và tìm kiếm cơ hội tại đó. Từ đó tập trung vào thế mạnh của mình, phát triển nó thành lợi thế cạnh tranh, kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo", Ngãi gợi ý.
Không dừng ở việc chọn loại cây, Sokfarm chú trọng thế mạnh sản xuất để nâng cao giá trị nông sản, sáng tạo những sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách trong và ngoài nước.
Theo đó, mật hoa dừa được thu thủ công bằng kỹ thuật massage hoa và thu mật truyền thống của người Khmer Trà Vinh, có thể thay thế đường tinh luyện và mật ong.
"Chúng tôi gọi sản phẩm thu từ hoa dừa là mật thực vật, đáp ứng yêu cầu của nhóm khách thuần chay. Vị ngọt từ bộ phận này lành tính, ít calo, đường huyết thấp, thích hợp với đối tượng ăn kiêng, tiểu đường hoặc quan tâm sức khỏe, đang cần tìm thực phẩm thay thế đường mía", anh tiết lộ.
Ở cuối bài tham luận, CEO Sokfarm nhận định thời buổi kinh doanh thế giới phẳng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là những công cụ hiệu quả, giúp SME và khởi nghiệp tăng vai trò của mình trong ngành lẫn chuỗi giá trị nông sản.
Doanh nhân đề xuất các cấp lãnh đạo phát triển thêm những nền tảng, công cụ giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia chuyển đổi số. Bên cạnh đó có chính sách liên quan công nghệ để các đơn vị có thể góp mặt trong chuỗi sản xuất sản phẩm, đổi mới sáng tạo.
Diễn đàn Mekong Startup 2022 có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông - báo VnExpress. Mục tiêu chính của chương trình là hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Vạn Phát (ảnh: Thanh Tùng, Vinh Đào)