Việc chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định cụ thể trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng và nghị định của Chính phủ. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng hoặc khởi tố hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.
Do đó, người sử dụng cần có trách nhiệm đảm bảo những điều bản thân đăng tải, chia sẻ trên mạng là những thông tin đúng sự thật, tránh chỉ vì chưa tìm hiểu kỹ mà tiếp tay cho hành vi lan truyền tin giả trên mạng.
Để xác định được tính chính xác của tin giả (fake news), người dùng nên đảm bảo 5 bước sau, tránh rủi ro không đáng có:
Xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả: Mỗi người cần cảnh giác với thông tin đến từ các website không rõ nguồn gốc, không xác thực hay từ tài khoản, kênh nội dung, nhóm ít tương tác, bạn bè chung... Đồng thời, mỗi người nên thực hiện thêm bước đối chiếu với báo chí chính thống, kênh thông tin của Chính phủ, cơ quan nhà nước để kiểm chứng.
Kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết: Tin giả còn có thể xuất hiện dưới dạng hình ảnh hoặc bằng cách gắn đường liên kết sai, không liên quan tới nội dung bài viết. Nhiều đối tượng thường tìm cách lồng ghép, chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung bài viết, mô phỏng theo các trang, kênh báo chí chính thống.
Do đó, người dùng cần kiểm tra hình ảnh có tồn tại trên không gian mạng không, đường dẫn liên kết có đúng với nội dung bài viết đăng tải không, cũng như đường dẫn liên kết tới trang có nguồn gốc rõ ràng, uy tín hay không.
Kiểm tra thời gian: Những bài viết đăng tải tin giả, tin sai sự thật thường được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế. Do đó, người tiếp nhận cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung và thời gian đăng tải. Người dùng cũng nên cảnh giác với những tin tức cũ, đăng lại nhiều lần.
Đọc toàn bộ nội dung, tìm những điểm nghi ngờ, mâu thuẫn: Tin giả đa phần được xây dựng dựa trên một sự kiện, câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung mấu chốt và có tiêu đề "giật gân", viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định nhằm hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người đọc.
Người đọc cần xem kỹ nội dung thông tin đó là thật hay chỉ là câu chuyện phiếm, trò đùa của người đăng. Giới hạn phân định giữa tin giả, thông tin bịa đặt và lời nói đùa, câu chuyện chế hài hước rất mơ hồ.
Đối chiếu với báo chí chính thống hoặc tham khảo chuyên gia: Khi nhận thấy nguồn tin không đáng tin cậy, người dùng có thể tham khảo các tin, bài có nội dung tương tự trên những trang chính thống, uy tín để đối chiếu. Nếu thông tin khó kiểm chứng, mọi người có thể hỏi ý kiến của chuyên gia liên quan đến lĩnh vực đó hoặc những người có kinh nghiệm trong việc xác thực tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Người phát hiện thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Người dân có thể báo cáo qua website của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) hoặc gửi về email online.abei@mic.gov.vn.
Nhật Lệ