Theo đó, mỗi cá nhân đều phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do bản thân lưu trữ, cung cấp, phát tán trên môi trường mạng; không cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Người dùng cũng không nên phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan khác đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam...
Bộ khuyến khích người dân cần tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của từng nền tảng mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội; đồng thời, sử dụng họ, tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc.
Bộ quy tắc ứng xử cũng có quy định chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; thực hiện hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam và không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
Các nội dung sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội cũng bị cấm trên không gian mạng.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến khích người dùng tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước hoặc xuyên biên giới, cá nhân cần tuân theo các tiêu chuẩn cộng đồng riêng của từng mạng xã hội.
Ví dụ, Facebook và TikTok quy định người dùng không được phép đăng tải những nội dung được đánh giá là thông tin sai lệch, tin đồn không thể xác minh, làm ảnh hướng đến tính chân thực của thông tin. Trong khi đó, YouTube cũng quy định người dùng không được phép đăng nội dung bị bóp méo, nội dung sai lệch về nguồn gốc.
Song song, các nhà cung cấp dịch vụ cũng có trách nhiệm không cung cấp, truyền đưa thông tin có nội dung vi phạm quy định pháp luật và phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm khi có yêu cầu.
Nhóm này cũng cần xây dựng biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người dùng; thông báo về quyền, trách nhiệm và các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng.
Trường hợp cá nhân muốn thiết lập trang thông tin điện tử, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần bảo đảm chỉ những người đã kê khai đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, tổ chức phải tuân thủ trách nhiệm quy định về việc bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng với các trách nhiệm như ngăn chặn, xóa bỏ thông tin vu khống, sai sự thật... trên nền tảng theo yêu cầu của Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian chậm nhất 24 giờ; tôn trọng quy tắc ứng xử của Việt Nam; công khai các biện pháp phát hiện tin giả...
Ngoài ra, người phát hành, thực hiện quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng cần yêu người kinh doanh dịch vụ không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; yêu cầu giải pháp kỹ thuật có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ...
Nhật Lệ
Chiến dịch "Tin" do Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) phối hợp với Báo VnExpress, FPT Online phát động nhằm nâng cao nhận thức, phòng chống tin giả trên không gian mạng.