Ngày 8/6, lễ khởi công diễn ra tại 2 trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Sính Lủng và Trường TH & THCS Tả Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Tham gia lễ khởi công tại điểm trường Dình Lủng - trường TH&THCS Tả Phìn, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó chủ tịch huyện Đồng Văn, cho biết xã Tả Phìn là xã vùng 3, cách trung tâm huyện 13 km. Cơ sở vật chất tại điểm trường Dình Lủng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt chưa có nhà vệ sinh nên rất cần xây mới. "Dự án 'Vệ sinh học đường' là món quà của nhà hảo tâm thể hiện sự quan tâm, đồng hành cùng địa phương trong công tác giáo dục. Việc làm này giúp các em học sinh có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục", ông Chinh nói.
Theo ông Lê Quang Hiển – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn, những năm gần đây quy mô trường lớp, chất lượng trường học được nâng cao, tỷ lệ huy động duy trì sĩ số học sinh tại Đồng Văn khá ổn định. Song, cơ sở vật chất trong đó có chất lượng nhà vệ sinh còn thấp. Một số trường thiếu nhà vệ sinh cho học sinh bán trú và giáo viên lưu trú. Một số điểm trường, công trình phụ xập xệ, thiếu nước, chưa đảm bảo vệ sinh. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, học tập của các thầy và trò.
"Chúng tôi sẽ đồng hành cùng dự án trong quá trình xây dựng, cam kết hướng dẫn các trường học thụ hưởng và bảo vệ tốt các công trình sau khi đưa vào hoạt động", ông Hiển nói.
Chia sẻ với quỹ Hy vọng về việc thiếu nhà vệ sinh tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH & THCS Sính Lủng, thầy Nguyễn Văn Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có hơn 400 học sinh bán trú, hơn 20 giáo viên lưu trú nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, không có phòng riêng. Vào năm học, các em phải xếp hàng chờ đến lượt dùng nhà vệ sinh. Giáo viên nhường cho học sinh vệ sinh cá nhân nên thường đến tối muộn mới đến lượt. "Quá tải công suất cùng với việc thiếu nước khiến nhà vệ sinh có mùi, không đảm bảo chất lượng học tập, làm việc của cán bộ nhân viên", thầy Lâm cho hay.
Bà Mai Thị Thanh Hương, Trưởng ban đối ngoại ngành hàng chăm sóc sức khỏe – Công ty Sanofi Việt Nam, chia sẻ mặc dù nhà vệ sinh là công trình phụ nhưng góp phần lớn vào hoạt động vận hành của một ngôi trường. Năm 2022, Sanofi Việt Nam đã cùng quỹ Hy vọng xây dựng 20 nhà vệ sinh học đường tại huyện Vân Hồ, Sơn La.
"Khi công trình đi vào hoạt động sau 3 tháng khởi công, tận mắt nhìn thấy các em học sinh sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, rửa tay dưới những vòi nước sạch, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì góp phần giúp các em giải tỏa nỗi sợ nhà vệ sinh bẩn. Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng quỹ Hy vọng, mang "Vệ sinh học đường" đến với Đồng Văn, Hà Giang", bà Hương nói.
Song song với lễ khởi công, các bên cũng thực hiện khảo sát tại các điểm trường tại Lũng Phìn, Sủng Trái, Tả Phìn... thuộc huyện Đồng Văn. Đa số điểm trường của huyện chưa có nhà vệ sinh hoặc có nhưng không đáp ứng tiêu chí an toàn, sạch đẹp.
Dự án "Vệ sinh học đường", nằm trong chương trình Ánh sáng học đường, với mục tiêu xóa bỏ nhà vệ sinh bẩn, không an toàn cho trẻ. Dự án triển khai từ tháng 6/2022, được nhiều đơn vị đồng hành, trong đó Sanofi Việt Nam đồng hành 2 năm liền. Sau 6 tháng triển khai, dự án đã xây mới 49 nhà vệ sinh tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. 7.000 học sinh và giáo viên ở các điểm trường này đã được sử dụng những công trình sạch sẽ, an toàn.
Để đồng hành cùng quỹ Hy vọng, độc giả xem thêm thông tin tại đây.
Hà Phượng