Không sinh ra trong gia đình có bố hay mẹ làm nghiên cứu nhưng duyên đến với Phan Mạnh Hùng (37 tuổi) khi nhận công tác tại Viện Kỹ thuật Biển thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Đặc thù công việc của một viện nghiên cứu cũng như phải thường xuyên đi thu thập, đo đạc, khảo sát nhiều ở các địa phương, thấy bà con ven biển hàng ngày phải đối mặt với xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt, Hùng mong muốn được đóng góp để tìm giải pháp cho những vấn đề này.
Công tác được 4 năm, năm 2009, Hùng quyết định nộp hồ sơ xin học bổng và học thạc sĩ tại Viện giáo dục nước IHE-Delft (Hà Lan) với chuyên ngành mô hình toán (Hydroinformatics), rồi làm nghiên cứu sinh (NCS) chuyên ngành Kỹ thuật bờ biển tại trường Đại học công nghệ TUDelft (năm 2014).
Gần 7 năm rèn luyện, tiếp cận với những công nghệ, nghiên cứu mới, Hùng lựa chọn Đồng bằng sông Cửu Long để áp dụng kinh nghiệm, kiến thức mà người Hà Lan từng thích ứng khi 1/3 diện tích đất của họ dưới mực nước biển gần 7m, nhưng vẫn trở thành cường quốc về nông nghiệp.
Trước tiên đó là chọn những giải pháp thân thiện với thiên nhiên để khắc phục hiện tượng, diễn biến không có lợi thay vì những biện pháp cứng (các công trình cứng thường không linh động ''flexible'' và chi phí khá cao. Như ở dự án thí điểm "động cơ cát" (the sand engine), họ đã nghiên cứu tận dụng gió, sóng và dòng hải lưu để phân bổ cát dọc bờ biển một cách tự nhiên, giúp giảm xói mòn bờ biển, bảo vệ cư dân ven biển khỏi sóng lớn, tránh ảnh hưởng hệ sinh thái cũng như kinh phí thực hiện hợp lý.
Ở công nghệ này Hà Lan đã cải tạo bờ biển bằng cách bơm cát tập trung tại một điểm được tính toán nghiên cứu kỹ lưỡng, sau đó trong vòng 10-20 năm gió và dòng chảy sẽ phân bố lại cát giúp gia cố bờ biển. Trong suốt thời gian đó, diện tích cát mới trên biển được dùng làm không gian cho các loài động vật tự nhiên cũng như hoạt động vui chơi ngoài trời.
Để áp dụng cách làm này, Hùng cho biết phải hiểu rõ từng khu vực bị tác động. Tức là mỗi khu vực bờ biển xói lở là do những nhân tố khác nhau nên phải phân loại mới có giải pháp đúng và phù hợp.Ven biển Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có những diễn biến phức tạp, xói lở xảy ra trầm trọng hơn ở nhiều nơi và hầu như ai cũng có thể biết do sự thiếu hụt bùn cát từ sông Mekong về; dòng chảy; sóng, rồi do con người phá rừng ngập mặn ven biển...
Để định lượng rõ và cụ thể từng tác động đó ảnh hưởng đến bồi xói như thế nào, trọng số của mỗi yếu tố đến bồi xói là bao nhiêu thật sự không hề dễ dàng. Do vậy để có những giải pháp đúng cho việc hạn chế xói lở thành công và hiệu quả một cách rõ ràng là thử thách lớn.
Chính vì vậy NCS Hùng đang đi tìm câu trả lời chính xác hơn về nguyên nhân cơ chế gây ra bồi xói ven biển Đồng bằng sông Cửu Long một cách khoa học hơn, định lượng chi tiết hơn để có những giải pháp đúng.
Các nghiên cứu anh đang thực hiện đi sâu về khoa học cơ bản, các hiện tượng vật lý, để tìm ra cơ chế, hiểu và làm rõ việc vận chuyển bùn cát gây ra xói lở ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để tìm những cơ chế đó, bên cạnh phương pháp đo đạc dòng chảy, sóng, bùn cát... còn thông qua công nghệ viễn thám và các mô hình toán mô phỏng các bài toán thực tế.
Những kết quả bước đầu cho thấy, bên cạnh vai trò quan trọng lan truyền sóng chịu ảnh hưởng lớn bởi chế độ gió mùa, nguồn bùn cát từ thượng lưu v.v.. thì sự chênh lệch độ dốc thủy lực bởi sự khác nhau biên độ triều ở vùng biển phía Đông và vùng biển Tây cũng như hiện tượng dòng triều tia xuyên tâm xuất hiện tại vùng từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau tác động không nhỏ đến diễn biến bồi xói và hình thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả tính toán sẽ giúp hiểu rõ hơn về những tác nhân gây bồi xói, biến đổi đường bờ biển và chọn giải pháp phù hợp cho từng khu vực cụ thể.
Theo chương trình, đến tháng 10/2019 NCS Hùng bảo vệ luận án tiến sĩ. Với 2 năm cao học ở Hà Lan cộng với hơn 4 năm làm nghiên cứu sinh, bài học lớn mà Hùng thu nhận được đó là mỗi dự án đều được tính kỹ lưỡng, đặt trong bài toán dài hạn và không mâu thuẫn với những cái khác. NCS Hùng ước mong sớm mang kiến thức đã học, áp dụng sáng tạo vào Việt Nam, cụ thể là Đồng bằng sông Cửu Long và chia sẻ những kiến thức có được cho các bạn trẻ trong Viện nghiên cứu để cùng nhau tận dụng thế mạnh, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.