Không chỉ được biết đến với danh "Kỹ sư Hòa tàu ngầm", ông Nguyễn Quốc Hòa (59 tuổi, Thái Bình) vừa cho ra lò sản phẩm máy dán tem tự động chuẩn bị xuất sang Nhật Bản. Chiếc máy này được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ dán những con tem lên các tờ quảng cáo.
Kỹ sư Hòa cho biết, hồi cuối năm 2018 ông đến thăm một công ty in cao cấp của Nhật Bản. Bước chân vào nhà xưởng, thấy hàng trăm công nhân ngồi lúi húi cắt những tem nhỏ bằng đốt ngón tay rồi dán lên các tờ bìa quảng cáo. Công ty này đang muốn làm nhanh hơn cho kịp các đơn hàng và bớt người làm thủ công nhưng chưa có giải pháp. Họ cho biết, hiện ở Thụy Sỹ đã chế tạo ra chiếc máy dán tự động nhưng giá quá cao (gần 500.000 USD) nên họ chưa có khả năng đầu tư. Nếu như ông Hòa có thể chế tạo chiếc máy tương tự nhưng giá phù hợp hơn họ sẽ mua.
Để nhặt những con tem nhỏ hơn hoặc bằng tem bưu điện, dán đúng vào các vị trí của các tờ mẫu quảng cáo là khá tỉ mỉ và phải rất chính xác. Thông thường một người làm phải mất 20 giây để dán xong một tờ. Một quyển có khoảng 10 tờ nhưng cả trăm ngàn quyển nếu làm thủ công sẽ tốn rất nhiều thời gian. "Đề bài khách hàng đưa ra là chế tạo một chiếc máy cùng một lúc có thể nhặt mấy trăm tem dán lên tờ quảng cáo. Thời gian xong máy càng sớm càng tốt", ông Hòa cho biết và nghĩ rằng có thể làm được nên đã nhận lời.
Tranh thủ những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019, ông đã dành khoảng hơn 10 ngày để vẽ thiết kế máy, sau đó công nhân ở xưởng bắt tay ngay vào chế tạo liên tục trong 60 ngày. Các kỹ sư phần mềm cũng lập trình phần điều khiển tự động. Sau gần 4 tháng, chiếc máy hoàn thiện phần thô và chạy thử. Bài tập chiếc máy thực hiện là in, dán cùng lúc số lượng lớn, cứ 6 - 8 giây dán xong một sản phẩm.
Ông Hòa cho biết, việc máy dán nhanh hay chậm phụ thuộc vào chất lượng keo dán khô nhanh, bám dính tốt hay chậm. Nếu máy chạy nhanh quá, dán xong có thể tem lại bị nhấc lên. "Với kết quả chạy thử, máy có thể thay thế khoảng 200 công nhân vì trung bình 10 giây, máy sẽ dán xong 1 mẫu với 200 tờ tem".
Máy được thiết kế gồm 5 cụm với các nhiệm vụ khác nhau: nhặt tờ cần dán vào băng chuyền; in lưới để in keo dán vào các ô đã định trước; nhặt tem để dán lên vị trí đã được phủ keo; lấy tờ đã dán ra ngoài và cuối cùng là ép chặt, làm khô.
Toàn bộ vật tư để chế tạo máy được tận dụng là các khung nhôm, cột thép, cưa và gắn bằng thiết bị chuyên dụng. Ông cho biết, nhiệm vụ của ông không phải là làm chiếc máy cho thật phức tạp mà cố gắng đơn giản hóa những nhiệm vụ phức tạp vào từng bộ phận cấu thành máy. "Đó là cái khó nhất và tốn nhiều công nhưng hiệu quả phải như thiết bị đang có của Thụy Sỹ, trong khi đây là máy chuyên dụng nên không phổ biến trên thị trường", ông Hòa nói và cho biết bài toán khó đã được giải quyết nhưng phải thừa nhận nhìn bề ngoài hiện máy vẫn còn thô, không đẹp như máy của Thụy Sỹ nhưng tính năng thì không thua kém.
Điểm quan trọng hơn, giá của máy dự kiến chỉ bằng 1/5 giá chiếc máy của Thụy Sỹ và bảo hành hai năm trong khi máy của nước ngoài thời gian bảo hành chỉ 6 tháng đến 1 năm.
Trong tháng 5 này, khách hàng ở Nhật Bản sẽ về nghiệm thu sản phẩm. KS Hòa tâm sự, cứ có đơn đặt hàng mới, ông sẽ tìm cách thiết kế máy phù hợp, vì thế không có gì cần bí mật. Vì vậy ông đã không đăng ký bản quyền và ai muốn xin bản vẽ để chế tạo ông sẽ cho.
Quan điểm của ông là tiếp tục sáng tạo những chiếc máy mới, phục vụ cho nhiều ngành chứ không chỉ sản xuất một loại máy. Bằng chứng là không chỉ tập trung làm tàu ngầm, Công ty cơ khí Quốc Hòa do ông đang làm giám đốc chỉ có khoảng 20 kỹ sư cơ khí, điện tử nhưng đã cùng với ông thực hiện nhiều thiết bị đơn chiếc như máy in cuốn công nghệ Flexo dùng cho ngành in ấn, sản xuất bao bì, giấy vở học sinh hay máy xén giấy cung cấp cho khách hàng.