Máy cắt trộn rơm rạ

Cá nhân: Nguyễn Thị Thùy Linh

Lĩnh vực Nông nghiệp
Lượt bình chọn:
Bình chọn

Giới thiệu giải pháp:

- Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với hơn 7,5 triệu ha đất trồng lúa, tạo ra khoảng 47 triệu tấn rơm mỗi năm. Tuy nhiên, hơn 80% lượng rơm rạ bị đốt bỏ, gây ô nhiễm không khí, phát thải CO₂ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, nông dân chưa có phương án xử lý rơm rạ hiệu quả ngoài cách đốt bỏ truyền thống.

- Sản phẩm máy cắt trộn rơm rạ không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, mà còn tạo thêm nguồn thu nhập từ việc tái chế rơm thành nguyên liệu có giá trị như phân bón hữu cơ, viên nén sinh khối, thức ăn chăn nuôi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa tại các vùng khó khăn, nơi người dân phụ thuộc lớn vào sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có nhiều cơ hội gia tăng thu nhập. Tạo thêm nhiều công việc cho lao động nông thôn trong lĩnh vực thu gom, chế biến và phân phối rơm tái chế.

- Máy được thiết kế với chi phí thấp hơn so với các sản phẩm nhập khẩu, giúp nông dân dễ tiếp cận. Đặc biệt, máy có thể sử dụng pin lưu trữ và bình ác quy, phù hợp cho các khu vực chưa có điện lưới như vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
- Ngoài ra, phát triển máy cũng hướng đến mô hình cho thuê máy theo mùa vụ, giúp hộ nông dân không cần đầu tư số tiền lớn ban đầu mà vẫn có thể tiếp cận công nghệ.
Việc ứng dụng máy cắt trộn rơm giúp hạn chế đốt rơm, từ đó giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Đồng thời, việc tận dụng rơm làm phân bón sinh học cũng góp phần cải thiện chất lượng đất nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học, hướng tới nền nông nghiệp bền vững hơn.
- Sản phẩm không chỉ giúp giải quyết bài toán xử lý rơm rạ mà còn tạo một mô hình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích tư duy đổi mới trong sản xuất nông nghiệp. Khi mô hình này được triển khai hiệu quả, có thể mở rộng sang các nước có nền nông nghiệp lúa nước như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ để tăng độ phủ sóng của sản phẩm.

Xuất xứ giải pháp:

Nguyễn Thị Thùy Linh

Tính sáng tạo và đổi mới:

- Giải pháp máy cắt trộn rơm rạ ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong quá trình sử dụng. Chiếc máy này tích hợp cảm biến Load Cell, cho phép đo lường khối lượng nguyên liệu với độ chính xác đến từng gram. Điều này giúp đảm bảo tỷ lệ trộn giữa rơm và các thành phần khác luôn đạt mức tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng đầu ra và giảm thiểu lãng phí nguyên liệu.
- Bên cạnh đó, máy được trang bị công tắc 2 chế độ linh hoạt, cho phép người dùng dễ dàng lựa chọn giữa hai chức năng: chỉ cắt hoặc cắt và trộn đồng thời. Đặc biệt, máy có khả năng lắp thêm trục định hình, giúp ép rơm sau trộn thành viên sinh khối. Đây là một cải tiến quan trọng, giúp rơm sau xử lý có thể sử dụng làm nhiên liệu sạch hoặc nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, góp phần vào mô hình kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu lãng phí tài nguyên nông nghiệp.

Tính ứng dụng:

- Máy cắt trộn rơm mang đến nhiều tùy chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng của bà con, với phiên bản chạy xăng hoặc điện có giá từ 20 - 35 triệu đồng, trong khi phiên bản sử dụng pin lưu trữ dao động từ 40 - 50 triệu đồng. Nếu chỉ dùng để xử lý rơm cơ bản, bà con có thể chọn phiên bản giá rẻ hơn.

- Máy không chỉ giúp nông dân xử lý rơm nhanh chóng mà còn tạo cơ hội hợp tác với hợp tác xã, giúp bà con thuê máy dễ dàng và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Khi sử dụng lượng rơm đã được trộn vôi trải trên ruộng, thì họ có thể tiết kiệm rất nhiều tiền về phân bón, ngoài ra sản phẩm còn thừa lại có thể ép lại bán cho nhà phân bón. Ngoài ra, các doanh nghiệp trồng nấm cũng có nhu cầu lớn về rơm đã xử lý để làm giá thể trồng nấm. Bà con có thể tự trồng nấm tại nhà, tận dụng nguồn rơm thay vì bỏ phí. Bên cạnh đó, nếu liên kết với hợp tác xã nông nghiệp, bà con có thể bán viên sinh khối cho nhà máy sản xuất khí biogas với giá 20.000 - 22.000 đồng/kiện rơm 10kg, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định. Đây là nguồn thu thập tính tạm thời từ nguyên liệu cung cấp đó. Nông dân cũng có thể sử dụng phân bón này cho những cây trồng khác có thể đem lại giá trị kinh tế cao từ đó nâng cao giá trị thị trường của nông sản.

- Về thời gian hoàn vốn: Ví dụ với máy chạy xăng hoặc điện có giá từ 20 - 35 triệu đồng: Mỗi hộ nông dân có từ 1 - 3 mẫu ruộng (tương đương 10 - 30 sào), với 2 - 3 vụ lúa/năm. Giá cho thuê máy trung bình: 100.000 - 150.000 đồng/sào. Mỗi ngày có thể xử lý 5 - 10 sào → Doanh thu 500.000 - 1.500.000 đồng/ngày. Nếu khai thác 20 ngày/1 vụ, thu nhập có thể đạt 10 - 30 triệu đồng/tháng.Thêm tiền vôi, gel sinh học tùy thuộc vào giá bán từng địa phương, nhưng không làm thay đổi đáng kể thời gian hoàn vốn. Như vây, thì chỉ mất 2-3 mùa vụ , nhà đầu tư đã có thể hoàn vốn.

Tính hiệu quả:

Giải pháp máy cắt trộn rơm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, giúp nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí sản xuất. So với phương pháp xử lý rơm thủ công, máy có thể giảm từ 50 - 70% thời gian làm việc, đồng thời giảm 50 - 60% nhu cầu lao động, giúp nông dân tối ưu hóa công việc đồng áng. Bên cạnh đó, nhờ vào cơ chế hoạt động tự động và chính xác, chi phí sản xuất cũng được cắt giảm từ 30 - 50%, bao gồm tiết kiệm nhân công, nguyên liệu và điện năng. Không chỉ dừng lại ở việc xử lý rơm, máy còn giúp tạo ra những sản phẩm có giá trị cao như thức ăn gia súc và viên nén sinh khối, nhờ vào tỷ lệ trộn chính xác, đảm bảo chất lượng tốt hơn so với phương pháp truyền thống. Không chỉ mang lại lợi ích cho từng hộ nông dân, việc áp dụng máy cắt trộn rơm còn có ý nghĩa trong phát triển kinh tế nông thôn, khi tạo thêm nguồn thu nhập từ rơm rạ và mở ra cơ hội việc làm cho lao động địa phương.

Tiềm năng phát triển:

- Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với hơn 7,5 triệu ha đất trồng lúa, tạo ra khoảng 47 triệu tấn rơm mỗi năm. Tuy nhiên, hơn 80% lượng rơm rạ bị đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nhận thấy vấn đề này, nhiều tổ chức và cuộc thi đã tìm kiếm các giải pháp tái chế rơm rạ nhằm hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

- Về tiềm năng thị trường, nhóm khách hàng chính bao gồm hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến nông sản, trang trại chăn nuôi và nhà máy sản xuất phân bón sinh học. Khảo sát sơ bộ tại một xã nhỏ cho thấy 7/10 hộ nông dân sẵn sàng thuê máy cắt trộn rơm, mặc dù một số còn băn khoăn về giá cả. Nếu chỉ cần 10% diện tích trồng lúa trên cả nước áp dụng công nghệ này, doanh thu thị trường ước tính có thể đạt 500 - 800 tỷ đồng/năm. Đây là cơ hội lớn để phát triển sản phẩm, giúp nông dân tối ưu chi phí sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

- Về chiến lược thương mại hóa, sản phẩm sẽ được triển khai theo hai giai đoạn:
+ Giai đoạn 1 (6-12 tháng đầu): Sản xuất thử nghiệm và triển khai tại các hợp tác xã, trang trại để thu thập phản hồi, tối ưu thiết kế và hiệu suất hoạt động.
+ Giai đoạn 2 (1-3 năm): Mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm đối tác phân phối nhằm đưa sản phẩm đến nhiều khu vực hơn.

- Nếu được đầu tư 1 tỷ đồng, sản phẩm có thể đạt công suất 50-100 máy/tháng, với doanh thu ước tính 5-10 tỷ đồng/năm. Bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí, chi phí sản xuất có thể được tối ưu, giúp nâng cao lợi nhuận.

Tiêu chí về cộng đồng:

Cơ sở hạ tầng:

- Giải pháp máy cắt trộn rơm rạ được thiết kế với tiêu chí nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển và an toàn khi sử dụng. Ngoài ra, máy có thể được trang bị trục định hình viên sinh khối, giúp tạo ra đầu ra tiện dụng hơn cho mục đích tái sử dụng.

- Máy cũng tích hợp công tắc gạt 2 nấc (Toggle Switch), cho phép người dùng linh hoạt lựa chọn giữa ba chức năng: chỉ cắt, chỉ trộn hoặc cắt và trộn đồng thời. Điều này giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng.

- Về điều khiển, hệ thống được trang bị cảm biến Load Cell giúp đo lường chính xác khối lượng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo quá trình trộn đạt hiệu suất tối ưu. Bảng điều khiển được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng. Động cơ được thiết kế để tiết kiệm điện năng, phù hợp với điều kiện sử dụng ở các vùng nông thôn. Ngoài ra, ngoài nguồn điện truyền thống, máy còn có thể sử dụng bộ lưu trữ năng lượng như pin lithium hoặc ắc quy, giúp đảm bảo hoạt động ổn định ngay cả trong điều kiện không có điện lưới. Phần này tùy vào địa hình và tùy vào mục đích sử dụng.

Khoảng thời gian triển khai: 6 tháng

Số người tham gia: 4