Nguyễn Lệ Thu, 29 tuổi sống tại Hà Nội, đã sắp xếp đồ đạc cho chuyến du lịch 6 ngày 5 đêm đến Lệ Giang - Shangri-la (tỉnh Vân Nam), khởi hành ngày 28/4. Tối 27/4, cô nhận được thông báo từ nhân viên bán tour, chuyến đi bị hủy vì đợt này khách Việt sang Trung Quốc đông, người dân địa phương di chuyển nội địa nhiều, khiến bên cung cấp dịch vụ bị quá tải.
Việc huỷ tour do những điều kiện bất khả kháng nằm trong hợp đồng. Họ đưa cho Thu ba phương án giải quyết: nhận lại 100% tiền, dời ngày hoặc chuyển sang tour khác. Thu chọn hoàn tiền. "Quần áo đẹp đã chuẩn bị xong, giờ tour bị hủy tôi không biết làm gì cho hết 5 ngày nghỉ". Điều cô tiếc nhất là không phải lúc nào cũng có thể nghỉ được nhiều ngày để đi như dịp này.
"Thế là may", Nguyễn Trung Hiếu, hướng dẫn viên có 15 năm dẫn tour Trung Quốc, nói về trường hợp bị hủy tour sát dịp 30/4 của Thu.
Trung Quốc có ba dịp nghỉ lễ dài ngày: Tết Nguyên đán, Quốc khánh và Quốc tế Lao động 1/5. Mỗi dịp này người dân thường nghỉ từ 5 đến 7 ngày, là cơ hội để họ đi du lịch nội địa. Trước dịch, ba thời điểm này tại Trung Quốc đều "đông như trảy hội". Danh lam thắng cảnh, nhà hàng, quán ăn, khách sạn và ga tàu đều kín người. "Đi vào dịp này ngắm người là chính chứ không có kẽ hở để ngắm cảnh", anh nói.
Anh Hiếu cho hay có thể do công ty không đặt được vé tàu cao tốc vì quá đông, dẫn đến phải hủy tour. "Vé tàu có thể đặt trước. Nếu không mua được vé tàu công ty nên báo với khách từ sớm, thay vì sát ngày mới báo để tránh hụt hẫng", nam hướng dẫn viên nói.
Nguyễn Thảo Nguyên sống tại Hải Dương từng có kinh nghiệm đi Trung Quốc gần 10 lần cho biết: "Bị hủy tour đợt này thì nên mừng hơn buồn. Ga tàu ở Trung Quốc đang chật cứng người, đứng mua vé thôi cũng mất thời gian. Mua vé nối chuyến tàu, máy bay nếu không chú ý thời gian dễ bị trễ chuyến", Thảo nói.
Theo Thảo Nguyên, nhóm bạn của cô đi Trung Quốc đợt này đã phải đứng ở chờ cửa khẩu Hà Khẩu 6 tiếng mới được nhập cảnh. Những người đến muộn còn phải chờ lâu hơn. Trang Trang, sống tại Quảng Ninh cũng cho biết sáng 29/4, cửa khẩu Móng Cái cũng kín người và phải đợi gần 4 tiếng mới có thể thông quan.
"Trung Quốc đang đón kỳ nghỉ lễ cao kỷ lục về lượng đặt phòng và vé", Reuters viết hôm 28/4. Theo đó, các điểm tham quan nổi tiếng đã bán hét vé. Một số thành phố đã phải cảnh báo du khách hạn chế di chuyển. Du lịch nội địa đang phục hồi lại như trước dịch.
"Tôi đã phải cố gắng rất nhiều mới mua được vé, lần này thật khó", Di Jingshu, 21 tuổi, cho biết khi đứng đợi tàu tại nhà ga Hongqiao chật kín người ở Thượng Hải ngày 27/4. Cơ quan hàng không Trung Quốc cho biết họ hy vọng các chuyến đi của hành khách bằng đường hàng không sẽ đạt tổng cộng 9 triệu lượt trong 5 ngày tới.
Các trang web đặt vé danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Cung điện Mùa hè ở Bắc Kinh hay Vạn Lý Trường Thành đã bán hết vé trong vài ngày đầu của kỳ nghỉ. Tập đoàn Trip.com cho biết lượng đặt chỗ trực tuyến của họ vượt mức năm 2019. Nguồn cung phòng khách sạn khan hiếm đến mức một số nhà điều hành tung ra sản phẩm mới - ngủ trên đi văng trong hành lang với giá 99 tệ (hơn 300.000 đồng).
Zibo, một thành phố nhỏ ven biển của tỉnh Sơn Đông, đã cảnh báo du khách từ ba ngày trước kỳ nghỉ lễ về việc giá phòng ở đây "rất cao" và "khu vực trung tâm đã kín chỗ" để hạn chế khách ghé thăm. "Lượng khách năm nay vượt quá khả năng cung cấp chỗ ở của chúng tôi", giới chức Zibo nói và mong mọi người thông cảm nếu chất lượng phục vụ dịp này không đạt yêu cầu.
Phó giám đốc Phòng Du lịch Việt Nam, Công ty Du lịch Hải ngoại Quảng Tây (TP Nam Ninh, Trung Quốc) Nguyễn Lệ Bình cho biết dịp 30/4 này cũng hạn chế nhận tour đưa khách Việt sang, do điểm nào tại Trung Quốc cũng đông và "nhận ít để phục vụ khách được chu đáo". Bà gợi ý khách Việt muốn chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp Trung Quốc nên chọn dịp ít cao điểm hơn.
Lệ Thu sau một ngày buồn bã vì "bể tour" đã cảm thấy "mừng và may". Nhiều bạn bè gửi cho cô hình ảnh chật kín người ở các điểm cửa khẩu, du lịch tại Trung Quốc. "Tôi sẽ đến Lệ Giang vào một dịp khác ít đông đúc hơn", Thu nói.
Phương Anh