Hội nghị khai mạc sáng 8/10 tại Hà Nội. Phát biểu tại sự kiện, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hội nghị là dịp để các cán bộ nghiên cứu trẻ chia sẻ kết quả nghiên cứu, kết nối giữa các bên (viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện...) nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật hạt nhân mới ứng dụng vào thực tế.
Theo ông Thành, các báo cáo trình bày tại hội nghị cho thấy cán bộ trẻ đang hướng tập trung nghiên cứu của mình tới các vấn đề quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị nguồn lực, kỹ thuật để xây dựng lò nghiên cứu hạt nhân mới thay thế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, xây dựng mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ trên toàn quốc, y học hạt nhân, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa.
Thực tế năng lượng nguyên tử được ứng dụng nhiều trong nông nghiệp, y tế, môi trường, công nghiệp... đóng góp vào GDP tăng trung bình 6-7%/năm.
Ở lĩnh vực y tế, các ứng dụng bức xạ ion hóa đang mang lại hiệu quả trong chẩn đoán điều trị bệnh. TS Phạm Thành Minh, Viện Nghiên cứu hạt nhân cho biết, việc nghiên cứu điều chế thuốc phóng xạ 32 P-chromic phosphate trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ứng dụng trong điều trị ung thư cũng được triển khai.
Trong công nghiệp có thể ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để xác định độ ẩm, độ chặt nền móng công trình; các kỹ thuật kiểm tra không phá hủy để kiểm tra ăn mòn đáy bồn chứa xăng dầu..
Tại hội nghị các diễn giả cũng chỉ ra triển vọng kỹ thuật hạt nhân có thể đóng góp như truy xuất nguồn gốc, sử dụng phân tích đồng vị để xác thực chủng loại cũng như nguồn gốc của nông sản trong việc chống mạo danh nông sản.
Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày, ngoài phiên toàn thể sẽ có hai phiên báo cáo chuyên đề và triển lãm giới thiệu các sản phẩm, kết quả nghiên cứu.
Bảo Chi