Chiều 16/7, Ban điều hành Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) Bộ Khoa học & Công nghệ và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài (Bộ Ngoại giao) ký biên bản ghi nhớ về tăng cường kết nối, tập hợp nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, hình thành mạng lưới hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước. Lễ ký thực hiện trong khuôn khổ hội thảo "Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam".
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, hợp tác này là cơ sở để Bộ nắm được thực trạng khó khăn và đưa ra giải pháp hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong các dự án đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Tùng cho biết, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có sản phẩm, giải pháp bước ra sân chơi quốc tế, chứng minh năng lực và được cộng đồng quốc tế công nhận. Một số doanh nghiệp, chuyên gia Việt ở nước ngoài đã về nước hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và tạo được những tác động đáng ghi nhận, như nền tảng quản trị, giải pháp kết nối trực tuyến, các ứng dụng AI, robot, IoT hỗ trợ phòng chống Covid-19.
Ông Tùng cho rằng, cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt "để xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống". Sự hợp tác giữa hai phía giúp thông tin được truyền tải đầy đủ và cập nhật đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, là đòn bẩy thu hút chuyên gia người Việt ở nước ngoài đóng góp cho quê hương.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, thời gian tới, hai bên sẽ triển khai chương trình "Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển, kiến nghị đề xuất xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt những đề xuất kết nối bền vững giữa các nhà khởi nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.