Các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng startup trong lĩnh vực như đồ mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống, tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trọng sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất.
Nguyên nhân là do thiếu sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành hoặc các doanh nghiệp lớn, dẫn đến startup không đủ năng lực để duy trì mô hình kinh doanh. Thông tin nêu tại hội thảo "Hội tụ nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương", do Văn phòng đề án "Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (đề án 844) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 18/12.
Ông Trần Trí Dũng, đại diện chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ SwissEP tại Việt Nam cho biết, việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp tại Việt Nam trong các năm qua giúp nhiều vườn ươm và quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, tuy vậy vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh, trong khi các startup địa phương vẫn đang loay hoay tìm kiếm và tiếp cận mentor, chuyên gia từ các để tìm ra giải pháp đổi mới sáng tạo.
Để nhận được giúp đỡ, ông Phạm Ngọc Huy, giám đốc chương trình Accelerator, Vietnam Silicon Valley (VSVA) gợi ý, startup địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp từ quỹ đầu tư, hiểu rõ sản phẩm địa phương, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh.
Từ năm 2016 thông qua đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, đã giúp kết nối mentor và startup, cung cấp những kiến thức cơ bản và nâng cao về khởi nghiệp gắn liền đổi mới sáng tạo, sau đó kết nối startup với quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn. Đến nay, chương trình đã ươm tạo hơn 80 dự án, trong đó 30% tỷ lệ dự án khởi nghiệp gọi vốn thành công vòng kế tiếp.