"Chúng tôi sẽ đáp trả khi bị tấn công, song không hấp tấp tung đòn", Alireza Tangsiri, tư lệnh nhánh tác chiến trên biển của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ngày 9/4 tuyên bố.
Theo ông Tangsiri, việc Israel hiện diện tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đối diện với Iran qua Vịnh Ba Tư, "không phải vì mục tiêu kinh tế mà là vì mục đích an ninh và quân sự".
"Đây là mối đe dọa đối với Iran và điều này không được phép diễn ra", ông Tangsiri nói. "Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz nhưng tới nay chưa làm vậy. Nếu kẻ thù ngoan cố quấy phá, chúng tôi sẽ xem xét lại chính sách".
Iran gần đây nhiều lần dọa trả đũa Israel sau vụ tập kích tòa lãnh sự ở thủ đô Syria ngày 1/4, khiến 7 thành viên IRGC thiệt mạng, trong đó có hai chuẩn tướng. Israel tới nay chưa nhận trách nhiệm liên quan.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 8/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố nước này "chắc chắn sẽ trừng phạt Israel".
Tuy nhiên, nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Iran dường như thay đổi ý định trả đũa vụ tập kích tòa lãnh sự. Iran có khả năng không trực tiếp tập kích lãnh thổ và lợi ích của Israel, thay vào đó sẽ ủy nhiệm hành động cho những lực lượng vũ trang mà họ hậu thuẫn.
Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, với đoạn hẹp nhất khoảng 33 km, là cửa ngõ Vùng Vịnh và Ấn Độ Dương. Khoảng 1/5 sản lượng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của thế giới đi qua eo biển này, biến khu vực thành một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Iran từng bắt một số tàu dầu đi qua eo biển Hormuz hồi tháng 4 và tháng 5/2023 với cáo buộc vi phạm pháp luật nước này. Hai vụ bắt tàu diễn ra liên tiếp đã thúc đẩy Mỹ điều thêm chiến hạm và binh sĩ tới khu vực.
Thanh Danh (Theo Reuters, Times of Israel, Tasnim)