Theo ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Intel, 2022-2023 là giai đoạn vàng của thị trường game với mức tăng trưởng ấn tượng. Cuối 2022, thế giới có gần 3,2 tỷ người chơi game, tổng doanh thu toàn ngành đạt 182,9 tỷ USD. Đến năm 2023 là 187 tỷ USD. Các báo cáo cũng chi ra doanh thu ngành game tại Việt Nam 2023 đạt 500 triệu USD, đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á.
Game Việt đạt nhiều cột mốc ấn tượng thời gian qua. Ví dụ, Thần Trùng của DUT Studio đạt vị trí top một xu hướng trên Steam trong ngày ra mắt, vượt hai tên tuổi lớn là Dota 2 và GTA V. Thể thao điện tử (Esports) ngày càng phổ biến, thu hút 18 triệu người chơi và được đưa vào nội dung thi đấu của SEA Games. Các tuyển thủ Esports Việt đã mang về 4 huy chương vàng và 3 huy chương bạc tại SEA Games 31. Các giải đấu được tổ chức nhiều hơn, hướng đến học sinh, sinh viên, dân văn phòng thay vì dành cho tuyển thủ chuyên nghiệp như trước.
"Nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhận thấy tiềm năng từ game và liên kết với các đối tác trong nước để thúc đẩy Esports bằng cách tổ chức các sân chơi và giải đấu ở nhiều cấp độ. Gần đây nhất là Đấu Trường Máy Tính, Intel Tech Camp", ông Thắng dẫn chứng.
Ở mảng phát triển game, Việt Nam có nhiều dự án khởi nghiệp quy mô nhỏ với ngân sách thấp nhưng sở hữu sản phẩm tiềm năng. Lãnh đạo Intel Việt Nam cho rằng ngành game Việt trong tương lai sẽ xuất hiện thêm nhiều studio đẳng cấp, thể thao điện tử ngày càng hấp dẫn, nhiều tuyển thủ Việt tài năng sẵn sàng cạnh tranh ở cấp độ quốc tế. Bên cạnh những điểm tích cực, để ngành game bùng nổ cần xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh với sự hậu thuẫn từ cơ quan quản lý.
![Game thủ thi đấu Esports trong sự kiện do Intel tổ chức. Ảnh: Intel](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2024/03/12/Intel-Vikings-esports-arena-ho-5987-2883-1710230746.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IHMKOVHR05G6YYwQiPKwUg)
Game thủ thi đấu Esports trong sự kiện do Intel tổ chức. Ảnh: Intel
Giám đốc Intel Việt Nam dẫn chứng việc các nhà phát triển game tại Mỹ có thể được hưởng khoản tín dụng thuế R&D (nghiên cứu và phát triển) để tạo ra sản phẩm. Tại Anh, chính phủ hỗ trợ nhà phát triển game bằng cách hoàn thuế cho số tiền họ chi vào việc thiết kế, sản xuất và thử nghiệm trò chơi mới.
Game cũng là công cụ để quảng bá văn hóa của quốc gia. Các yếu tố cảnh quan, văn hóa, đời sống, lịch sử người Việt có thể lồng ghép vào sản phẩm. Chẳng hạn, game 7554 lấy cảm hứng và xây dựng bối cảnh từ cuộc chiến của Việt Nam giai đoạn chống Pháp. "Các nhà làm chính sách có thể xem xét yếu tố này để tạo ra cơ chế khuyến khích kỹ sư Việt nghiên cứu những sản phẩm giá trị cao, mang lợi ích về nhiều mặt", ông Thắng nhận định.
Với mảng thể thao điện tử, đại diện Intel nhận thấy các giải đấu Esport tăng về lượng nhưng thiếu tầm nhìn chung. Giải đấu thường do nhà phát hành tổ chức. Trong khi đó, sự phát triển của Esports cần được triển khai một cách nhất quán với một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đáp ứng tối đa nhu cầu từ người chơi và đơn vị sản xuất.
Ông Thắng lấy ví dụ về Hàn Quốc, cường quốc game của châu Á. Đầu những năm 2000, Hàn Quốc thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ ngành game, thành lập tổ chức KeSPA (Hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc) để tập trung tổ chức những giải đấu game lớn. Một trong những game thủ nổi tiếng tại Hàn Quốc là Lee 'Faker' Sang-hyeok có thu nhập 2,5 triệu USD.
Ở Việt Nam, Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam (Viresa) đã được thành lập để thúc đẩy sự phát triển Esports. Hội phối hợp với nhiều nhà phát hành để tổ chức các giải thể thao lớn và đến nhiều trường đại học phổ cập Esports qua mô hình câu lạc bộ. Tuy nhiên, ông Thắng đánh giá một mình Viresa là chưa đủ.
![Đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Game Việt Nam 2023. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2024/03/12/Dien-dan-Game-Viet-Vietnam-Gam-3056-8561-1710230746.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B_xvgG60pmsegWJQhgp9bQ)
Đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Game Việt Nam 2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Những vấn đề xoay quanh chính sách, tiềm năng, hạn chế và giải pháp đưa game Việt lên bản đồ thế giới cũng sẽ được các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành đưa ra mổ xẻ tại Diễn đàn Game Việt Nam trong khuôn khổ Vietnam GameVerse 2024, tổ chức ngày 11-12/5 tại TP HCM.
Với chủ đề "Hành trình tỷ đô của game Việt", diễn đàn năm nay sẽ bàn sâu nhiều chủ đề nổi bật xoay quanh ngành như "Việt Nam cần gì để thành thủ phủ game thế hệ mới", "Sáng tạo và phát triển game thế nào để đi đường dài", "Cơ hội với người trẻ"...
Vietnam GameVerse 2024 do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện dự kiến thu hút 40.000 người tham gia. Ngoài diễn đàn, sự kiện còn có nhiều hoạt động như chương trình tìm kiếm dự án tiềm năng - GameHub, lễ vinh danh Vietnam Game Awards, cuộc thi hóa trang Cosplay Contest, không gian hàng chục gian hàng trải nghiệm sản phẩm ngành game, công nghệ, ẩm thực.
Hoài Phương