Sau khi toàn thua năm trận đầu tiên, "thân phận" của Indonesia bị các đối thủ cùng bảng bỏ quên. Gần đây, khi Triều Tiên rút lui, FIFA quyết định thành tích đội nhì bảng với đội bét bảng sẽ không được tính khi xét vé vớt vào vòng loại cuối cùng World Cup. Các phân tích về cục diện bảng G lại càng ít đề cập đến vai trò của Indonesia, trừ những đội có khả năng xếp thứ hai.
Nhưng trận hòa 2-2 của đội bóng xứ Vạn đảo trước Thái Lan đã làm bẻ cong mọi dự đoán. Vì kết quả này mà số điểm tối đa giành được của Thái Lan chỉ còn là 15 (nghĩa là toàn thắng hai trận còn lại). Trong trường hợp đứng nhì bảng, họ chỉ còn 11 điểm khi so sánh với các đội nhì bảng khác do phải bỏ đi bốn điểm kiếm được trước Indonesia. Căn cứ theo vòng loại khu vực châu Á ở World Cup 2018 (cũng có trường hợp tương tự, khi Indonesia bị FIFA cấm vận) thì các đội nhì bảng có 11 điểm không chắc chắn giành vé vào vòng loại cuối cùng.
Trận hòa trong thế dẫn trước đến hai lần của Thái Lan là minh chứng sống động nhất cho những tính toán tai hại khi "bỏ quên" vai trò của Indonesia. Cái cách mà HLV Akira Nishino "cất" nhiều quân bài quan trọng, rồi sau đó cấp tập thay đến năm cầu thủ trong vòng 20 phút cuối cho thấy việc họ quá tự tin vào ba điểm trước Indonesia. Xét về diễn biến trận đấu, toan tính này không hẳn là sai. Thái Lan kiểm soát tốt trận đấu, ghi được hai bàn tương đối dễ dàng khi đẩy tốc độ lên cao ở những phút đầu mỗi hiệp. Thế nhưng, không ai lường trước những phản ứng bất ngờ từ Indonesia.
Về lý thuyết, sau khi hết cơ hội đi tiếp, điều đáng chờ đợi từ Indonesia chủ yếu là các vấn đề chuyên môn sau khi có HLV mới người Hàn Quốc Shin Tae-Yong cũng như "trẻ hóa" lực lượng để chuẩn bị cho SEA Games cuối năm 2021. Ít ai nghĩ Indonesia sẽ chơi với tinh thần cao nhất khi họ không còn động cơ về thành tích. Nhưng bất ngờ là đội bóng của Shin lại "máu lửa" vượt quá dự đoán của Thái Lan. Những cầu thủ trẻ của Indonesia chơi bóng như thể đấy là một trận cầu quyết định. Trong năm phút cuối, có lúc năm-bảy cầu thủ Indonesia đổ gục xuống sân vì kiệt sức, nhưng họ vẫn bật dậy để ngăn cản Thái Lan ghi bàn. Nói cách khác, Indonesia không có gì chuyển biến đáng kể về chuyên môn, họ có được một trận hòa cũng vì Thái Lan đã chơi không đúng sức, bất cẩn trong phòng ngự. Nhưng rõ ràng tinh thần của Indonesia thực sự là một bất ngờ.
Sau trận, HLV Shin nói sẽ đánh bại Việt Nam trong cuộc đối đầu ngày 7/6, chắc chắn đó là một tuyên bố nghiêm túc và cần được thầy trò HLV Park Hang-seo nhìn nhận một cách kỹ lưỡng. Từ chỗ chỉ là "kẻ ngoài cuộc", Indonesia lại đang đóng vai trò "người phán quyết", nhất là sau khi Malaysia thua đậm UAE và mất quyền tự quyết. Theo lịch thi đấu, Indonesia lần lượt chạm trạn với Thái Lan, Việt Nam và UAE. Đây là ba đội bóng có triển vọng nhiều nhất cho hai vị trí đầu bảng G. Hãy thử tưởng tượng đến kịch bản, sau khi hòa Thái Lan, nếu Indonesia cầm hòa Việt Nam rồi thua chủ nhà UAE, thì cục diện bảng đấu sẽ thay đổi một cách toàn diện.
Cả Thái Lan lẫn Việt Nam, trong một chừng mực nào đó, đều ít khi tính đến "yếu tố Indonesia". Nhưng với UAE thì khác. Họ là đội hưởng lợi lớn nhất nếu như Indonesia căng sức đá "xanh chín" với Thái Lan và Việt Nam. Là quốc gia đăng cai loạt trận quyết định này, UAE chắc chắn không bỏ qua bất kỳ khả năng nào có thể để vươn lên đứng đầu bảng. Họ sẽ đá đến bốn trận sân nhà. Họ cũng có thể thông qua các mối quan hệ nào đó, để tác động Indonesia đá hết sức trước Thái Lan và Việt Nam. Thực tế cho thấy, trong trận hòa với Thái Lan, ngoài yếu tố tinh thần thì Indonesia chỉ có ba cú sút đi đúng hướng nhưng lại có hai bàn, đều khá nhạy cảm vì nằm trong thế có thể việt vị. Chưa kể, hậu vệ Indonesia còn một pha chạm tay trong vòng cấm nhưng được bỏ qua, dù cầu thủ Thái Lan đã phản ứng quyết liệt.
Không có công nghệ VAR, mọi thứ sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các trọng tài. Đây là điều mà Việt Nam nhất thiết phải tính đến trước trận đối đầu với Indonesia. Nếu không lấy trọn ba điểm trước đối thủ này, gần như thầy trò HLV Park phải đối diện với ngọn núi cực lớn ở lượt cuối cùng trước UAE.
Song Việt