Đây là lần đầu Indonesia nhận giải Fair Play ở AFF Cup. Giải này dành cho đội bóng có tinh thần thể thao nhất tại giải, theo các tiêu chí FIFA.
Indonesia phạm lỗi nhiều nhất ở AFF Cup 2020, với 143 lần, theo thống kê của trang chủ giải. Tỷ lệ phạm lỗi của Indonesia cũng cao nhất, lên tới 17,9 lỗi mỗi trận. Đoàn quân của Shin Tae-yong cũng phải nhận nhiều thẻ vàng thứ hai tại giải, với 13 chiếc, chiếm tỷ lệ 1,6 chiếc mỗi trận, chỉ ít hơn Thái Lan và Philippines.
Trang chủ Liên đoàn Bóng đá Indonesia cũng cho biết hôm 23/12, bốn cầu thủ của họ là Elkan Baggott, Rizki Ridho, Rizky Dwi và Victor Igbonefo vi phạm quy định "bong bóng cách ly" Covid-19. Họ đã phải nộp phạt tiền vì lỗi này. Nhóm cầu thủ này vẫn được chơi trận chung kết lượt đi hôm 29/12, nhưng bị cấm đá lượt về ngày 1/1.
FIFA đưa ra 10 tiêu chí Fair Play, gồm: chơi công bằng; chơi quyết thắng nhưng chấp nhận thất bại một cách có tự trọng; tuân thủ luật thi đấu; tôn trọng đối thủ, đồng đội, trọng tài, quan chức và khán giả; quảng bá lợi ích của bóng đá; tôn vinh những người bảo vệ danh tiếng bóng đá; từ chối tham nhũng, ma túy, phân biệt chủng tộc, bạo lực, cá độ và các mối nguy hiểm khác với bóng đá; giúp người khác chống lại nạn tham nhũng; tố cáo những người làm mất uy tín bóng đá; và dùng bóng đá để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn.
Indonesia lần thứ sáu thất bại ở chung kết AFF Cup, khi thua Thái Lan chung cuộc 2-6. HLV Shin Tae-yong nhiều lần bất bình khi cầu thủ của ông không được phép thi đấu vì phải cách ly.
Trong 13 kỳ AFF Cup đã diễn ra, có chín lần giải Fair Play được trao. Trong đó, có tám đội nhận giải đều vào tới ít nhất là bán kết năm đó. Mới có một đội vừa vô địch, vừa nhận giải Fair Play, là Thái Lan năm 2016. Tại AFF Cup 2018, Malaysia cũng gây tranh cãi khi được trao giải Fair Play dù có cầu thủ bị đuổi ở chung kết. Việt Nam đã một lần nhận giải này năm 2014.
Xuân Bình