- Việt Nam chuẩn bị tiếp đón UAE ở lượt trận thứ tư, vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Cảm giác của anh thế nào khi nhắc đến đối thủ này?
- Tất nhiên là bồi hồi. Mỗi khi nhắc đến UAE, trong tôi lại dấy lên cảm xúc khó tả. Một dòng ký ức lại ùa về. Trận đó diễn ra ở Mỹ Đình, và bàn thắng của tôi không chỉ giúp đội nhà làm nên cơn địa chấn trước đối thủ sừng sỏ, mà còn mở đường cho Việt Nam lần đầu vào tứ kết Asian Cup.
Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc đó. Sau khi nhận bóng ở giữa phần sân UAE, tôi phối hợp một-hai với Minh Phương. Cú chích bóng của Minh Phương đưa bóng vượt qua hậu vệ UAE, tạo điều kiện cho Thanh Bình nhưng cậu ấy sút hụt. Bóng trôi qua hậu vệ cuối cùng của đối phương, và theo như quán tính, tôi đã băng lên rồi tung cú sút mạnh tung lưới UAE. Sau khi ghi bàn, tôi như điên cuồng, nhảy qua cả biển quảng cáo để chia vui với biển người hâm mộ đang nhảy nhót phấn khích. Một bàn thắng để đời mà tôi mãi mãi không quên.
Sau này, tôi còn gặp lại UAE nhiều lần, cả sân nhà lẫn sân khách và một số giải đấu khác, nhưng không lặp lại được kết quả như trước.
- Sau những lần chạm trán UAE, mà như anh nói là vui có, buồn có, Huỳnh Quang Thanh đánh giá thế nào về đối thủ này?
- Tuỳ vào mỗi giai đoạn mỗi khác, nhưng nhìn chung, bóng đá UAE vẫn trên Việt Nam một bậc. Cụ thể ở trận đấu hôm nay, thiếu vắng Ali Mabkhout - người đóng góp đến sáu trong tám bàn của toàn đội sau ba trận, nhưng UAE vẫn còn Ahmed Khalil rất kinh nghiệm, từng 105 lần khoác áo đội tuyển, ghi 51 bàn và giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc châu Á 2015. Chính cầu thủ này đã ghi bàn trong cả hai chiến thắng của UAE trước Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2015. Bên cạnh đó, họ còn có hàng tiền vệ tốt, nhiều cầu thủ nhanh nhẹn và kỹ thuật - nhất là Omar Abdulrahman - cầu thủ xuất sắc châu Á 2016... Do đó, xét tương quan lực lượng, tôi vẫn đánh giá UAE trên cơ Việt Nam.
- Vậy Việt Nam phải làm gì để hướng đến một kết quả có lợi trước UAE?
- Điều này phụ thuộc vào cách tiếp cận của các cầu thủ Việt Nam. Quan trọng nhất là không được chủ quan. Đừng nhìn vào cách UAE thi đấu với Thái Lan hay Malaysia, Indonesia mà đánh giá thấp họ. Có thể phong độ của họ lúc đó không tốt, gặp những đối thủ được tổ chức chặt chẽ, nên chưa phát huy hết khả năng. Mỗi trận đấu là một bài toán khác nhau, và hoàn toàn không có tính bắc cầu. Vì vậy, các học trò của HLV Park Hang-seo phải đề phòng, chơi tập trung tối đa và đừng khinh thường đối thủ.
Tiếp theo, họ phải biến sự cổ vũ đông đảo và cuồng nhiệt của khán giả ở Mỹ Đình thành lợi thế tinh thần. Trong sự nghiệp của thế hệ chúng tôi, nơi đây từng là điểm tựa để các cầu thủ thăng hoa. Và hy vọng hôm nay điều đó lại tái xuất.
- Những điều anh nói kể trên là về mặt tâm lý, vậy còn những yếu tố chuyên môn thì sao?
- Thú thật, tôi không dám chắc Việt Nam có thể chiến thắng hay không, dù rất mong mỏi điều đó. Chỉ có một điều tôi cảm thấy an tâm nhất là thầy Park đã tạo ra cho đội tuyển Việt Nam một hàng phòng ngự vững chắc. Họ gần như gánh luôn cả đội. Các cầu thủ phòng ngự chơi bọc lót kín kẽ và như một khối vậy. Chúng ta đừng nghĩ Thái Lan, Malaysia hay Indonesia quá yếu nên không ghi bàn được vào lưới Việt Nam, mà là do chúng ta có hàng phòng ngự quá chắc, khiến đối phương không tài nào xuyên thủng. Sau ba trận, chúng ta mới nhận một bàn thua, và đó là tai nạn. Nếu hàng phòng ngự tiếp tục chơi tốt, tránh sai sót, chúng ta cũng có thể làm nên chuyện trước UAE.
Điều tôi lo lắng nằm ở tuyến trên. Việt Nam đang thiếu những tiền đạo giỏi để cụ thể hoá cơ hội. Anh Đức đã lớn tuổi và khó thi đấu trọn 90 phút với cường độ cao. Còn Công Phượng đang đánh mất cảm giác bóng, thể hình nhỏ con và không thể tì đè để hoạt động độc lập. Cậu ấy chỉ có bài tủ rê dắt, nhưng rất dễ bắt bài. Tiến Linh có thể tạo đột biến nhưng thiếu kinh nghiệm. Do đó, chúng ta phải hy vọng sự đột biến đến từ hàng tiền vệ với Quang Hải, Văn Toàn, Hùng Dũng...
Đức Đồng