-
HLV Mai Đức Chung từng thừa nhận rằng, trước SEA Games 32, ông không nghĩ Việt Nam có thể vô địch lần nữa. Vì sao ông có quan điểm như vậy?
(Đức Trần, 34 tuổi, Hà Nội)Mai Đức Chung:
Khi đội tuyển thi đấu xong, tôi mới hoàn toàn cởi mở, cả về tâm hồn lẫn suy nghĩ. Trước giải, tôi rất lo lắng vì sợ đội tuyển không đáp được ứng kỳ vọng của người hâm mộ. Có nhiều nguyên nhân khiến tôi lo ngại như vậy. Đầu tiên là tuổi tác. Ở SEA Games vừa qua, Việt Nam có tuổi trung bình cao nhất. Thứ hai, nhiều trụ cột ở hàng thủ chấn thương, ví dụ như Chương Thị Kiều. Thứ ba là thời tiết tại Campuchia rất nắng nóng. Ngoài ra, đội tuyển đang ở giai đoạn chuyển giao. Có những VĐV rất trẻ, lần đầu dự giải cùng đội tuyển. g.
Nhưng khi Thanh Nhã ghi bàn thứ hai, tôi nghĩ là chúng tôi đã thành công. Tôi như giải tỏa hết suy nghĩ, lo lắng. Đó là lý do tôi nhảy lên sung sướng sau tiếng còi kết thúc trận đấu, giống như Huỳnh Như nhảy lên ăn mừng theo kiểu Ronaldo. Tôi chưa bao giờ hành động như thế.
Huỳnh Như:
Tôi cũng vô cùng phấn khích. Sau khi trở về từ châu Âu, tôi rất muốn cùng đội tuyển làm nên lịch sử với bốn lần liên tiếp vô địch SEA Games. May mắn là tôi hòa nhập tốt và hoàn thành mục tiêu bảo vệ tấm HC vàng.
-
Với cá nhân Thanh Nhã, đấy cũng là trận chung kết đặc biệt vì ghi được một siêu phẩm. Không có ý nghi ngờ nhưng anh thấy trước khi sút em còn chưa nhìn vào khung thành, liệu đó là bàn thắng có chủ đích hay may mắn? (Võ Hữu Nhơn - Thành phố Tân Uyên-Bình Dương - 35 tuổi) và Vũ Nguyên Lâm - Thái Thịnh - Hà Nội (47 tuổi)
(Võ Hữu Nhơn, 25 tuổi, Bình Dương)Nguyễn Thị Thanh Nhã:
Trước trận, ban huấn luyện đã cho chúng tôi xem băng hình và phân tích. Tình huống ấy tôi ra quyết định thật nhanh và may mắn song hành. Sau khi sút theo cảm giác, tôi đứng sững lại nhìn bóng bay vào lưới, cảm thấy rất vui mừng và sung sướng.
-
Qua truyền thông, tôi biết đội tuyển gặp nhiều tình huống "dở khóc dở cười" trong thời gian đóng quân tại khách sạn Phnom Penh, như giặt không kịp nên thiếu quần áo hoặc phải kéo giường ra gần hành lang để bắt sóng vì wifi yếu? Không biết thực hư ra sao? (Hồng Phúc - Đông Anh)
(Hồng Phúc, Văn Giang - Hưng Yên)Mai Đức Chung:
Đúng vậy. Ban tổ chức SEA Games bố trí 17 đội tuyển ở chung khách sạn Phnom Penh. Nơi ở đủ tiện nghi, có phòng gym, bể bơi. Đội cũng được ăn buffet, rất nhiều món nhưng có một số món không hoàn toàn hợp khẩu vị, nhiều ớt cay.
Nhưng vấn đề sinh hoạt đúng là rất khó khăn, như một số vấn đề mà độc giả đã nêu ở trên. Ví dụ chuyện quần áo. Do có 17 đội tuyển - mà mỗi đội tuyển khoảng 20 VĐV cũng như cán bộ đoàn, họ giặt không kịp. Chúng tôi phải tự giặt, nhưng phơi trong phòng thì lâu khô, còn phơi ở ngoài thì không được phép. Bể bơi chung nam và nữ, nên để thả lỏng chúng tôi chỉ có các cầu thủ thả chân xuống bể, ngoáy ngoáy một chút thôi. Thực sự không thoải mái chút nào.
Nguyễn Thị Thanh Nhã:
Đúng như là chúng tôi rất khổ sở chuyện quần áo. Ban đầu đội định phơi quần áo ở cửa sổ, nhưng khách sạn không cho phép. Sau đó, chúng tôi mang xuống bể bơi phơi thì họ bắt cất đi. Chính chị Huỳnh Như phải trải qua chuyện này.
-
Chị Huỳnh Như ơi, đối thủ nào khiến chị khó chịu nhất trong hành trình giành HC vàng Sea Games 32? Vì sao chị mừng bàn thắng kiểu Cristiano Ronaldo? Đó có phải là tấm gương để chị noi theo không?
(Gia Nam , Hoàng Văn Thụ, Hà Nội)Huỳnh Như:
Đối thủ khó chịu nhất vẫn là Philippines, vì họ có thể hình quá cao lớn. Trong trận thua 1-2 ở lượt cuối vòng bảng, tạo dựng thế trận vượt trội nhưng Việt Nam vẫn gặp khó khăn trước thể hình của Philippines, mà ví dụ là ở bàn thua thứ hai. Nhưng gặp những đối thủ như thế cũng là cơ hội để chuẩn bị cho World Cup 2023, nơi chúng tôi sẽ gặp những đối thủ vượt trội cả về thể hình lẫn trình độ.
Còn về kiểu mừng bàn thắng, tôi học được trong thời gian thi đấu ở Bồ Đào Nha. Ở đó, trong mỗi buổi tập chia đội hình thi đấu, hễ ghi bàn là họ nhảy lên vung tay mừng kiểu "Siu" như Ronaldo. Mọi người cũng bảo tôi hãy mừng bàn thắng như vậy. Với cá nhân tôi, Ronaldo là tấm gương lớn về nghị lực, kiên trì và tinh thần không bỏ cuộc. Tôi luôn tâm niệm phải giữ được những điều này. -
Chuyến tập huấn ở Nhật Bản gần đây cho chúng ta cơ hội chạm trán đội trẻ bản địa, ở độ tuổi 18-19 hay đội tuyển đại học. Gặp những người tầm tuổi của mình, Thanh Nhã thấy sao?
(Quốc Huy, TP HCM )
Mỗi lần đến một vùng đất bóng đá mới đẳng cấp hơn đem đến động lực gì?Nguyễn Thị Thanh Nhã:
Ở đợt tập huấn đó, chúng tôi được giao lưu với các đội bóng của Nhật Bản. Lối đá của họ là ban bật ngắn, nhỏ. Mỗi lần tiếp cận với nền bóng đá tiên tiến, tôi cố gắng tích luỹ chuẩn bị cho các giải chính thức như SEA Games vừa qua và World Cup sắp tới.
-
Chơi ở Lank, Huỳnh Như rút ra được những kinh nghiệm gì để đóng góp cho tuyển Việt Nam khi hướng tới World Cup 2023? Người Bồ Đào Nha nghĩ gì về bóng đá Việt Nam?
(Hoàng Minh, 31 tuổi, Đà Lạt, Lâm Đồng)Huỳnh Như:
Khi chơi ở Bồ Đào Nha, điều quan trọng nhất mà tôi rút ra được là phải tự tin, vì nếu không tự tin, chúng ta sẽ bị các đối thủ to cao ở đó uy hiếp tinh thần. Họ đá rất nhanh nhẹn, quyết liệt máu lửa không hề ngại va chạm ngay từ khi tập, thậm chí còn quyết liệt hơn cả khi đấu. Bởi nếu không tự tin, sẽ không thuyết phục được HLV cho thi đấu.
Để hướng tới World Cup 2023, tôi nghĩ cầu thủ Việt Nam, ngoài tự tin, cũng phải phát huy tố chất về kỹ thuật và sự tinh quái. Cầu thủ châu Âu vượt trội về thể hình, nhưng họ xoay xở chậm và nặng nề. Mọi người đều thấy khi sang Lank, tôi vẫn có thể chơi tốt. Vì thế, tôi tin Việt Nam vẫn có thể làm nên điều kỳ diệu tại World Cup sắp tới.
Khi tôi mới sang Lank, mọi người bên đó còn hỏi tôi Việt Nam ở đâu, nói chung là chưa có bất kỳ hình dung nào về Việt Nam. Tôi nói Việt Nam sắp dự World Cup nữ, mà nhiều người không tin. Phải đến một - hai tháng sau, khi đội tuyển Bồ Đào Nha chuẩn bị đá play-off tranh vé vào cùng bảng E ở World Cup, họ mới biết là Việt Nam đã vào bảng đấu trước rồi. Từ đó, họ chú ý nhiều hơn đến tôi. Cá nhân tôi rất tự hào, vì người Bồ Đào Nha không nghĩ rằng một đất nước nhỏ bé như Việt Nam được dự World Cup. Và tôi đã nói với một số nhà báo bên đó rằng giờ các anh đều biết rồi đấy, và biết đâu khi vào World Cup, Việt Nam có thể đánh bại cả Bồ Đào Nha. Họ tỏ ra rất "cay cú" khi bị tôi chọc như vậy.
-
Dự World Cup được xem là nỗ lực vượt bậc so với nền tảng hiện tại của Việt Nam. Đá ở Đông Nam Á khác so với châu Á, và ra World Cup còn khác nhiều. Minh chứng là trận giao hữu thua Pháp 0-7.
(Lương Hữu Bằng, 55 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam)
Nếu đội tuyển hàng đầu thế giới ở thang điểm 10, HLV Mai Đức Chung cho Việt Nam điểm mấy?Nếu so sánh với châu Âu, chứ chưa nói đến thế giới, chúng ta đã thua kém nhiều. Vì như người ta vẫn nói, Đông Nam Á là vùng trũng của bóng đá thế giới.
Như Huỳnh Như đã chia sẻ, riêng việc thi đấu cho các CLB châu Âu thôi, chúng tôi cũng kém nhiều về hình thể, thể lực, sức mạnh, tốc độ... Đó là vấn đề về nòi giống. Về chuyên môn cũng thua họ.
Tuy nhiên, với những điều kiện như vậy, chúng tôi hoàn toàn thoải mái về tư tưởng khi gặp các đội tuyển mạnh. Không việc gì phải căng cứng, vì ai cũng hiểu được thực tế thế nào. Không thể yêu cầu chúng ta phải thắng đội tuyển Mỹ. Hay như trận giao hữu với Pháp vừa qua. Ở châu Âu, họ vốn đứng nhất - nhì. Nhưng qua mỗi trận đấu, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều điều. Ví dụ như ở hiệp một, chúng tôi thua 0-6. Nhưng hiệp hai, chúng tôi lấy lại tinh thần, biết cách đá nên chỉ nhận thêm một bàn thua.
Sắp tới, chúng tôi được đi tập huấn ở Đức rồi Ba Lan. Qua đó, chúng tôi có thể tích lũy thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho World Cup.
-
Thua xa về trình độ so với ĐKVĐ Mỹ hay á quân Hà Lan, vậy chúng ta chờ đợi gì ở World Cup 2023. Và HLV Mai Đức Chung có kế hoạch chiến thuật thế nào cho giải đấu này?
(Nguyễn Minh Phúc, 27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)Việc lọt vào vòng chung kết World Cup là điều vinh dự lớn lao cho bóng đá, đất nước Việt Nam cũng như bản thân đội tuyển. Đó là điều tôi không thể ngờ. Nhưng, cũng vì thế chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm. Chúng tôi không thể mang suy nghĩ đến đó để chơi, để du lịch mà đi thi đấu với những đội tuyển hàng đầu thế giới như Mỹ, Hà Lan... Bình thường, không thể bỏ tiền ra để mời họ sang thi đấu với chúng ta được, và có thể họ cũng không sang hoặc chỉ mang theo đội hình dự bị.
Còn ở World Cup, họ phải đá thật với Việt Nam. Chúng ta phải thấy vinh dự vì điều đó. Ngoài ra, có một vinh dự lớn lao nữa là chúng ta được hát Quốc ca, chào Quốc kỳ ở sân chơi thế giới, để mọi người biết đến đất nước và con người Việt Nam.
Như Huỳnh Như vừa nói, chúng tôi đến World Cup để thi đấu, để mọi người biết đến và có thể làm nên bất ngờ nào đó.
-
Bóng đá nữ Việt Nam dường như đã cải thiện, như mức lương đã tăng hơn trước? HLV Mai Đức Chung nghĩ sao về sự thay đổi này?
Bên cạnh đó, để quản lý và duy trì một tập thể nữ rất phức tạp. Ban huấn luyện có thường xuyên nhắc nhở hoặc đưa ra những nội quy, quy định để tránh những phiền phức xảy ra không? (halaca@ymail.com - Hà Nội) và (Vương Khánh Thi - 34 tuổi - TP HCM).
(Mr Ha)Mai Đức Chung:
Tôi rất vui mừng vì đời sống các em, các cháu được nâng lên, được xã hội quan tâm hơn. Cuộc sống của các cầu thủ nữ tốt hơn, từ chế độ bồi dưỡng của Tổng cục, Liên đoàn. Chế độ dinh dưỡng được cải thiện tốt hơn nhiều, nhất là cho World Cup này. Sáng hôm qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng động viên, bày tỏ sự quan tâm đến bóng đá nữ. Chúng tôi rất hạnh phúc vì sự quan tâm đó.
Ngoài ra, tôi cũng mong mỏi các cầu thủ có một cuộc sống hạnh phúc gia đình và công việc sau sự nghiệp.
Về đặc thù của các cầu thủ nữ, tôi dã điều chỉnh lại các bài tập cho phù hợp, vì cao quá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cầu thủ. Tôi luôn khơi gợi, nâng cao tinh thần ý chí của phụ nữ Việt Nam. Trong sinh hoạt, chị em cũng có nhiều vấn đề, bản thân tôi luôn cố gắng thông cảm và hiểu, để họ thoải mái hơn.
-
Thanh Nhã, em nghĩ sao về quan điểm cầu thủ nên có một nghề tay trái như một điểm tựa tài chính rồi cống hiến cho đam mê? Và nếu không theo nghiệp cầu thủ, em sẽ làm nghề gì?
(Lê Minh Việt , 18 tuổi, Lam Sơn - Thanh Hóa )Tôi chưa nghĩ đến nghề tay trái. Tôi tập trung cho những mục tiêu trước mắt. Chúng tôi có bàn tán với nhau, đặt mục tiêu cố gắng vượt qua vòng loại Olympic 2024 và cống hiến cho khán giả trận đấu đẹp ở World Cup 2023. Hiện giờ tôi vẫn đang đi học, chưa nghĩ đến công việc khác ngoài bóng đá.
-
HLV Mai Đức Chung có ý định lập một trung tâm chuyên đào tạo cầu thủ bóng đá nữ không? Kiểu kết hợp với các học trò từng dẫn dắt ở đội tuyển Việt Nam.
(Đỗ Trường Giang, 40 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)Mai Đức Chung:
Tôi có đề xuất với LĐBĐ VFF thành lập ra ba trung tâm bóng đá nữ. Vì bóng đá nữ Việt Nam hiện mới có một trung tâm tại Trung tâm đào tạo trẻ VFF. Chúng ta cần thêm hai trung tâm, một ở Huế hoặc Đà Nẵng, hoặc ở TP HCM hoặc miền tây. Tôi nghĩ có rất nhiều cháu muốn chơi bóng đá nữ, nhưng phải đi xa, từ Kiên Giang ra TP HCM, hoặc từ từ các nơi khác ra Hà Nội để đăng ký tập luyện. Vì thế tôi muốn VFF lập ra nhiều trung tâm hơn.
Còn bản thân tôi thì chưa đủ điều kiện kinh tế để mở trung tâm như thế này. Tôi chỉ có thể hỗ trợ với tư cách cá nhân, tinh thần, kỹ thuật cho một số trung tâm bóng đá cộng đồng. Đó chỉ là đóng góp nhỏ, rất nhỏ của tôi với tâm nguyện góp sức cho bóng đá nữ Việt Nam.
-
Khẩu phần ăn của đội tuyển nữ tại các giải đấu lớn thế nào? Có còn ăn nhiều mỳ tôm, hay đồ mang từ Việt Nam không?
(Xuân Hướng, 30 tuổi, Lạng Sơn)Mai Đức Chung:
Cần có bác sĩ riêng về dinh dưỡng cho đội tuyển. Tôi cũng đề xuất với Liên đoàn điều này rồi. Bữa ăn của đội tuyển nữ cũng nhiều hơn người bình thường một chút. Chúng ta cần tính toán số calo cần thiết để cầu thủ nạp vào và đáp ứng yêu cầu của buổi tập. Tôi vẫn động viên các học trò ăn nhiều thức ăn, để bù đắp cho những vất vả trên sân tập.
Một ngày của các tuyển thủ nữ cũng không khác nhiều các cầu thủ nam. Trước đây, tôi cũng là VĐV nên tôi hiểu tâm lý cầu thủ. Chúng tôi phổ biến nhanh với toàn đội trong các buổi họp, buổi tập và tạo tâm lý thoải mái cho các cầu thủ. Về các sinh hoạt khác, chúng tôi cũng đặt lịch cẩn thận để phân bố thời gian hợp lý. Sau khi vô địch, chúng tôi cũng sắp xếp thời gian để cám ơn người hâm mộ qua truyền thông.
-
Trở về từ Lank dự SEA Games, Huỳnh Như được các đối thủ chú ý, chăm sóc kỹ càng. Việc đó ảnh hưởng thế nào đến lối chơi, hiệu quả thi đấu của bạn. Sắp tới, Huỳnh Như có những mục tiêu nào?
(Mai Hoài Ân, 25 tuổi, Hải Châu, Đà Nẵng)Huỳnh Như:
Trước tiên, tôi phải cám ơn CLB Lank đã tạo điều kiện cho tôi về thi đấu tại SEA Games, góp sức cho đội tuyển.
Đá tiền đạo thì luôn phải đối đầu với những cầu thủ to con, theo kèm rát. Tôi cũng đã quen với việc này từ lâu, trước khi sang Lank. Lần về dự SEA Games này, tôi cũng được bác Chung nhắc nhở về việc các đối thủ sẽ chăm sóc tôi kỹ hơn, nên tôi sẽ phải chạy nhiều hơn, đá khéo léo hơn. Tôi cũng không gặp nhiều khó khăn để bắt nhịp với toàn đội.
Còn về các mục tiêu xa hơn thì trước mắt, cá nhân tôi sẽ tập trung cao nhất cho đội tuyển tại World Cup 2023, hy vọng sẽ cùng đội làm nên điều gì đó kỳ diệu. Sau đó, tôi muốn cùng đội giành vé dự Olympic Paris 2024, vì theo tôi biết, nữ Việt Nam cũng nằm ở bảng đấu loại giai đoạn hai không quá nặng, nên cũng sẽ có cơ hội.
-
Tôi còn nghe chuyện Huỳnh Như vừa tập vừa khóc khi mới lên tuyển, bởi vì giống nhiều cầu thủ trẻ bị HLV Mai Đức Chung góp ý rất nhiều? Có đúng không Huỳnh Như?
(Huệ Thu, 28 tuổi, Long Biên, Hà Nội)Ngày đầu lên tuyển năm 2011, tôi rất sợ gặp các chị. Không biết giờ các bạn trẻ như Nhã lên tuyển có sợ tôi không, chứ hồi đó tôi rất sợ các chị. Tôi sợ đá sai thì sẽ bị các chị la mắng. Có lần, đi thi đấu ở nước ngoài, tôi còn khóc vì HLV Trần Vân Phát - bác người Trung Quốc rất nghiêm khắc - mắng. Pha bóng đó HLV muốn tôi dứt điểm, nhưng tôi lại chuyền và khiến bác không hài lòng. Khi đó, chị Thương đội trưởng động viên tôi, khiến tôi yêu quý các chị hơn và bớt run sợ hơn. Cầu thủ trẻ rất khó tránh mắc lỗi, nên các chị đóng vai trò rất quan trọng, vì giúp uốn nắn, chỉ bảo cho lớp đàn em, và cũng tháo bỏ bớt áp lực, giúp tôi trưởng thành và tự tin hơn.
Tôi từng khóc hồi trẻ, nhưng trường hợp khóc sau khi bỏ lỡ cơ hội như Thanh Nhã thì tôi chưa từng thấy. Tôi đã cho các đồng đội ở nước ngoài xem video đó, và mọi người đều bật cười vì thấy cảnh Nhã gục ra sân khóc, xong trọng tài phải đến dỗ dành. Nhõng nhẽo quá trời luôn. Nhưng giờ thì Nhã khác nhiều rồi, trưởng thành, còn ăn hiếp ngược cả tôi.
-
Ở trận thắng Malaysia 3-0, HLV Mai Đức Chung tung cầu thủ trẻ Vũ Thị Hoa vào sân. Khi Hoa rời sân, ông nhận xét là Hoa chơi thiếu nhiệt tình khiến cô bé khóc vì tủi thân. Cầu thủ trẻ bị nói chuyên môn, kỹ thuật chưa tốt chắc dễ chấp nhận hơn nhưng bảo chơi chưa nhiệt dễ tủi thân. Ông có biết chuyện này không?
(Quỳnh Chi, 39 tuổi, Nam Định)Trong một giải đấu, tôi phải nhìn nhận và đánh giá các đối thủ, từ đó điều chỉnh nhân sự sao cho phù hợp. Có những trận đấu gặp đối thủ vừa tầm, chúng tôi phải giữ sức cho các trụ cột. Trong trận gặp Malaysia, tôi quyết định để Vũ Thị Hoa thi đấu. Hoa còn trẻ nhưng thiếu tích cực trong các tình huống bóng. Bình thường tôi rất thương các cầu thủ, nhưng trên sân tôi phải cương quyết. Cầu thủ nào không tích cực hay không đáp ứng tiêu chuẩn của ban huấn luyện thì sẽ bị thay ra.
Tại SEA Games 32 vừa qua, chúng tôi không đánh giá đối thủ nào yếu, và tôn trọng mọi đội bóng. Nhưng khi gặp Malaysia hay Campuchia, chúng tôi phải sắp xếp nhân sự thi đấu sao cho phù hợp, tránh chấn thương, thẻ đỏ của các trụ cột. Tất cả chỉ vì kết quả cuối cùng. Sau trận, tôi cũng đã nói chuyện với Hoa và xin lỗi vì đã nặng lời. Bởi trong trận đấu tôi phải quan sát cả 11 cầu thủ. Hoa còn trẻ nhưng chưa năng nổ, nên tôi thuyết phục Hoa làm tốt hơn.
-
Em nhỏ hơn anh một giáp, sau 1975, có xem anh đá khi đội Tổng Cục Đường Sắt vào Nam thi đấu, xin được hỏi anh mấy câu:
(David Tèo, Bình Chiểu - TH HCM)
1- Cầu thủ miền Bắc và miền Nam nào anh ngại đối đầu nhất.
2- Cầu thủ nữ nào của Việt Nam toàn diện nhất.
3- Nếu anh giải nghệ thì huấn luyện viên nội nào đủ sức thay thế.
Chúc anh và các cô gái vàng nhiều sức khỏe và thi đấu tốt ở World Cup.Mai Đức Chung:
Năm 1976, tôi được đá với anh Tam Lang, anh Tư Lê và nhiều anh khác. Nhưng bóng đá thời đó ở miền Bắc và Nam khác nhau. Miền Bắc đá thực dụng hơn, vì gặp phải nhiều đội mạnh hơn như Liên Xô, Đức. Các anh ở miền Nam thì đá rất kỹ thuật, dẫn bóng, che bóng, nhưng phối hợp không tốt bằng. Chúng tôi thì dựa vào thể lực, áp sát nhiều. Nhưng lúc ấy, tôi không nghĩ gì ngoài việc mừng đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, chỉ trao đổi kinh nghiệm với nhau giữa bóng đá hai miền.
Còn về cầu thủ toàn diện thì rất khó so sánh. Mỗi thế hệ một khác. Thế hệ Bùi Lương, Kim Hồng, Bích Hạnh hồi trước ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế, quanh quẩn thi đấu trong nước, nên kinh nghiệm không tốt bằng các em, các cháu bây giờ. Bây giờ, như Huỳnh Như có kỹ thuật, khéo léo, tố chất, nên phù hợp để ra nước ngoài thi đấu tốt bên Bồ Đào Nha. Cô ấy được khen lắm. Tôi mừng vì có VĐV trưởng thành, có thành tích trên đất nước bạn. Tôi mong có thêm nhiều cầu thủ nữ khác ra nước ngoài thi đấu như Huỳnh Như.
Về HLV kế cận thì tôi cũng nghĩ được một số cái tên. Bản thân tôi cũng không thể làm công việc này mãi, vì tuổi tác gánh nặng áp lực thành tích. Tôi mong những HLV sau này sẽ làm việc tốt hơn, có thành tích tốt hơn tôi.
-
Huỳnh Như nói được tiếng Anh, vậy cháu đã học từ bao giờ vậy?
(Hương Poznitz, 55 tuổi, Munich, Đức)
Tiếng Anh giúp Như hoà nhập thế nào ở Lank, dù nơi ấy hầu hết nói tiếng Bồ Đào Nha?Huỳnh Như:
Vâng, cháu chủ yếu giao tiếp tiếng Anh. Ở Lank, cháu sống ở trung tâm, với một số cầu thủ ngoại, không phải Bồ Đào Nha. CLB có hai căn nhà thuê cho các cầu thủ nước ngoài, và cháu cũng hay sang nhà các bạn Mỹ, Hà Lan, tụ tập sang nấu ăn, họ rất thích đồ ăn Việt Nam. Ngoại ngữ thì cháu đã học nhiều từ lúc ở Việt Nam, nhưng lúc mới sang, thì vẫn có khó khăn, nghe chưa hiểu nhiều. Phải dần dần, qua giao tiếp, với các bạn, mọi thứ mới dần tốt hơn, giúp hòa nhập vào cuộc sống ở Bồ Đào Nha.
-
Đợt Huỳnh Như sang Lank, chuyện hợp đồng phải cân nhắc rất nhiều và đến phút chót mới xong xuôi. Bạn phải hỏi ý kiến mọi người thế nào?
(Thanh Lâm, 26 tuổi, Ninh Bình)Huỳnh Như:
Tôi không muốn nói nhiều về các chi tiết hợp đồng. Thật ra, tôi có kế hoạch sang Lank từ 2020, nhưng vì Covid-19 nên phải gác lại. Tôi cũng đã nghĩ như thế là hết cơ hội, vì sau hai năm, tuổi cao hơn có thể CLB không còn muốn nhận mình nữa. Tuy nhiên, sau SEA Games 31 trên sân nhà năm ngoái, Lank liên hệ lại với người đại diện của tôi. Anh ấy liền gọi cho tôi, hỏi có còn muốn sang Bồ Đào Nha chơi nữa không. Tôi rất bất ngờ và thậm chí không tin, phải hỏi ngược lại người đại diện rằng "Em còn cơ hội đi Bồ Đào Nha thật hả anh?". Khi anh ấy xác nhận về mong muốn của Lank, tôi bắt đầu xin phép CLB chủ quản TP HCM, vì vẫn còn hợp đồng. Thật may vì các bác lãnh đạo đã đồng ý, tạo điều kiện.
Khi các bên liên quan đều đạt thỏa thuận sau cùng, tôi thở phào với suy nghĩ đến lúc mình phải đi rồi. Tôi cũng tự nhủ mình phải khám phá, không sợ thất bại, vì đây là một trải nghiệm quý giá, là cơ hội hiếm có để tôi được thi đấu ở một nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn hẳn. Phía Lank cũng tạo điều kiện, thoải mái với các điều khoản theo hướng hợp lý và thoải mái cho tôi. Nên mọi việc diễn ra rất nhanh.
-
Thanh Nhã ứng xử sao khi sự nổi tiếng bất ngờ ập đến?
(Nguyễn Duy Thứ, 23 tuổi, Lê Chân, Hải Phòng)Nguyễn Thị Thanh Nhã:
Sau khi lên đội tuyển, tôi được biết đến nhiều hơn. Ban đầu, mình bỡ ngỡ lắm, phải mất thời gian dài làm quen. Nhiều khán giả nhắn tin, gọi điện thì mình cũng đáp lại. Khi được nhiều người biết đến, bản thân tôi hạnh phúc vì được quan tâm, nhưng quan trọng hơn là bóng đá nữ cũng được chú ý nhiều hơn.
-
Thanh Nhã được xem là đại diện cho thế hệ cầu thủ trẻ của bóng đá nữ Việt Nam, và chắc chắn phải đối mặt áp lực tiếp nối thành công từ các đàn chị. Em và đồng đội chuẩn bị đối phó với điều này ra sao?
(Nguyễn Bá Đức, 29 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội)Nguyễn Thị Thanh Nhã:
Tôi cũng đá vị trí tiền đạo như chị Như. Hồi nhỏ, chưa được tập cùng các chị nhưng được xem các chị đá ở sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF. Lúc đó, tôi còn nhặt bóng, cũng ước mơ sau này có thể làm được như các chị. Đến bây giờ, không chỉ tôi mà các bạn cũng đang cố gắng để tiếp nối những kỳ tích như SEA Games 32.
-
Với bóng đá nữ Việt Nam, ông đã đồng hành đến những đỉnh cao như bốn lần giành HC vàng liên tiếp ở SEA Games, hay giành vé dự World Cup. Vậy, tương lai của bóng đá nữ Việt Nam sẽ là gì?
(Vũ Thuỳ Linh, 27 tuổi, Quận 2, TP HCM)Mai Đức Chung:
Tôi chỉ là một cá nhân thôi, vì chính ra các cầu thủ mới là tương lai của bóng đá nữ Việt Nam. Tôi tin tưởng vào tương lai của bóng đá nữ Việt Nam. Đây mới chỉ là bước đầu, vì chúng ta sẽ còn phát triển mạnh, với điều kiện Nhà nước, xã hội, các doanh nghiệp và mỗi gia đình quan tâm hơn đến bóng đá nữ.
Sẽ tốt hơn nếu bóng đá nữ được tạo điều kiện thi đấu quốc tế nhiều. Nhưng các cầu thủ phải cố gắng hơn, chăm chỉ hơn. Sau Huỳnh Như, tôi muốn có thêm nhiều cầu thủ khác sang châu Âu hoặc nước ngoài thi đấu để tích lũy kinh nghiệm cho bóng đá Việt Nam.