Việt Nam sẽ mở cửa du lịch từ 15/3 là tin vui của nhiều hướng dẫn viên khi sắp được trở lại công việc vốn là đam mê. Sau hai năm không được làm việc, họ đang háo hức, phấn khởi xen lẫn lo lắng, hồi hộp.
Nguyễn Hữu Đức, sinh năm 1974, có hơn 14 năm làm hướng dẫn viên inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam), cảm giác như sắp được "tái sinh". "Rất mừng cho bản thân và anh em làm du lịch. Thời gian qua không chỉ tôi mà nhiều người lao đao, ảnh hưởng thu nhập. Du lịch mở cửa, tôi phấn chấn lắm, đang chuẩn bị mọi thứ chờ ngày trở lại", anh Đức nói.
Căn nhà trọ của Đức ở phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, TP HCM. Trước nhà là một xe nước mía, bên trong là dừa quả chất đống. Đức còn từng bán cà phê dạo ở các ngã tư, vỉa hè. Đây là những việc anh làm khi không thể dẫn tour, giống bị "chết đuối trên cạn", tìm đủ mọi cách để mưu sinh suốt thời gian qua.
"Tôi vẫn chưa có nhà tại TP HCM nên phải thuê. Hai năm qua, lúc gian khó nhất là đợt giãn cách xã hội lần thứ tư, giữa năm 2021. Một tháng thì không sao, nhưng 3-4 tháng thì chuyện đồ ăn, thức uống đều phải tính toán. Hết giãn cách, tôi cứ nghĩ sẽ kiếm được đường sống, nhưng không thể làm gì. Gần đây tôi lấy dừa tươi về bán. Tết đến tôi lại đi chở hoa, ai thuê gì làm nấy", anh Đức tự động viên sẽ có ngày được đi làm trở lại, không thể để Covid-19 đeo bám cả đời.
"Thời gian tới được gặp khách, tôi sẽ giãi bày những gì đã kìm nén suốt 2 năm qua. Tôi không nghĩ gì quá tiêu cực, chỉ cần tôi có tâm, trách nghiệm và đam mê với công việc thì sẽ vượt qua hoàn cảnh. Tôi coi đây là thử thách mà bất kỳ hướng dẫn viên nào cũng trải qua chứ không chỉ riêng mình", anh Đức chia sẻ.
Lý Bôi Hạnh, hướng dẫn viên du lịch quốc tế tự do tại TP HCM, phấn khởi xen chút lo lắng: "Sau hai năm chật vật để kiếm sống và tồn tại, tôi và các đồng nghiệp rất vui khi sắp được trở lại công việc quen thuộc, đúng đam mê và nghiệp vụ. Lo lắng vì sau thời gian khá lâu mới quay lại nghề thì phải chuẩn bị nhiều hơn kiến thức, tìm hiểu các đường tour mới... đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho bản thân và du khách khi đi du lịch".
Anh Hạnh có gần 13 năm kinh nghiệm đưa khách Việt ra nước ngoài, lần trở lại sắp tới, anh dự định sẽ làm thêm lĩnh vực inbound để mở rộng, tạo cơ hội cho bản thân nhiều hơn.
"Chuyên ngành của tôi là ngôn ngữ Trung, khi không thể dẫn tour, tôi đăng ký thêm lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm để dạy ngoại ngữ. Không đủ chi tiêu, tôi kiếm thêm các việc như dịch văn bản, tiểu thuyết trên mạng, phiên dịch hiện trường công trình, dạy tiếng Trung online... để có tiền bươn chải", anh Hạnh kể. Song song đó, anh cũng ôn lại nghiệp vụ, kiến thức về tuyến điểm du lịch, học hỏi, trao đổi kỹ năng với anh chị đồng nghiệp để cùng liên kết, làm việc hiệu quả hơn sau dịch. "Hiện tôi vẫn sống nhờ nghề tay trái là phiên dịch và dạy tiếng Trung, mong dịch ổn định và du lịch quốc tế trở lại mạnh mẽ để tôi và các đồng nghiệp ổn định cuộc sống" anh Hạnh nói đã sẵn sàng trở lại.
Nhiều hướng dẫn viên cho biết họ mong có một lộ trình an toàn cho du khách yên tâm đi du lịch. Bên cạnh đó, họ cũng cần thêm tiêu chuẩn về công tác phí, chế độ làm việc, giá tour ổn định và hợp lý, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sau dịch hoặc mức phí công tác không cân xứng với công sức hướng dẫn viên bỏ ra. "Nhìn những tín hiệu vui của ngành tôi cũng thấy phấn khởi, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để trở lại với mơ ước của bản thân", anh Hạnh chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020 doanh nghiệp du lịch cắt giảm 70-80% lực lượng lao động. Năm 2021 số lượng người làm đủ thời gian còn 25% so với năm 2020. Từ đầu tháng 2, theo thống kê của Hotel Job, một trong những trang web tuyển dụng hàng đầu ngành du lịch Việt Nam, nhu cầu tuyển nhân sự tăng gấp đôi trước Tết và cũng gấp đôi so với cùng kỳ trước dịch. Lượng hồ sơ xin tuyển tăng gấp ba lần. Các thông tin tuyển dụng tập trung vào mảng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi, các vị trí quản lý, buồng, bàn, bếp...
Huỳnh Nhi