Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) hôm nay cho biết số người chết do động đất đã tăng lên 7.108 và hơn 37.000 người bị thương. Tại Syria, ít nhất 2.470 người thiệt mạng, theo chính phủ và lực lượng cứu hộ ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát.
Như vậy tổng số người chết do trận động đất ghi nhận đến sáng nay là 9.578. Giới chức ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhận định con số sẽ tiếp tục tăng đáng kể. Một quan chức Liên Hợp Quốc nói rằng hàng nghìn trẻ em có thể đã chết.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 13,5 triệu người bị ảnh hưởng trong khu vực kéo dài khoảng 450 km từ Adana ở miền tây đến Diyarbakir ở miền đông và 300 km từ Malatya ở miền bắc đến Hatay ở miền nam.
Chính quyền Syria ghi nhận những trường hợp tử vong ở Hama, cách tâm chấn khoảng 250 km.
"Bây giờ là cuộc chạy đua với thời gian", Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại trụ sở của tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ. "Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua, cơ hội tìm thấy người sống sót giảm dần. Chúng tôi đã kích hoạt mạng lưới các đội y tế khẩn cấp của WHO để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho những người bị thương và dễ bị tổn thương nhất".
WHO cảnh báo 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng và kêu gọi các quốc gia khẩn trương giúp đỡ vùng thảm họa.
Trên khắp khu vực, lực lượng cứu hộ làm việc cật lực ngày đêm trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt, khi người dân đau khổ chờ đợi bên những đống đổ nát với hy vọng tìm thấy người thân, bạn bè và hàng xóm còn sống.
Tại Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay giáp biên giới với Syria, lực lượng cứu hộ thiếu nhân lực, thiết bị hạng nặng và người dân phải tự đào bới gạch đá. Mọi người mong được trang bị mũ bảo hộ, búa, xà beng và dây thừng để tham gia cứu hộ.
Hơn 12.000 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ cùng 9.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại các khu vực bị ảnh hưởng. Hơn 70 quốc gia đã cung cấp các đội cứu hộ và viện trợ, nhưng quy mô của thảm họa được cho là rất đáng sợ.
"Khu vực này rất rộng lớn. Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này", Johannes Gust từ cơ quan cứu hỏa và cứu hộ của Đức cho biết khi chất thiết bị lên xe tải tại sân bay Adana.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố 10 tỉnh là vùng thảm họa và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong ba tháng. Chính phủ sẽ mở các khách sạn ở trung tâm du lịch của Antalya để làm nơi ở tạm thời cho những người bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cư dân tại một số thành phố Thổ Nhĩ Kỳ tức giận và tuyệt vọng, họ cho rằng chính quyền phản ứng chậm chạp và không hợp lý.
"Tôi không thể đưa anh trai và cháu mình khỏi đống đổ nát. Hãy nhìn xung quanh đi, hai ngày rồi vẫn không có quan chức nhà nước nào ở đây", Ali Sagiroglu ở thành phố Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ nói. "Bọn trẻ đang cóng dần vì giá rét".
Tại thành phố Hama của Syria, đám tang một số gia đình thiệt mạng đã được tổ chức hôm 7/2. "Đó là cảnh tượng thực sự đáng sợ", Abdallah al Dahan nói. "Cả đời tôi chưa từng thấy điều gì thế này".
Các nhà thờ Hồi giáo đã mở cửa cho những gia đình mất nhà cửa. "Các đội của chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng không thể ứng phó kịp với lượng lớn tòa nhà bị sập", người đứng đầu lực lượng cứu hộ Mũ Trắng Raed al-Saleh cho hay.
Một quan chức nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu và thời tiết khắc nghiệt đang cản trở công tác cứu hộ, viện trợ.
"Cơ sở hạ tầng bị hư hại, những con đường chúng tôi từng sử dụng cho cứu trợ nhân đạo cũng bị hư hại", điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc El-Mostafa Benlamlih nói.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)