Hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định. Sự kiện thu hút hơn 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả trẻ nhiều quốc gia trên thế giới, cùng chia sẻ, thảo luận kết quả nghiên cứu về Vật lý Hạt cơ bản, Vật lý năng lượng cao và Thiên văn học.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng các nhà khoa học quốc tế có thể đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, về cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm của các nước phát triển đối với Việt Nam về phát triển và phát triển bền vững.
Ông đánh giá cao các kết quả Hội Gặp gỡ Việt Nam và trung tâm thực hiện trong việc đóng góp cho phát triển cộng đồng khoa học Việt. Thông qua các sự kiện, nhà khoa học sẽ thảo luận về các vấn đề chuyên môn và đưa sáng kiến để khoa học đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.
Theo GS Jean Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, hội nghị đánh dấu hành trình 30 năm của Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam. Đây là dịp cho các nhà nghiên cứu trình bày các ý tưởng, thảo luận với các nhà khoa học thành đạt trong lĩnh vực. Các nhà khoa học trẻ có thể trao đổi kiến thức và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Vật lý Hạt và Thiên văn học.
Với chủ đề "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ", hội nghị có 31 phiên họp, gồm phiên toàn thể và các phiên chuyên đề về Vật lý thiên văn, Vật lý năng lượng cao.
Nhiều chủ đề được các nhà khoa học thảo luận như tàu thăm dò vũ trụ trong tương lai; Sự tiến hóa của các ngôi sao lớn; Những ngôi sao khổng lồ và siêu tân tinh như những nhà máy sản xuất hạt bụi; Vận chuyển tia vũ trụ và tác động quy mô lớn; Phản hồi tia vũ trụ về sự tiến hóa của thiên hà...
Trong số hơn 200 nhà khoa học tham dự, có GS Gerard 't Hooft (Giải Nobel Vật lý 1999), Utrecht University, Hà Lan. Ông là giáo sư đoạt giải Nobel về Vật lý lý thuyết duy nhất còn sống cho đến thời điểm hiện tại. Sự kiện cũng có góp mặt nhiều diễn giả nổi tiếng như GS David E. Kaplan, Johns Hopkins University, Mỹ; GS Joachim Kopp, Johannes Gutenberg University Mainz, Đức; GS Celine Boehm, Sydney University, Australia; GS Aya Ishihara, Chiba University, Nhật Bản; GS Tamara Davis, Queensland University, Australia; GS Đàm Thanh Sơn, Chicago University, Mỹ...
Hội Gặp gỡ Việt Nam do GS Trần Thanh Vân sáng lập từ năm 1993 trên cơ sở kinh nghiệm và thành công từ Gặp gỡ Moriond (57 năm, từ 1966) và Gặp gỡ Blois (34 năm, từ 1989). Trong 30 năm hoạt động, Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế, 45 trường học khoa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vũng lãnh thổ tham dự, trong đó có nhiều nhà khoa học danh tiếng từng đoạt giải Nobel, giải Fields... Cùng với Trung tâm Khoa học giáo dục liên ngành (ICISE) được khánh thành năm 2013, nơi đây trở thành ngôi nhà chung cho khoa học Việt Nam và thế giới.
Như Quỳnh