Với chủ đề "Già hóa dân số: Cơ hội và thách thức cho thế hệ Millennials", Aging Summit 2022 do Prudential tổ chức là hội thảo đầu tiên dành cho đối tượng gen Y (Millennials) về vấn đề già hóa dân số.
Hiện, Millennials là thế hệ "bánh mì kẹp" vừa đóng vai trò trụ cột chính chăm sóc con cái, vừa là người chăm sóc các thế hệ lớn tuổi hơn, vừa phát triển sự nghiệp và tích lũy khi về già. Giữa muôn vàn áp lực, thế hệ này cũng đang bước vào tuổi trung niên hoặc nghỉ hưu nên khả năng kiếm tiền không được như trước dẫn đến nguồn lực tài chính bị thu hẹp.
Để giúp thế hệ Y nhìn ra cơ hội, giải quyết thách thức và xây dựng kế hoạch cho tuổi già độc lập, hội thảo do Prudential tổ chức ngày 29/11 với sự đồng hành của các khách mời đặc biệt gồm đại diện các Bộ ban ngành, đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội - ILSSA và Viện nghiên cứu Y - Xã hội học – ISMS... Ngoài ra, chương trình cũng có sự tham gia của các gương mặt được cộng đồng yêu thích nhờ lan tỏa năng lượng tích cực và tư duy hiện đại về các vấn đề xã hội như nhà sáng tạo nội dung Giang Ơi, nhà thơ Nhược Lạc,...
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo UNFPA, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già".
Ngoài ra, Bộ Y tế dự báo đến năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già với tỉ lệ dân số có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20%. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25%, nghĩa là cứ 4 người lại có một người cao tuổi. Trước các gánh nặng từ xã hội đặt lên vai thế hệ Y, hội thảo đem đến bức tranh toàn cảnh về tình hình dân số, từ đó, để cùng thảo luận về cơ hội và thách thức khi Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa của già hóa dân số.
Theo đó, các chuyên gia sẽ đi vào phân tích các cơ hội, thách thức khi Việt Nam về già dưới góc độ cá nhân và xã hội. Đối với góc độ vĩ mô, tốc độ già hóa tăng nhanh rút ngắn thời kỳ dân số vàng đòi hỏi Chính phủ cần có những chính sách an sinh xã hội để ổn định cuộc sống cho người cao tuổi. Đây cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước những rủi ro về kinh tế, xã hội và tác động ngoại cảnh khi con cái không có việc làm hay cuộc sống ổn định.
Đồng thời, chính người cao tuổi cũng chưa ý thức được các nguy cơ về bệnh tật. Tuổi thọ của người cao tuổi tăng lên, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại cải thiện chậm, Chi phí trung bình cho việc khám chữa bệnh của người cao tuổi cao gấp 7-8 lần chi phí tương ứng của một trẻ em.
Bên cạnh gam màu tối, già hóa dân số cũng đem đến các cơ hội lớn để phát triển các ngành kinh tế phục vụ cho người cao tuổi. Ngoài ra, kinh nghiệm, kỹ năng kiến thức của những người cao tuổi cũng đem đến nhiều giá trị trong nền kinh tế tri thức tại Việt Nam hiện nay.
Để được giải đáp các câu hỏi về tình hình dân số tại Việt Nam, đồng thời, được xây dựng các kế hoạch tối ưu cho tuổi già độc lập với chuyên gia, độc giả có thể theo dõi Hội thảo chuyên đề Aging Summit 2022 với chủ đề "Già hóa dân số: Cơ hội và Thách thức cho thế hệ Millennials" tại Fanpage VnExpress và website báo VnExpress lúc 8h30, ngày 29/11.
Hồng Thảo