Hiện nay, bảng G mới xác định được hai trường hợp. Thứ nhất, Indonesia chắc chắn bị loại với vị trí bét bảng. Thứ hai, Malaysia chỉ còn hy vọng đứng đầu bảng mới có thể đi tiếp. Số điểm tối đa của họ nếu thắng Việt Nam và Thái Lan là 15, nếu nhì bảng thì còn 9 điểm (theo quyết định của FIFA sau khi Triều Tiên bỏ cuộc, thành tích của nhì bảng với bét bảng không được tính khi xét vé vớt). Từng đó, chắc chắn không thể giúp Malaysia vào vòng kế tiếp. Dù cơ hội rất thấp, với 15 điểm thì Malaysia vẫn có thể đứng đầu bảng G trong trường hợp UAE – Việt Nam – Thái Lan hòa nhau ở các trận đối đầu trực tiếp. Khi đó, điểm số tối đa của UAE là 14, Việt Nam là 15 và Thái Lan là 10.
Một khả năng như vậy hoàn toàn có thể xảy ra. Malaysia đã thua hai trận trước đối thủ mạnh nhất bảng UAE, nhưng trước Thái Lan và Việt Nam, không thể nói là họ không có cửa. Họ đã đánh bại Thái Lan ở lượt đi trên sân nhà, cũng chỉ thua Việt Nam 0-1 trên sân khách. Các kết quả đó cùng sự "kị rơ" của làng cầu Đông Nam Á vẫn cho phép Malaysia quyền hy vọng về sáu điểm tối đa. Việc để thua UAE không hẳn khiến Malaysia xuống tinh thần, bởi nó có thể dự đoán được. Ngược lại, trong thế chỉ còn một con đường, "Cọp Mã Lai" sẽ nguy hiểm bội phần. Họ còn có một chút lợi thế là sẽ nghỉ thi đấu lượt trận ngày 7/6, để xốc lại tinh thần rồi "tọa sơn quan hổ đấu".
Đấy là chưa nói, kịch bản các đội bóng xếp trên Malaysia cầm hòa nhau, lại rất dễ xảy ra do áp lực không được thua của các đội hiện nay. Thậm chí, nếu có bất ngờ xảy ra từ phía Indonesia trong các trận đấu với Việt Nam và UAE, thì việc Malaysia có thể đi tiếp, càng khả thi hơn. Đây chính là lý do mà từ vai trò "kẻ ngoài cuộc", Indonesia bây giờ có thể làm thay đổi các vị trí trong bảng điểm cuối cùng.
Việc Malaysia có thể thắng Thái Lan, Việt Nam cũng tương tự như việc UAE có thể bị Thái Lan và Việt Nam đánh bại. Bóng đá là một trò chơi có nhiều biến số, mà tâm lý, tinh thần, hoàn cảnh có thể tác động đến kết quả thi đấu rất lớn, nhất là ở các cặp đấu có sự cân bằng. Việc UAE thắng đậm Malaysia, nếu đánh giá một cách chi tiết, cũng chưa hẳn là do UAE quá mạnh. Dù mở tỷ số từ phút 18 và có thế trận áp đảo, lợi thế sân nhà, nhưng phải mất gần 60 phút sau đó, UAE mới tìm được bàn thứ hai. Trong khi đó, hai bàn còn lại diễn ra ở các phút bù giờ, thời điểm mà Malaysia đã phải dồn đội hình lên trong tuyệt vọng vì thể lực không còn. Đôi khi thắng 4-0 cũng chẳng khác gì thắng 1-0, quan trọng là đối thủ ở trong tình trạng nào. Hay nói cách khác, Malaysia có thể yếu nhưng UAE cũng chưa chắc quá mạnh so với Thái Lan và Việt Nam, những đội bóng có lợi thế tinh thần rất lớn vì từng đánh bại họ ở lượt đi.
Đấy chính là yếu tố tử thần của bảng G, bảng đấu duy nhất vẫn còn đến bốn đội có khả năng đứng đầu bảng để đi tiếp. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, Việt Nam và UAE vẫn sáng cửa nhất khi có quyền tự quyết trong tay và lại đối đầu nhau ở trận cuối cùng, còn Thái Lan và Malaysia chỉ cần hòa nhau ngày 15/6 thì cả hai tự loại mình. UAE và Việt Nam thậm chí đang có quyền để thua một trận trong ba trận còn lại. Về lý thuyết, cả hai đều sẽ phải đặt trọng tâm vào trận đấu cuối cùng. Đội bóng nào thắng trận này đều có cơ hội lớn đứng ở hai vị trí đầu bảng. Vì ý nghĩa then chốt của nó, các HLV sẽ phải có những tính toán mới ở các trận trước đó nhằm bảo đảm sự tập trung cao nhất cho trận cuối cùng, đang dần mang dáng dấp của trận "chung kết bảng".
Và cuối cùng, không thể bỏ quên Indonesia, đối thủ của cả Việt Nam lẫn UAE trong ba trận còn lại. Dù Indoensia hiện nay sa sút thế nào, những vết gợn trong quá khứ vẫn cần được lưu tâm bởi trong bóng đá mọi thứ đều có thể xảy ra. AFF Cup 2004, trận thua 0-3 ở Mỹ Đình đã khiến Việt Nam lần đầu không vào được bán kết kể từ khi giải đấu này ra đời. Indonesia đoạt vé vào chung kết AFF Cup 2016 ngay tại Mỹ Đình... Trước đây, khi Việt Nam thua Thái Lan, thông thường đến từ trình độ, đẳng cấp. Nhưng với đối thủ Indonesia, phần lớn các thất bại đều đến từ những yếu tố rất khó dự báo, diễn ra ở những lúc mà chúng ta được xem là đội mạnh hơn...
Song Việt