"Trọng tài nói với tôi rằng, lập trường của ông ấy là không thể khuyên Thái Lan cho Việt Nam ghi bàn", HLV Kim Sang-sik nói trong chương trình giao lưu trên VTV tối 6/1. "Tôi thì vẫn nghĩ Thái Lan sẽ để Việt Nam ghi bàn. Tôi bàng hoàng và khó chịu khi họ không làm điều đó, nhưng cảm thấy cầu thủ có niềm tin chiến thắng và phải chiến đấu mạnh mẽ hơn".
Phút 64, trận đấu trên sân Rajamangala tối 5/1, thủ môn Nguyễn Đình Triệu ném bóng ra ngoài để Nguyễn Hoàng Đức được chăm sóc y tế. Một phút sau Thái Lan ném biên. Thay vì trả lại cho Việt Nam, họ tổ chức tấn công, để Supachok Sarachat ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1. Về luật, các cầu thủ Thái Lan không sai, nhưng thiếu fair-play.
Sau tình huống này, phía Việt Nam phản ứng mạnh mẽ, khiến trọng tài Ko Hyung Jin phải tạm dừng trận đấu hơn năm phút. Trong thời gian này, ông giải thích với hai đội về tình huống ghi bàn của Supachok. Sau đó, ông chỉ tay vào vạch giữa sân rồi nói gì đó với ban huấn luyện Thái Lan. Ông cũng rút thẻ vàng cho một thành viên ban huấn luyện Thái Lan vì tranh cãi.
Những tình huống tương tự không hiếm trong bóng đá thế giới. Năm 2019, tại giải hạng Nhất Anh, trong trận đấu có ý nghĩa quyết định tấm vé thăng hạng trực tiếp lên Ngoại hạng Anh, sau khi Leeds ghi bàn trong tình huống cầu thủ Aston Villa bị chấn thương nằm sân, HLV Marcelo Bielsa yêu cầu các cầu thủ Leeds đứng yên ở quả giao bóng ngay sau đó để cho Aston Villa ghi bàn cân bằng tỷ số.
HLV Kim cũng từng gặp trường hợp tương tự thời còn thi đấu cho Jeonbuk Hyundai Motors, và đối phương để đội của ông ghi bàn và bắt đầu lại một cách công bằng. Nhà cầm quân Hàn Quốc đánh giá Thái Lan thiếu fair-play và lịch sự. "Đội bảy lần vô địch Đông Nam Á, đứng trên đỉnh cao khu vực không nên hành xử như vậy", ông cho hay.
Tỷ số 1-2 lúc đó khiến kết quả chung kết thành 3-3, dẫn đến sức ép nhiều hơn cho các cầu thủ Việt Nam. Điều này khiến nhiều cầu thủ khách bất mãn và phản ứng dữ dội với trọng tài, cũng như các cầu thủ Thái Lan. Đội trưởng Đỗ Duy Mạnh nói với trọng tài rằng bàn thắng ấy không fair-play và phải có hình thức răn đe. Tuy nhiên, anh thừa nhận về quy định thì bàn đó hợp lệ.
Duy Mạnh sau đó qua thương lượng với đội trưởng Thái Lan Peeradon Chamratsamee. "Tôi hỏi tại sao họ chơi như vậy, rồi chỉ vào Supachok và nói 'Anh thi đấu ở Nhật Bản mà lại không fair-play thì tôi rất thất vọng'", trung vệ sinh năm 1996 chia sẻ. "Họ nói rằng không biết Việt Nam đau thật hay giả vờ".
Sự việc khiến Supachok nhận nhiều chỉ trích từ CĐV Việt Nam lẫn Đông Nam Á. Sau đó, anh phải khóa tài khoản Facebook, tắt tính năng bình luận trên Instagram. Đến chiều 6/1, Supachok viết thư giải thích về tình huống, với lý do không biết cần trả bóng cho Việt Nam nên mới dứt điểm ghi bàn.
10 phút sau bàn thua tranh cãi, Việt Nam hưởng lợi khi Weerathep Pomphan phạm lỗi ngăn phản công và phải nhận thẻ vàng thứ hai rời sân. Với lợi thế hơn người, đội khách dồn ép trở lại và ghi bàn ở phút 82 sau pha phản lưới của Pansa Hemviboon. Ở đường biên, HLV Kim ăn mừng cuồng nhiệt, liên tục đấm vào không khí.
"Ở tình huống trước, đối thủ chơi thiếu fair-play nên cảm xúc của tôi dồn nén, dẫn đến ăn mừng như thế", HLV sinh năm 1976 cho biết. "Tâm trạng tôi càng vui hơn nữa vì Phạm Tuấn Hải góp công vào bàn thắng".
Tuấn Hải là quân bài đặc biệt HLV Kim Sang-sik dành cho Thái Lan ở lượt về chung kết, với bàn mở tỷ số ở phút thứ 8. Trước đó, anh chỉ vào sân từ ghế dự bị ở trận thắng Lào 4-1 và Indonesia 1-0 tại vòng bảng, rồi không thi đấu năm trận liền. Dù tất cả đều nằm trong kế hoạch, HLV Kim vẫn cảm thấy áy náy với học trò. "Tôi thấy có lỗi khi ít cho Tuấn Hải vào sân. Dù vậy, cậu ấy luôn nỗ lực chuẩn bị", HLV người Hàn Quốc cho biết. "Tôi quan sát những điều ấy và thấy Hải có thể làm nên chuyện nên đã sử dụng ở lượt về chung kết".
Hiếu Lương