- Sau khi đưa Việt Nam vào tứ kết giải U23 châu Á, cuộc sống của ông thay đổi thế nào?
- Cuộc sống của tôi không quan trọng. Điều tôi quan tâm nhất là giải đấu này có thể thay đổi cuộc sống theo hướng tốt hơn cho các tuyển thủ.
- Ông tiếc nuối gì ở giải đấu này?
- Mục tiêu của tôi trước giải là mọi cầu thủ đều được vào sân. Tôi đã thống nhất với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam rằng trải nghiệm của cầu thủ là ưu tiên số một, thành tích là số hai. Tôi quan niệm ở một giải đấu lớn như thế này, dù chỉ vào sân một phút, cầu thủ cũng sẽ có trải nghiệm quý giá, tốt cho bóng đá Việt Nam sau này.
Vì vậy, điều khiến tôi tiếc nuối là có một số cầu thủ không được đá nhiều, đặc biệt là thủ môn Tuấn Hưng - người duy nhất không được vào sân phút nào. Sau khi giải kết thúc, tôi đã nói chuyện riêng với Tuấn Hưng, và giải thích về việc không thể để cậu ấy vào sân. Tuấn Hưng bảo không vấn đề gì, nên tôi cũng phần nào đỡ áy náy. Hy vọng tôi có thể dùng cậu ấy ở các giải kế tiếp.
- Được hình thành từ hai nhóm cầu thủ khác nhau (vô địch Đông Nam Á 2022 và SEA Games), làm thế nào để ông biến họ trở thành một tập thể đồng nhất trong chưa đầy hai tuần?
- Thời gian chúng tôi tập trung không nhiều, nhưng đó không phải vấn đề. Vì cứ luyện tập nhiều mà có thành tích cao thì đội nào cũng làm được. Tôi có nhiều kinh nghiệm dự các giải đấu lớn với các đội bóng trước đây, và tôi đã tận dụng điều đó để truyền đạt nhanh nhất có thể cho các cầu thủ nhằm giúp họ đạt kết quả tốt nhất có thể.
Trong khi đào tạo, làm việc với các tuyển thủ, tôi chỉ tập trung vào một hoặc hai ý chính, chứ không dàn trải. Tôi luôn nhấn mạnh rằng đội sẽ đá tấn công, gây áp lực tầm cao trong mọi trận đấu. Tôi biết ơn các cầu thủ đã cố gắng tiếp thu, làm theo sự chỉ đạo của tôi để đạt thành quả trong thời gian ngắn, dù tôi biết cũng có lúc họ nghi ngờ cách làm của tôi.
- Ông làm thế nào để họ bớt nghi ngờ?
- Khi bắt đầu làm việc với các cầu thủ, tôi luôn nói với họ rằng tôi vận dụng nguyên tắc tự do, cho họ sự tự do nhất định, để họ không thấy bị gò bó ép buộc vào một khuôn khổ. Tôi quan niệm trong tự do có nguyên tắc, trong nguyên tắc có tự do. Điều đó giúp các cầu thủ thoải mái nhất về tâm lý.
- Vậy, có khi nào ông nghi ngờ bản thân không, vì dẫu sao đây cũng là giải đầu tiên cầm quân?
- Tôi đã dự nhiều giải đấu, làm việc ở các tuyến trẻ của Hàn Quốc nên không nghi ngờ gì về bản thân cả. Tôi càng không nghi ngờ các cầu thủ, mà luôn cố gắng truyền đạt và giúp đỡ họ.
- Bóng đá Việt Nam những năm gần đây thành công nhờ phong cách phòng ngự - phản công dưới thời HLV Park Hang-seo. Ông gặp khó khăn gì trong việc thay đổi sang lối đá tấn công?
- Thực sự việc áp dụng high-pressing (áp lực tầm cao) chưa hoàn hảo, chưa đạt kết quả như mong muốn của tôi. Tôi cũng không áp đặt chiến thuật của mình lên cầu thủ, mà luôn chú ý đến các đặc tính của các cầu thủ để áp dụng triết lý của mình. Tôi đã làm việc với một số cầu thủ lứa 2001, và cảm thấy họ đủ khả năng thích nghi với chiến thuật của tôi.
Tôi cũng xin nhắc lại là tôi biết ơn các cầu thủ đã nỗ lực để thích nghi. Ẩn dụ thì việc dùng cái túi hàng hiệu mà không hợp với mình thì cũng vô nghĩa, nên chiến thuật cũng phải vận dụng linh hoạt phù hợp với con người đang có, chứ không phải đi theo thời thượng.
- Kết quả chưa hoàn hảo là thế nào?
- Tôi muốn các cầu thủ tự tin vào bản thân, và muốn họ không bị giới hạn gò bó ở vị trí của mình, mà có thể chơi ở nhiều vị trí khác nhau. Ví dụ như Nhâm Mạnh Dũng. Còn điều chưa hài lòng, chưa hoàn hảo thì không tiện nói.
- Ở trận tứ kết với Saudi Arabia, sau khi Quan Văn Chuẩn nhận thẻ đỏ, vì sao ông chọn Nhâm Mạnh Dũng bắt gôn?
- Thời gian ngắn quá nên cũng khó lý giải. Tôi chỉ cảm tính, thấy Mạnh Dũng có thể phù hợp nên chọn cậu ấy thôi.
Về cá nhân, nói chung tôi hài lòng về Mạnh Dũng. Có lúc mất bóng vào vị trí nguy hiểm, nhưng với một cầu thủ chơi nhiều vị trí khác như cậu ấy, như thế là được rồi.
- Ở trận ra quân, Việt Nam không thể có lực lượng tốt nhất vì một số cầu thủ gặp vấn đề sức khỏe. Ông xoay xở thế nào?
- Khi đón nhận thông tin mất người, tôi không bàng hoàng hay bất ngờ gì, vì đã có kế hoạch chuẩn bị nhân sự từ trước. Chúng tôi vốn có tài nguyên cầu thủ dồi dào. Tôi nghĩ sự cố ấy còn tạo động lực tốt về tinh thần cho đội bóng.
- Trong lĩnh vực bóng đá, Việt Nam và Thái Lan vốn đối địch nhau. Cảm xúc của ông và các học trò thế nào khi đánh rơi chiến thắng phút bù giờ?
- Hàn Quốc với Nhật Bản cũng kiềng nhau kiểu như thế, nên tôi cũng hiểu được bối cảnh đối đầu giữa Việt Nam và Thái Lan như thế nào. Tôi rất tiếc vì hoà, do những sai sót trong khoảng ba phút cuối.
Trước khi trận đấu kết thúc khoảng 10 phút, tôi đã họp nhanh với các trợ lý Việt Nam, và họ đề nghị chơi phòng ngự, để bảo vệ thành quả. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn các cầu thủ tin tưởng ở triết lý tấn công. Và tôi hài lòng vì quyết định đó, do các cầu thủ tiếp tục tin tưởng và chơi theo triết lý của tôi đến lúc rời giải.
- Ông nghĩ gì về Nguyễn Văn Toản - người mắc sai lầm dẫn đến bàn gỡ hòa 1-1 của Thái Lan hôm đó?
- Nói rằng đó là lỗi của Văn Toản thì không đúng, vì cậu ấy đã chơi tốt nhất có thể và tình huống đó có thể xảy ra với mọi thủ môn. Sau trận, tôi thấy Văn Toản khóc. Tôi đã bảo cậu ấy không được khóc, hãy cười tươi lên. Văn Toản là cầu thủ nhiều ảnh hưởng, nếu cậu ấy khóc thì các đồng đội có thể cũng buồn, không tốt cho toàn đội.
- Có phải vì thế mà ông cũng hay cười?
- Ở Hàn Quốc có câu ngạn ngữ "Cười nhiều thì Phúc sẽ đến". Bản thân tôi cũng thích vui vẻ, nhẹ nhàng. Lần đầu làm việc với các cầu thủ trẻ, nếu tôi không vui vẻ thì họ sẽ căng thẳng. Cho nên, tôi cười cũng là để họ không ngại đến gần, sẵn lòng chia sẻ mọi chuyện với tôi.
- Vì sao ông nhận lời với VFF?
- Trong quá trình làm việc, tôi đã đi nhiều nước, từ quê hương Hàn Quốc đến Trung Quốc rồi Indonesia.
Năm 2017, tôi từng xem Việt Nam thi đấu ở Hàn Quốc, và đã có ấn tượng tốt. Sau đó tôi có quan hệ với công ty đại diện DJ. Và khi họ liên hệ, tôi nhận lời ngay. Tôi cũng nhận được một số lời khuyên bảo từ HLV Park Hang-seo.
Nhân tiện nói về anh Park. Ở Uzbekistan vừa qua, tôi được hỏi về chuyện áp lực thế nào khi kế nhiệm đàn anh dẫn dắt U23 Việt Nam. Nhưng nghề này ở đâu cũng áp lực, chuyện này cũng bình thường. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì khi được mời sang Việt Nam.
- Vậy HLV Park tư vấn gì cho ông?
- Park không nói nhiều, chỉ bảo đúng một câu "Phải làm tốt nhé!". Tôi đáp lại: "Vâng, anh cứ yên tâm". Nói là vậy, nhưng mọi người đều biết tôi là lứa đàn em, là học trò của anh Park. Bề ngoài thấy Park lạnh lùng vậy thôi, chứ tôi cảm nhận anh ấy rất ấm áp.
VFF cũng giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi ấn tượng nhất là ở Dubai. Họ tìm hẳn một đầu bếp người Việt cho các cầu thủ thoải mái. Cá nhân anh Hà Nhật Đoàn cũng hỗ trợ chúng tôi hết mình, trong công tác truyền thông cho đội bóng.
- Ông vừa trải qua giải đấu đầu tiên được xem là thành công, vậy Việt Nam có phải là mảnh đất phù hợp để phát triển cho sự nghiệp sau này?
- Thật ra, nếu nói về thành công, nhiều người sẽ nghĩ là tôi đâu có giành Cup. Nhưng Cup chỉ là đồ vật chuyền từ người này sang người kia, không quan trọng. Bản thân tôi cũng không nghĩ giải này thành công hay to tát gì, kể cả nếu vào bán kết hay chung kết. Tôi quan niệm là sau khi tôi làm việc và rời đi, tôi để lại di sản gì cho các cầu thủ, nền tảng gì để họ phát triển.
HLV Gong Oh-kyun sinh ngày 10/9/1974 tại Hàn Quốc. Năm 1997, ông gia nhập CLB Daejeon Citizen và bắt đầu con đường thi đấu chuyên nghiệp. Ngoài vai trò trung phong, Gong có thể đá tiền vệ cánh hoặc tiền vệ tấn công. Tổng cộng, ông đã thi đấu 291 trận, ghi 39 bàn và kiến tạo 18 lần ở K-League. Gong cũng là cầu thủ đầu tiên lập hat-trick cho Daejeon và lập cú đúp cho CLB này tại AFC Champions League Sau khi giải nghệ, ông làm trợ lý HLV các cấp độ U17, U20, U23 Hàn Quốc. Gong có công giúp đội bóng U20 Hàn Quốc về nhì tại giải vô địch bóng đá U20 thế giới năm 2019. Tháng 2/2022, Gong được VFF ký hợp đồng làm HLV trưởng U23 Việt Nam. Tuy nhiên, ông chỉ chính thức bắt tay vào việc sau SEA Games 31 diễn ra vào cuối tháng 5, nơi U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã giành HC vàng. Tại giải U23 châu Á 2022 trên đất Uzbekistan, Gong thổi làn gió mới vào lối chơi của U23 Việt Nam với khuynh hướng tấn công đang hợp thời. Đội kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ hai cùng thành tích bất bại: hòa Thái Lan 2-2, hòa Hàn Quốc 1-1 và thắng Malaysia 2-0. Ở tứ kết, Việt Nam thua Saudi Arabia 0-2 trong bối cảnh phải chơi thiếu người hơn 10 phút cuối. |
Lâm Thỏa - Minh Kha