Ông Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ quan điểm trên bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 19/8.
Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay ghi nhận mức điểm chuẩn kỷ lục, kể từ năm 2015 - thời điểm bắt đầu đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn lấy 29,3 điểm cho tổ hợp ba môn, cũng là mức điểm chuẩn cao nhất toàn quốc. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt trung bình gần 9,8 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Ngành Sư phạm Địa lý cũng có điểm chuẩn trên 29. Các ngành Sư phạm khác đều lấy từ 22,69 trở lên, có ngành tăng hơn 4 điểm so với năm ngoái.
Ngoài Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn các trường với nhóm đào tạo giáo viên cũng ở mức cao. Như Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội hay Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc), Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Huế, Sư phạm TP HCM, đầu vào cao nhất đều trên 28, gần chạm mốc 29.
Tra cứu điểm chuẩn các đại học và học phí năm 2024
Trước kết quả này, ông Sơn cho rằng nếu nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm này với năm khác thì "có vẻ cao quá". Song, đây là tuyển sinh đại học, tức là chọn từ trên xuống dưới để tìm ra những người đủ năng lực theo các tiêu chí và yêu cầu của trường.
"Nhiều người top trên thì người top dưới mất cơ hội. Đó là câu chuyện về nguyên tắc lựa chọn", ông nói.
Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nói ông chia sẻ với tâm trạng của phụ huynh và những thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên mà vẫn trượt ngành yêu thích, song cho rằng với mức này, thí sinh có thể đỗ được nhiều nguyện vọng khác.
"Các em được đặt vô số nguyện vọng, nên nếu không may trượt ngành yêu thích vẫn còn nhiều cơ hội khác", ông Sơn nói. "Đây cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống, vì không phải lúc nào chúng ta cũng chỉ một mình, còn có những người khác giỏi hơn và cần chấp nhận câu chuyện như vậy".
Thực tế, mức điểm chuẩn đại học từ 28,5 trở lên (trung bình 9,5 điểm mỗi môn) không quá hiếm, chủ yếu ở khối C00 (Văn, Sử, Địa). Cá biệt, năm 2021, ngành Sư phạm Ngữ văn của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy 30,5 điểm. Ngành Đông phương học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội năm 2021 và 2022 lấy lần lượt 30 và 29,95.
Ngành Sư phạm Toán của Đại học Quy Nhơn, Sư phạm Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội cũng từng lấy mức điểm 28,5 hồi năm 2022.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhìn nhận điểm chuẩn khối Sư phạm cao là tín hiệu đáng mừng.
Ông Sơn cho biết tổng chỉ tiêu các ngành Sư phạm năm nay của cả nước thấp hơn năm trước.
"Chỉ tiêu thấp hơn một chút thôi cũng đủ khiến điểm chuẩn cao lên do mức cạnh tranh cao hơn", ông Sơn nói.
Các dự báo cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng giáo viên lớn. Điều này tác động đến lựa chọn của thí sinh, khiến số nguyện vọng vào nhóm sư phạm tăng 85% so với năm ngoái. Đây cũng là lý do góp phần khiến điểm chuẩn nhiều ngành Sư phạm ở mức 28-29.
Theo các chuyên gia, một yếu tố nữa hấp dẫn thí sinh đăng ký nhóm ngành Sư phạm vì chính sách miễn học phí và sinh hoạt phí (3,6 triệu đồng một tháng), trong bối cảnh học phí các lĩnh vực khác tăng mạnh. Ngoài ra, số chỉ tiêu thấp, có ngành Sư phạm chỉ tuyển 15-20 sinh viên, nhưng bằng nhiều phương thức, dẫn tới số dành cho xét điểm thi tốt nghiệp còn rất ít.
Năm nay, điểm chuẩn đại học nhìn chung tăng, đặc biệt ở các ngành tuyển bằng tổ hợp C00. Ngoài khối sư phạm, đầu vào các ngành nhóm công nghệ, Marketing hay Logistics cũng ở mức cao, cho thấy sức hút với thí sinh. Ở nhóm Y Dược, dẫn đầu vẫn là Y khoa và Răng Hàm Mặt.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh trúng tuyển phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung, chậm nhất 17h ngày 27/8. Nếu bỏ qua bước này và không có lý do chính đáng, thí sinh bị hủy kết quả.
Từ 28/8, các trường chưa đủ chỉ tiêu có thể tuyển bổ sung. Thí sinh nếu có nhu cầu đăng ký, cần theo dõi các thông tin của trường và làm theo hướng dẫn.
Thanh Hằng - Dương Tâm