Nhớ lại ngày đầu Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiếp ảnh gia Sergey Makarov, 34 tuổi, cho biết người bạn đã khuyên anh cùng gia đình sơ tán tới Ivano-Frankivsk, thành phố tây nam nằm gần biên giới Romania, Slovakia, Hungary.
Tuy nhiên, Makarov đã từ chối vì cho rằng Mariupol vẫn là nơi an toàn vào thời điểm đó. Nhiếp ảnh gia cho biết quân đội Ukraine đã được triển khai tại thành phố từ năm 2014 cùng rất nhiều khí tài phòng thủ.
Tới ngày 26/2, còi báo động không kích bắt đầu vang lên khắp Mariupol. Vùng ngoại ô bị tấn công, nhưng trung tâm thành phố nơi Makarov sinh sống vẫn yên tĩnh. Makarov đã nghĩ tình hình sẽ giống như xung đột năm 2014 giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai, vài căn nhà bị phá hủy, nhưng mọi việc sẽ nhanh chóng kết thúc.
"Trong những ngày đó, nhiều người tiếp tục lên đường sơ tán. Bạn không biết tôi đã ghen tị với họ ra sao đâu", Makarov kể.
Tình hình chiến sự ở Mariupol sau đó ngày một căng thẳng, khi các cuộc giao tranh trở nên dữ dội hơn.
"Tới ngày 1/3, tôi nhận ra chuyện rời Mariupol ngày càng trở nên khó khăn. Quân đội Nga bắt đầu kiểm soát các con đường quanh thành phố", nhiếp ảnh gia Ukraine kể lại.
Tới ngày 3/3, điện, nước trong khu vực không còn sử dụng được và anh đã không tắm kể từ ngày 4/3, mà chỉ có thể rửa tay với nước lạnh. Mạng di động cũng bị ngắt, khiến những người ở lại thành phố như Makarov chỉ có thể đi bộ tới tìm nhau để chia sẻ thông tin.
"Nạn cướp bóc đã bắt đầu. Trong những ngày đầu nổ ra chiến sự, tôi đã mua lương thực và khoảng 100 lít xăng. Đó là những thứ đã cứu chúng tôi", Makarov nói.
Tới ngày 5/3, nguồn cung cấp khí đốt, thứ duy nhất họ dùng để sưởi ấm và thắp sáng, cũng không còn. Cơn ác mộng từ đó ập đến với gia đình Makarov, khi thời tiết bên ngoài xuống tới -9 độ C vào buổi đêm. Gia đình anh còn phải chui vào hầm trú bom để tránh các cuộc không kích.
"Chúng tôi nấu đồ ăn bằng bếp củi. Cây cối trong sân đã cưa hết làm củi đốt, mà vẫn không thể ấm hơn. Không từ ngữ nào có thể mô tả lại tình cảnh đó", Makarov kể.
Anh cũng chia sẻ lại tình cảnh cả trăm người, có cả trẻ nhỏ, cùng trú ẩn trong căn hầm bê tông không có ánh sáng, không có lỗ thông gió, chỉ rộng khoảng 150 mét vuông.
Trong những ngày đó, Makarov vẫn cố gắng liên lạc với những người bên ngoài thành phố, sạc nhờ điện thoại từ máy phát điện của Hội Chữ thập đỏ. Trong khi nhiều người ở Mariupol chấp nhận sự thật rằng đã mất kết nối, Makarov vẫn chưa muốn từ bỏ. Tuy nhiên, từ ngày 6/3 đến 9/3, nỗ lực liên lạc của anh là vô ích.
"Điều tồi tệ nhất bắt đầu từ ngày 8/3. Các cuộc không kích bắt đầu nổ ra, ban đầu là tần suất cách vài giờ, rồi sau đó là từng phút. Nhiều khi chúng tôi không kịp chạy tới nơi trú ẩn và ngã nhào xuống mặt đất để tự cứu lấy mình", anh nhớ lại.
Tới lúc này, Makarov muốn đưa gia đình rời thành phố, nhưng anh ý thức được mình chỉ có một cơ hội. Makarov lo ngại nếu bị chặn đường và yêu cầu quay về Mariupol, anh sẽ không còn đủ xăng để đi ra ngoài lần hai. Đó là tình cảnh mà nhiều người sơ tán hôm 5/3 đã gặp phải.
Đến ngày 13/3, Makarov được bạn bè gợi ý rằng có thể rời khỏi thành phố bằng đường cũ tới Berdyansk. Tuy nhiên, đường này có một trạm kiểm soát và Makarov buộc phải lái xe vòng tránh các vị trí có cài mìn.
"Chúng tôi quyết định thà chấp nhận rủi ro còn hơn ở lại để bỏ mạng trong thành phố. Đêm 14/3, chúng tôi khởi hành với đoàn xe 8 chiếc. Không có hành lý, chỉ có người và vật nuôi. Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy các bãi mìn và cẩn thận tránh chúng", Makarov nhớ lại.
Ngày 15/3, đoàn xe của Makarov rời Berdyansk đến Zaporizhzhia, đông nam Ukraine. Họ gặp khoảng 20 trạm kiểm soát của Nga trên đường đi và bị kiểm tra hành lý, song được phép đi qua.
"Giờ đây, chúng tôi chỉ muốn đi càng xa về phía tây càng tốt", Makarov nói.
Ngọc Ánh (Theo CNN)