Đầu năm nay, Mù Cang Chải (Yên Bái) hoàn thành việc đưa các điểm trường tiểu học về tập trung tại trung tâm, nhiều em nhà xa được ở bán trú. Điều giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn, song vô tình trở thành gánh nặng, khiến hệ thống quá tải, trong đó có nhà vệ sinh.
Trước đây, số lượng học sinh tại các điểm trường lẻ chiếm khoảng 50-70% tổng số học sinh của một trường. Khi đưa tất cả về trung tâm, số lượng tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, gây quá tải cho hệ thống.
Qua khảo sát, Quỹ Hy vọng nhận thấy, ngoài vấn đề cơ sở vật chất, lớp học nhà vệ sinh là nhu cầu thiết yếu và là vấn đề nhức nhối tại Mù Cang Chải và Tam Đường. Tại đây, nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng do quá niên hạn sử dụng. Tình trạng quá tải xảy ra phổ biến. Có những điểm trường hơn 1.000 học sinh nhưng chỉ có 4 phòng vệ sinh quây tôn, thiếu sáng, thiếu nước, thiếu hệ thống xả thải, bốc mùi, ứ đọng nước... Riêng Mù Cang Chải, các trận lũ quét còn tàn phá, cuốn trôi một số công trình vệ sinh.
"Ở trường, có những ngày em không kịp đi vệ sinh trong giờ ra chơi, các bạn xếp hàng quá đông. Nhà vệ sinh có mùi, thiếu nước xả, phải xách khá xa nên em cũng ngại đi, hay nhịn", em Thào Thị Giàng - học sinh trường PTDT bán trú THCS Khao Mang (Mù Cang Chải) kể lại.
Không chỉ thiếu, hầu hết các trường phải sử dụng những công trình cũ, xây dựng cách đây 10 đến 20 năm. Đây thường là những mô hình không tự hoại mà sử dụng tro, đất để chôn lấp chất thải, có những hôm chất thải ứ đọng, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và sự phát triển của thế hệ tương lai.
Tình trạng trầm trọng hơn mỗi khi bước vào mùa mưa. Thầy Nguyễn Bình Diên - Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Thầu (Tam Đường) cho biết, nhà vệ sinh chật hẹp, rác thải, chất thải ứ đọng, giáo viên phải dọn dẹp mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe, môi trường, giữ chân học sinh đến trường.
Để giải quyết những vấn đề này, năm 2024, dự án Vệ sinh học đường của Quỹ Hy vọng đã thực hiện ở hai huyện Mù Cang Chải và Tam Đường, với sự đồng hành của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina (thuộc Opella Việt Nam - ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam)
"Ở các tỉnh miền núi, hệ thống giáo dục còn nhiều khó khăn. Các dự án hầu hết dành ngân sách xây trường, lớp. Công trình vệ sinh gần như không có nguồn kinh phí, một số nơi còn không có trong quy hoạch. Có trường lớp học khang trang nhưng không còn đất xây vệ sinh. Vì vậy chúng tôi đã đồng hành với địa phương để thực hiện dự án vệ sinh học đường", đại diện Quỹ hy vọng cho biết.
Hành trình xây dựng bắt đầu từ tháng giữa tháng 5, tại trường PTDTBT TH và THCS Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái; trường TH và THCS Nùng Nàng, huyện Tam Đường, Lai Châu. Năm thứ ba thực hiện, dự án đã rút kinh nghiệm, khẩn trương thực hiện trong giai đoạn hè khi học sinh nghỉ học. Thời điểm này thời tiết ủng hộ và không tác động đến quá trình học tập của các em. Trước thềm năm học mới, 95% công trình đã hoàn thiện, sẵn sàng bàn giao.
Tuy nhiên thực hiện tại một địa phương xa xôi, nhiều điểm chưa có đường lớn để tiếp cận, dự án gặp nhiều khó khăn. Những trận lũ làm ách tắc giao thông, giá cả vật liệu leo thang ảnh hưởng công đoạn cuối của một số công trình.
Để vượt qua thách thức, phía địa phương cho biết tranh thủ từng ngày khô ráo để xây dựng. Thậm chí những ngày mưa, các đội thi công căng bạt lên triển khai. Người dân trong bản, phụ huynh những điểm xa cũng hỗ trợ nhiệt tình trong việc vận chuyển, dọn dẹp.
Đến ngày 3/10, 20 công trình được khánh thành. Cụm có quy mô thiết kế dựa trên số học sinh của từng trường, có cửa che chắn, chia phân khu nam - nữ với lối đi riêng, trang bị đầy đủ bệ xí, bồn rửa tay, hệ thống nước cấp - xả, hệ thống tự huỷ, biển bảng hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh và rửa tay đúng cách. Tổng cộng có 10.000 học sinh, giáo viên thụ hưởng thành quả dự án.
"Chương trình Vệ sinh học đường đồng hành cùng Enterogermina 2022 và 2023 cũng triển khai 20 công trình mỗi năm, với lần lượt 4.000, 5.000 người thụ hưởng. Nhưng năm nay, con số này tăng lên 10.000. Đó là nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở hai địa phương này, bên cạnh mục tiêu thay đổi thói quen sinh hoạt, đem đến công trình đạt chuẩn", đại diện Quỹ Hy vọng cho hay.
Ngày nhận nhà vệ sinh mới, trước giờ cơm trưa, Lò Minh Thư cùng vài người bạn lớp 5A2, trường tiểu học Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu) tự giác đến nhà vệ sinh để rửa tay. Khu vực này rộn ràng hơn bình thường bởi tiếng tranh luận về quy trình rửa tay đúng cách. Xong xuôi, Thư cùng các bạn vào nhà ăn và dùng bữa trưa. "Từ khi có nhà vệ sinh mới sạch, đẹp, em chăm chỉ rửa tay, chuẩn chi theo các bước", Thư nói.
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Khao Mang (Mù Cang Chải), Cứ Thị Sùng và các bạn cũng hào hứng sử dụng công trình mới, có đường nước xả trực tiếp, bồn rửa, bảng hướng dẫn ngay trên tường nên dễ dọn dẹp, vệ sinh hơn. "Từ giờ, em không phải sợ mùi, sợ quên cách rửa tay nữa", Sùng chia sẻ.
Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi đến trường. Theo cô Lò Thị Dơn - trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Lèng (Tam Đường), trước đây, cả trường chỉ có một hố tiêu cho cả thầy và trò.. Các thầy cô có nhiệm vụ dọn dẹp mỗi tuần.
Từ ngày có nhà vệ sinh mới với bốn khoang, chia đôi nam, nữ riêng, cô Dơn nói ai cũng hân hoan, nhiều em học sinh háo hức đến trường. Các em học sinh ý thức tốt hơn về việc vệ sinh cá nhân. "Tôi quan sát thấy các em đã biết ra rửa tay mỗi khi đi vệ sinh xong, điều này trước đây khá hiếm thấy dù thầy cô nhắc nhở nhiều", cô Dơn cho biết.
Đồng hành cùng dự án từ những năm đầu tiên, bà Mai Thị Thanh Hương, Giám đốc Đối ngoại Sanofi tại Việt Nam - đại diện nhà tài trợ dự án Vệ sinh học đường, cho biết vui mừng khi thấy sự thay đổi từ các nhà vệ sinh xuống cấp thành nhà vệ sinh đạt chuẩn.
"Dự án Vệ sinh Học đường không chỉ xây dựng các công trình mới mà còn tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về vệ sinh cho học sinh. Từ những kết quả đó, thời gian tới, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác và hỗ trợ dự án tại các địa điểm khác, với những hoạt động mới được bổ sung", bà Hương nói.
Dự án Vệ sinh học đường do Quỹ Hy vọng thực hiện từ năm 2022. Tính đến 2023 đã có 100 công trình vệ sinh được xây dựng, tại 5 địa phương, phục vụ 20.000 giáo viên, học sinh. Trong đó nhãn hàng men vi sinh Enterogermina tài trợ 40 công trình tại Vân Hồ, Đồng Văn.
Năm nay, dự án xây thêm 70 công trình tại 5 địa phương. Trong đó Enterogermina tài trợ 20 công trình tại địa phương Mù Cang Chải và Tam Đường với 10.000 người thụ hưởng
Dự án đặt mục tiêu năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh, trong đó 50% đơn vị có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh.
Nội dung: Thanh Lan - Ảnh: Tùng Đinh, Duy Anh - Thiết kế: Ngân Hà