9h sáng ngày 10/5, gần 80 học sinh từ mầm non đến lớp 5, trường quốc tế Tesla, quận Tân Bình chia thành nhiều nhóm theo lớp tham gia khóa trải nghiệm trong 6 tiếng về trí tuệ nhân tạo (AI) tại AIC. Mỗi lớp có khoảng 20 em, mỗi nhóm có 4 người lập trình các sản phẩm robot mà các em yêu thích.
Ở một góc nhỏ, Phạm Khải, học sinh lớp 4, trường quốc tế Tesla đang loay hoay không biết lắp cánh cửa mô hình thùng rác thông minh như thế nào. Trên bàn, nhóm của Khải ngổn ngang thanh lắp ghép, cảm biến, động cơ...
Nhận thấy học trò gặp khó, Hồng Ngọc, giáo viên của AIC ngồi bệt xuống bàn, hướng dẫn cả nhóm lắp đặt. "Những thanh công cụ nay thiết kế nhỏ, nên học sinh không chú ý dễ bị lắp sai", Ngọc cho biết.
Sau khoảng 30 phút, nhóm Khải đã hoàn thành 122 bước để có sản phẩm thùng rác thông minh. Khi đưa bàn tay đến gần bộ phận cảm biến, thùng rác tự động mở cửa, khi bỏ tay ra, cửa tự động đóng lại.
"Ở nhà con cũng có bộ lắp ghép robot nhưng đến đây trải nghiệm thấy thú vị hơn nhiều vì được làm những sản phẩm mình có thể điều khiển được nó. Đến đây có bạn bè, con hiểu biết được nhiều thứ hơn", Khải nói.
Tại AIC, thử sức với các robot đơn giản như Khải là những kiến thức đầu tiên về trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh từ lớp 1 đến 4 với việc thực hành những sản phẩm có chuyển động đơn giản, gần gũi với cuộc sống như các loại động vật, đồ vật trong nhà.... Từ lớp 5 đến bậc THCS, học sinh sẽ được làm quen với các ngôn ngữ lập trình phức tạp hơn, tạo ra các robot có khả năng nhận diện khuôn mặt, trò chuyện... Ở bậc THPT và cao đẳng, đại học các bạn sẽ lập trình để tự sáng tạo các sản phẩm mình mong muốn.
Theo ông Trần Quang Viễn, Trưởng phòng đào tạo AIC, các giáo trình quốc tế của giáo sư ở Australia, được Việt hóa và trình bày dưới dạng song ngữ Anh - Việt hướng dẫn học sinh, sinh viên các công cụ để sáng tạo sản phẩm AI từ cơ bản đến nâng cao. Trong hơn một năm qua, AIC đã tổ chức nhiều khóa trải nghiệm cho học sinh các trường tại TP HCM tìm hiểu kiến thức về AI.
Dự kiến thời gian tới, AIC sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, trải nghiệm cho học sinh ngay tại các trường ở ba cấp học tại TP Thủ Đức nhằm tạo sân chơi mang tính học thuật cao, để tiếp thêm động lực nghiên cứu cho các em. Sinh viên công nghệ thông tin, khoa học máy tính trong Đại học Quốc gia TP HCM cũng đào tạo miễn phí các công cụ lập trình để tạo nguồn nhân lực cho thành phố.
Ngoài tổ chức đào tạo, trải nghiệm cho học sinh, trong hơn 1 năm qua AIC đã tổ chức hơn 200 khóa đào tạo dành cho giáo viên, mỗi khóa từ 8 - 16 người. Các khóa học kéo dài khoảng 1 tuần, tương đương 8 buổi. Giáo viên được cung cấp các kiến thức của UBTech Education USA để hướng dẫn học sinh tìm cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống bằng tư duy ứng dụng AI, tìm bước giải cho từng bài toán cụ thể dựa trên các công cụ lập trình. "Giáo viên khi hoàn thành khóa học có kỹ năng sư phạm xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Họ cũng là người gợi mở tư duy lập trình, tạo sản phẩm của học sinh nhằm phát hiện những tài năng ngay trong trường để bồi dưỡng, hướng nghiệp", ông Viễn nói.
Thành lập tháng 4/2021, AIC được doanh nghiệp tài trợ cơ sở vật chất kinh phí khoảng 32 tỷ đồng trong mô hình hợp tác với Đại học Quốc gia TP HCM với mục tiêu xây dựng và thúc đẩy sự phát triển Hệ sinh thái giáo dục AI - Robotics, góp phần đẩy nhanh sự phát triển AI của cả nước. Công suất đào tạo tại AIC khoảng hơn 42.000 học sinh, sinh viên mỗi năm.
Hà An