Người mua bảo hiểm thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi, những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
21 ngày cân nhắc - quyền dùng thử cho khách hàng mới
Thời gian cân nhắc của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 21 ngày kể từ ngày khách hàng nhận bộ hợp đồng. Đây được xem là quyền lợi dùng thử bảo hiểm.
Trong thời gian này, khách hàng có quyền cân nhắc, thay đổi, điều chỉnh một số thông tin, thậm chí từ chối tiếp tục tham gia. Nếu khách hàng đổi ý không tiếp tục tham gia, công ty bảo hiểm sẽ hoàn lại tổng phí đã đóng, không có lãi, sau khi trừ đi một số chi phí xét nghiệm, y khoa (nếu có). Sang ngày thứ 22, yêu cầu hủy hợp đồng và nhận lại phí bảo hiểm sẽ không thực hiện được.
Vì vậy, người mua nên tận dụng khoảng thời gian cân nhắc để xem lại các thông tin đã cung cấp cho đơn vị bảo hiểm; tìm đọc quy tắc, điều khoản cũng như các tài liệu khác trong bộ hợp đồng. Nếu phát hiện sai sót hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, người mua nên liên hệ ngay với tư vấn viên hoặc công ty bảo hiểm để được hỗ trợ, giải đáp.
Khách hàng chỉ nhận được quyền lợi sau thời gian chờ
Chị Mai Hoa (34 tuổi, Cần Thơ) bị cúm A kèm triệu chứng viêm phổi cấp và phải nhập viện 4 ngày. Chi phí điều trị lên tới gần 7 triệu đồng. Rời bệnh viện, chị liên hệ với công ty bảo hiểm để yêu cầu thanh toán chi phí nằm viện này, nhưng phía công ty cho biết, quyền lợi nằm viện của chị đang trong thời gian chờ và công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường chi phí này.
Chị gọi điện cho tư vấn viên để đòi hỏi quyền lợi và được người này giải thích, hướng dẫn xem lại bộ hợp đồng. Theo đó, thời gian chờ của quyền lợi nằm viện theo hợp đồng là 30 ngày, tính ra, chị mới tham gia bảo hiểm hơn 20 ngày.
Thời gian chờ là khoảng thời gian tính từ lúc hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cho đến khi người mua được quyền nhận quyền lợi nếu phát sinh sự kiện bảo hiểm. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian chờ, quyền lợi bảo hiểm sẽ không được chi trả.
Không phải mọi sản phẩm bảo hiểm đều quy định thời gian chờ, chúng xuất hiện chủ yếu ở các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thai sản. Thông thường, thời gian chờ của các quyền lợi này được quy định: nằm viện là 30 ngày, bệnh hiểm nghèo là 90 ngày, thai sản là 270 ngày. Riêng đối với bảo hiểm tai nạn, thời gian chờ không áp dụng. Người mua cần lưu ý rằng, không phải mọi quyền lợi bảo hiểm đều có hiệu lực ngay tại thời điểm hợp đồng phát hành, nếu chúng bị ràng buộc về thời gian chờ.
Theo Prudential Việt Nam, nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm nhưng chưa hiểu hết, hoặc ngại đọc hợp đồng, chỉ khi có sự việc xảy ra mới tìm hiểu. Việc giúp người mua hiểu rõ về hợp đồng bảo hiểm là trách nhiệm của người tư vấn và cả của công ty bảo hiểm, nhưng người mua cần chủ động tìm hiểu và thực hiện nghĩa vụ của mình trong đó.
Thực tế cũng có trường hợp khách hàng biết mình có bệnh sẵn, nhưng vẫn tham gia bảo hiểm nhằm chủ đích lấy tiền bồi thường. "Đây là vấn đề pháp luật nghiêm cấm. Thời gian chờ là quy định mà Luật kinh doanh bảo hiểm và luật pháp cho phép nhằm đảm bảo tính công bằng, cũng như cân đối lợi ích của cả hai phía khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Sự công bằng này còn được hiểu là giữa cả các khách hàng với nhau", đại diện Prudential chia sẻ.
Chẳng hạn, với sản phẩm chăm sóc sức khỏe PRU- Hành trang vui khỏe của Prudential, người bảo hiểm được cung cấp đa dạng quyền lợi chăm sóc sức khỏe. Ở mỗi quyền lợi, thời gian chờ cũng khác nhau: quyền lợi rủi ro biến chứng thai sản thời gian chờ là 270 ngày; chi trả chi phí điều trị bệnh ung thư thời gian chờ là 90 ngày...
Giống như bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào, người dùng chỉ yên tâm sử dụng khi hiểu tính năng, lợi ích. Vì thế, trước khi đặt bút ký tham gia bảo hiểm, người mua nên tìm hiểu các quy định như loại trừ bảo hiểm, thời gian chờ... cũng như các thông tin về sản phẩm mình tham gia.
Phúc An