Ít ngày sau khi Tạp chí Khoa học châu Á (Asian Scientist) của Singapore vinh danh trong top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2019, GS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec chia sẻ "với người làm khoa học, sự ghi nhận rất đáng trân trọng, là động lực để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, đóng góp cho cộng đồng".
Trong giới nghiên cứu, GS Nguyễn Thanh Liêm được biết đến là tác giả của nhiều phương pháp điều trị mới từ khi ông là bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi. Với những gia đình có người thân mang bệnh, ông như vị cứu tinh vì đã mang lại cuộc sống mới cho người thân của họ. Năm 1997, ông là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ và điều trị thoát vị cơ hoành. Sau này là ghép thận, ghép gan cho trẻ em, ghép tế bào gốc chữa bệnh tự kỷ.
Kỹ thuật ghép tế bào gốc cũng là nghiên cứu ông tâm đắc nhưng cũng day dứt nhất, bởi chứng kiến hàng ngày nỗi khổ của các cháu bị bệnh và gia đình trong quá trình thăm khám. "Có những bà mẹ nói với tôi cả chục năm không ngủ được vì cứ đến 2h sáng là con thức dậy bật hết các công tắc đèn rồi nhảy khắp nhà. Khi cháu ghép tế bào gốc có kết quả và ngủ yên, người mẹ đó đã sung sướng đến phát khóc. Động lực này thôi thúc tôi phải làm điều gì đó vơi bớt nỗi đau", GS Liêm nói.
Để đi đến kết quả này, không ít lần ông nhận được các phản hồi tiêu cực vì cộng đồng và những người trong nghề không tin sẽ thành công."Không ai không chạnh lòng, nhưng đã xác định làm khoa học là phải dấn thân và đánh đổi. Tôi sẵn sàng tiếp tục đánh đổi để tìm được những phương pháp điều trị hiệu quả", ông nói và cho biết phương pháp ghép tế bào gốc khi đó các nhà khoa học trên thế giới vẫn còn rất dè dặt.
Nhưng với ông có niềm tin mạnh mẽ khi trường hợp cháu bé 2 tuổi bại não do nhiễm trùng máu, thiếu oxy não phải sống thực vật, rồi đến bệnh nhân 8 tuổi, ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh đối diện với tình trạng "chờ chết" vì chỉ còn da bọc xương, tay chân co rút... được cứu nhờ ghép tế bào gốc. Niềm tin đó cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ, phê duyệt đề xuất đề tài nghiên cứu cấp nhà nước ghép tế bào gốc cho trẻ bại não, năm 2015.
Sau thành công ban đầu, kỹ thuật ghép tế bào gốc chữa tự kỷ, teo đường mật bẩm sinh, thoát vị màng não xơ phổi ở trẻ nhỏ và các bệnh xơ gan, thoái hóa khớp ở người lớn... được áp dụng rộng, nhiều bệnh nhân được cứu sống.
Ngày mai có thể làm gì tốt hơn hôm nay?
Câu hỏi này luôn thường trực ở nhà khoa học 67 tuổi. Ông chia sẻ, đêm nào, lúc nào cũng phải nghĩ ngày mai mình có thể làm gì tốt hơn hôm nay?. Theo ông với người làm khoa học, nhiệm vụ và tiêu chí đánh giá sự thành công là phải tìm được ra cái mới, hay hơn, ưu điểm hơn. "Thế giới đi nhanh lắm. Cái gì hôm nay là không tưởng thì ngày mai đã thành hiện thực", ông nói.
Có lẽ cũng vì phong cách làm việc như vậy, với hơn 40 năm, ông có hơn 200 công trình nghiên cứu y học, trong đó gần 100 công trình được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ, châu Âu. Mới đây nhất, GS Liêm cùng cộng sự đã công bố nghiên cứu về giải trình tự bộ gene người Việt. Công bố thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học và người dân với kỳ vọng mở ra hướng mới trong chẩn đoán, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, các bệnh di truyền, chuyển hóa, thoái hóa thần kinh (Parkinson, Alzheimer..).
Không chỉ "ép" bản thân, GS Nguyễn Thanh Liêm cũng là người khơi cảm hứng làm khoa học cho lớp trẻ. Ông cho biết, đã "ép" anh em trong Viện nghiên cứu mỗi tuần phải gửi một bài tóm tắt về vấn đề gì đó, để buộc họ đọc sách. Người làm nghiên cứu phải coi đọc sách là nhu cầu bức thiết, không đọc thì thấy bứt rứt không yên. Lúc nào cũng phải đau đáu, luôn trăn trở, tìm tòi mới là làm khoa học.
"Trong tiếng Anh, "search" nghĩa là tìm kiếm, "research" nghĩa là tìm đi tìm lại. Khi tìm đi tìm lại một cái gì thì là nghiên cứu, mới thấy được điều gì đó mà người khác chưa thấy. Đó chính là cốt lõi của nghiên cứu khoa học", GS Liêm nói về quan điểm làm khoa học. Cách làm này của ông đã giúp các nhà khoa học trẻ ở Vinmec quen với công việc nghiên cứu. Kết quả là trong 1 - 2 năm gần đây các bạn trẻ trong Viện bắt đầu có bài báo khoa học công bố ở nước ngoài.
Theo ông, việc nghiên cứu khoa học cũng như đi bơi. Nếu chỉ bơi năm, bảy mét thì không cần học, đẩy xuống nước vùng vẫy một lúc cũng bơi được, nhưng muốn bơi xa, bơi ở biển lớn thì phải được đào tạo rèn luyện công phu, bài bản. Nếu muốn làm khoa học phải học nghiên cứu một cách chính quy qua các lớp đào tạo hoặc tự học nghiêm túc. Và niềm tin đã chứng minh trong cả cuộc đời nghiên cứu của ông đó là chỉ khoa học mới đem lại sự đột phá vì có thể mang lại thay đổi cuộc sống cho cả triệu người.
"Điều tôi tự hào là đã chứng minh được rằng người Việt Nam có thể làm khoa học được ở trình độ quốc tế. Người Việt Nam không phải mặc cảm, tự ti là chỉ mời chuyên gia nước ngoài đến giảng bài mà ngược lại các nhà khoa học Việt Nam có thể đi dạy, đi mổ ở nước ngoài", GS Nguyễn Thanh Liêm nói.
Những giải thưởng lớn GS Nguyễn Thanh Liêm từng nhận:
• Năm 2019: Là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam lọt TOP 100 nhà khoa học tiêu biểu của Châu Á (Asian Scientist).
• Năm 2018: Giải thưởng Nikkei vì những cống hiến trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi nhi khoa và ghép tế bào gốc góp phần đem lại sự thay đổi cho cuộc sống người dân châu Á.
• Năm 2012: Giải thưởng Nhân tài đất Việt cho công trình "Cụm công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi trẻ em".
• Năm 2008: Được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
• Năm 2005: Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình ghép tạng.
• Năm 1999: Giải nhất Giải thưởng khoa học sáng tạo VIFOTEC.