Tổng cục Thống kê dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Đây sẽ là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2017. Năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, kéo dài trong 19 năm (2036-2055), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 14,2% đến dưới 21%.
Già hóa dân số mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới như sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi. Đồng thời, người cao tuổi vẫn có thể tham gia vào lực lượng lao động bằng cách đóng góp về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, sản xuất... Để đi sâu vào vấn đề này, bà Naomi Kitahara có những chia sẻ chi tiết.
- Bà nhận định thế nào về tỷ lệ già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay?
- Việt Nam hiện có 12,8% dân số trong độ tuổi 60 trở lên. Theo ước tính, trong 15 năm nữa, cứ 5 người sẽ có 1 người 60 tuổi trở lên. Già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011 và sẽ sớm trở thành một xã hội già vào năm 2036.
Chúng ta cần hiểu rõ già hóa dân số diễn ra chủ yếu do sự suy giảm mức sinh chứ không hoàn toàn do tuổi thọ bình quân của người dân tăng. Ở Việt Nam, trung bình một phụ nữ chỉ có 2 con, điều này chứng minh cho sự sụt giảm đáng kể về mức sinh trong những thập kỷ qua.
- Theo bà, tình trạng già hóa này ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng lao động của Việt Nam khi số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống?
- Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử, do đó, thời kỳ dân số "vàng" vẫn đang diễn ra và dự kiến kết thúc vào năm 2039. Đồng thời, số lượng người trong độ tuổi lao động vẫn sẽ tăng cho đến năm 2034.
Tuy nhiên, với tình trạng già hóa dân số, đến năm 2039, số người trong độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm, chỉ còn dưới 2 người trong độ tuổi lao động nuôi 1 người phụ thuộc. Hiện tại, Việt Nam vẫn có hơn 4 người trong độ tuổi lao động để hỗ trợ 1 người phụ thuộc. Vì vậy, gánh nặng sẽ tăng lên.
- Việt Nam đang đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của cơ cấu dân số. Vậy, cần có những biện pháp gì để đảm bảo đủ nguồn lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế?
- Hiện nay, mức sinh của Việt Nam đang ở mức 2 con/phụ nữ và có xu hướng tiếp tục giảm. Giảm sinh từng là một chiến lược hiệu quả để giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng nghèo đói trong nhiều thập kỷ trước, khi Việt Nam vẫn còn xếp vào nhóm nước có thu nhập thấp. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt được thành tựu trong tăng trưởng kinh tế - xã hội và hiện là thành viên của nhóm nước có thu nhập trung bình. Do đó, tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải điều chỉnh chính sách dân số để phù hợp đầy đủ hơn với các nguyên tắc của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển.
Để tận dụng dư lợi từ cơ cấu dân số trẻ, điều tiên quyết là phải đầu tư đúng mức cho thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt trong y tế và giáo dục, gồm chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, giáo dục tính dục toàn diện và giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên. Những kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tôn trọng sự đa dạng, lập kế hoạch sự nghiệp và cuộc sống... sẽ rất cần thiết cho sự thành công của thế hệ tương lai.
Đối với người cao tuổi, chúng ta cần nhìn nhận họ là nguồn lực để phát triển, không phải là gánh nặng xã hội. Ngày nay, người cao tuổi vẫn khỏe mạnh, có thể làm việc và cũng sẵn sàng làm việc. Theo Khảo sát về người cao tuổi Việt Nam năm 2019, 42,8% người cao tuổi vẫn đang tạo ra thu nhập bằng các công việc gần như toàn thời gian - hơn 35 giờ/tuần. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải khai thác các nguồn lực sẵn có này với tư cách là lực lượng lao động của Việt Nam.
- Nếu không có sự chuẩn bị, trong 15-20 năm tới, Việt Nam sẽ rơi vào viễn cảnh "1 người trẻ gánh kinh tế cho 4 người già". Điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai, cũng như bản thân mỗi người. Theo bà, chúng ta cần làm gì để khắc phục?
- Hiện tại, Việt Nam có tỷ lệ người trẻ tuổi cao nhất trong lịch sử, do đó, giai đoạn dân số vàng vẫn có thể duy trì đến năm 2039, số lượng người trong độ tuổi lao động sẽ vẫn tăng đến năm 2034.
Tuy nhiên, với tình trạng già hóa dân số đến năm 2039, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm, dự báo chỉ còn dưới hai người lao động phải nuôi một người phụ thuộc. Vì vậy, tỷ lệ phụ thuộc sẽ tăng lên.
Để khắc phục điều này, thế hệ trẻ cần sớm chuẩn bị cho tuổi già từ bây giờ. Tôi gọi đây là cách tiếp cận vòng đời và điều quan trọng là các chính sách, chiến lược của Việt Nam cũng phải tính đến điều này. Trên hết, người trẻ Việt Nam phải được đầu tư về sức khỏe, giáo dục, bao gồm chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, giáo dục tính dục toàn diện và kỹ năng sống. Các kỹ năng sống, thường được gọi là "kỹ năng mềm", gồm kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, làm việc nhóm, tôn trọng sự đa dạng, lập kế hoạch nghề nghiệp và cuộc sống... sẽ rất cần thiết cho sự thành công của thế hệ tương lai và không nhất thiết chỉ được học ở trường.
- Nhiều chuyên gia cho rằng, tạo thêm việc làm cho người cao tuổi là giải pháp để giải quyết vấn đề già hóa dân số. Bà đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Theo tôi, đây là một giải pháp hữu hiệu. Quan trọng là phải tạo ra một môi trường để lực lượng lao động cao tuổi có thể tiếp tục làm việc và thu thêm nhiều kỹ năng thông qua việc học tập suốt đời. Điều này không chỉ gồm tạo việc làm, còn cần tạo ra một môi trường thuận lợi và hòa nhập, nơi người cao tuổi được trao quyền và tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hầu hết những người lớn tuổi muốn tiếp tục làm việc nhưng thường phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp theo vòng đời có tính hệ thống (systematic life-cycle solutions) để cải thiện sức khỏe, gồm cả sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản xuyên suốt vòng đời. Từ đó, không chỉ về vấn đề người cao tuổi chống đỡ với sức khỏe của mình, những người trẻ cũng cần chuẩn bị tốt để đón nhận giai đoạn tuổi già. Chúng tôi gọi đây là phương pháp tiếp cận vòng đời toàn diện và đang tư vấn cho Việt Nam để giải quyết những thách thức của vấn đề già hóa dân số.
Ngoài ra, riêng với Việt Nam, chính phủ cần tiếp tục cải thiện và tạo ra một hệ thống an sinh xã hội tích hợp đầy đủ, nhằm giảm thiểu tác động đến người cao tuổi khi về già. Hệ thống an sinh xã hội quốc gia cần cung cấp một vùng đệm để mọi người có thể thích ứng hiệu quả với bất kỳ "cú sốc" nào. Đây là điều cần thiết để Việt Nam tăng tốc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
- Theo khảo sát về "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" của Prudential năm 2020, chưa tới 30% dân số có kế hoạch chuẩn bị cho tuổi già độc lập. Theo bà, chúng ta nên làm gì để nâng cao nhận thức xã hội về việc chuẩn bị cho tuổi già, từ đó đạt được già hoá chủ động?
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về già hóa dân số là điều rất quan trọng. Già hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống cá nhân và cộng đồng. Do đó, những người trẻ tuổi phải nhận thức được tác động của già hóa dân số và chuẩn bị sớm cho tuổi già của mình.
Chúng tôi nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em gái cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, do tình trạng thiếu an toàn về tài chính, thiếu các chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm nhân thọ. Phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới nên chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế này.
UNFPA đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để củng cố và mở rộng hệ thống an sinh xã hội quốc gia, gồm chương trình trợ giúp xã hội, cơ chế lương hưu, hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Các hệ thống này phải bao phủ toàn xã hội, mọi lứa tuổi để hạn chế tổn thương cho họ, đặc biệt đối với người cao tuổi. Điều này sẽ giúp Việt Nam hướng tới quá trình già hóa năng động và độc lập hơn.
- Bà có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm từ các nước đã bước vào giai đoạn già hóa trước Việt Nam?
- Các quốc gia khác từng trải qua quá trình già hóa dân số trước Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để tăng mức sinh nhằm làm chậm quá trình già hóa. Họ áp dụng chính sách thai sản có hoặc không lương, nghỉ thai sản có đảm bảo việc làm, trợ cấp cho con cái, nghỉ phép chăm sóc con tại nhà có hoặc không lương, linh hoạt giờ làm việc...
Ví dụ, vào năm 2001, Australia đã đưa ra Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi, gồm các biện pháp nhằm loại bỏ rào cản giúp người lớn tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động. Vào năm 2000, Nhật Bản cũng đã triển khai bảo hiểm chăm sóc dài hạn nhằm hỗ trợ gánh nặng chăm sóc người cao tuổi và đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho người cao tuổi với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, phù hợp và có chất lượng tốt.
- UNFPA làm gì để hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề già hóa dân số, thưa bà?
- Chúng tôi luôn sát cánh cùng Chính phủ xây dựng và phân tích dữ liệu về già hóa dân số, đưa ra các chính sách và chương trình thích ứng với già hóa dân số. UNFPA cũng tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về cách tiếp cận vòng đời, nhạy cảm về giới đối với vấn đề già hóa dân số, đảm bảo chúng ta coi người cao tuổi là nguồn lực chứ không phải gánh nặng trong xã hội.
Vì vậy, chúng tôi làm việc với Chính phủ để tăng cường hệ thống an sinh xã hội quốc gia, chương trình trợ giúp xã hội và cơ chế hưu trí xã hội cho người cao tuổi. UNFPA cũng tư vấn đã đến lúc phải nới lỏng chính sách và chương trình dân số của Việt Nam, để nó hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển Việt Nam đã tham gia. Cụ thể, các cá nhân và các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh.
Đồng thời, chúng tôi hợp tác với chính phủ và các địa phương để thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ cộng đồng tại Việt Nam. Đã có 6 tỉnh được triển khai thí điểm và nhận những phản hồi tích cực. Chúng tôi cũng vừa ký biên bản ghi nhớ với Viện Nghiên cứu Mitsubishi Nhật Bản - là nơi chúng tôi dự định hợp tác, để rút ra bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Cuối cùng, UNFPA đang tích cực thúc đẩy sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân vào việc chăm sóc người cao tuổi. Chúng tôi tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp và hỗ trợ sáng kiến khởi nghiệp của sinh viên để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân tại đây.
Già hóa dân số nên được xem là cơ hội kinh doanh hơn là một vấn đề của xã hội. Tôi tin rằng việc hợp tác công - tư sẽ là yếu tố cần thiết trong việc giải quyết vấn đề già hóa dân số.