Ngày 16/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM ra thông báo đề nghị các đơn vị thực hiện sớm việc chi quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với mức chi 1,8 triệu đồng mỗi người.
Nguồn kinh phí chi quà Tết được thành phố cấp bổ sung vào dự toán, đối với cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Những đơn vị khác sẽ tự cân đối từ nguồn kinh phí giao tự chủ và nguồn thu của đơn vị để tặng quà cho người lao động.
Ngoài ra, Công đoàn ngành Giáo dục TP HCM tặng 604 phần quà cho cán bộ, nhà giáo, người lao động của ngành có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất gồm 500.000 đồng tiền mặt và quà trị giá 200.000 đồng.
Dịp sát Tết Nguyên đán, giáo viên TP HCM được nhận cùng lúc ba khoản, gồm thu nhập tăng thêm quý 4 theo Nghị quyết 03 của thành phố, tối đa là 1,2 lần lương theo ngạch bậc, chức vụ, khoảng 12-20 triệu đồng; thu nhập tăng thêm được chia từ kết dư ngân sách trong năm tài chính của trường; quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực hành chính, khối sự nghiệp khoảng 1,8 triệu đồng một người. Do đó, nhiều giáo viên thường gọi nôm na đây là "thưởng Tết".
Ngoài TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương thứ hai của cả nước có chính sách trợ cấp Tết Nguyên đán cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có giáo viên, với mức 3 triệu đồng một người. Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết ngoài chính sách này, các huyện, thành phố còn có hỗ trợ riêng khoảng 1,8-2,5 triệu đồng một người.
Hiện nay, giáo viên không có lương tháng 13 hay thưởng Tết như người lao động ở các doanh nghiệp. Trả lời VnExpress hồi cuối tháng 12/2022, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết kinh phí mua quà lễ, Tết của các trường được lấy từ phần tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên. Tuy nhiên, ngân sách trường công lập thường hạn hẹp, tiết kiệm 10% mỗi năm cũng không đáng kể. Thưởng, chăm lo Tết cho giáo viên, theo ông Đức là điều khiến cả ngành tâm tư, đau đáu nhiều năm qua.
Nhật Lệ