Quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đối địch đêm 27/4 đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ, dưới áp lực từ Mỹ và Arab Saudi.
Tuy nhiên, các nhân chứng cho biết chiến đấu cơ quân đội Sudan vẫn tuần tra trên bầu trời ngoại ô phía bắc thủ đô Khartoum, trong khi dưới mặt đất, binh sĩ hai bên tấn công lẫn nhau bằng hỏa lực pháo binh cùng súng máy hặng nặng.
"Tôi nghe tiếng pháo kích dữ dội bên ngoài nhà mình", một cư dân Khartoum giấu tên cho hay. Nhân chứng cho biết các cuộc không kích đã xảy ra tại thủ đô và các thành phố Omdurman, Bahri lân cận.
Giao tranh cũng bùng phát ở các tỉnh, đặc biệt là Darfur ở miền tây. Nhân chứng nói rằng các cuộc đụng độ xảy ra ngày thứ hai liên tiếp ở thủ phủ El Geneina của tỉnh và một bác sĩ đã bị bắn chết.
"Chúng tôi chỉ ở trong nhà và không ra ngoài vì quá sợ hãi, nên không thể đánh giá mức độ thiệt hại", một người dân nói.
Một nhóm nhân quyền ở Darfur cho hay ít nhất 52 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào khu dân cư ở El Geneina, cũng như bệnh viện, chợ, tòa nhà chính quyền và một số nơi trú ẩn.
Dân quân từ các bộ lạc du mục Arab tiến vào El Geneina khi giao tranh bùng phát. Họ chạm trán với các tay súng của bộ tộc Masalit và đụng độ lan ra khắp thành phố, khiến người dân tiếp tục phải sơ tán.
Mỹ hôm 26/4 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động vi phạm lệnh ngừng bắn ở Sudan. Theo Nhà Trắng, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn bất cứ lúc nào và kêu gọi công dân Mỹ rời đi trong 24 đến 48 giờ.
Theo cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc, giao tranh ở Tây Darfur đã làm gián đoạn nguồn lương thực cho khoảng 50.000 trẻ em suy dinh dưỡng. Bạo lực cũng khiến nhiều dân thường mắc kẹt trong nhà, thiếu trầm trọng lương thực, nước sạch và điện sinh hoạt.
Theo số liệu của Bộ Y tế Sudan, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và 4.193 người bị thương từ khi giao tranh bùng phát ngày 15/4. Số người chết thực tế được cho là có thể cao hơn nhiều. Các bệnh viện bị pháo kích và hơn 2/3 không hoạt động.
Chương trình Lương thực Thế giới cho biết bạo lực có thể đẩy thêm hàng triệu người Sudan vào cảnh đói kém. Abdou Dieng, giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc tại Sudan, cho biết ông "cực kỳ lo lắng về tình hình" và vấn đề cung cấp lương thực là mối lo ngại lớn.
Ai Cập hôm 27/4 nói rằng ít nhất 14.000 người tị nạn Sudan đã vượt biên vào nước này kể từ khi giao tranh nổ ra.
"Hãy chấm dứt giao tranh", Ashraf, 50 tuổi, người Sudan tị nạn ở Ai Cập, kêu gọi các tướng tham chiến. "Đây là cuộc xung đột của riêng các ông, không phải của người dân Sudan".
Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 20.000 người đã chạy sang Chad, 4.000 người sang Nam Sudan, 3.500 người sang Ethiopia và 3.000 người sang Cộng hòa Trung Phi. Cơ quan này cảnh báo nếu giao tranh tiếp diễn, khoảng 270.000 người Sudan sẽ phải chạy trốn khỏi đất nước.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế. Giao tranh nổ ra sau những tuần căng thẳng về việc sáp nhập RSF vào quân đội chính quy.
Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.
Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)