Đó là giả thuyết độ cao 0 của Bauer và một kết quả của Lý thuyết Deligne-Lusztig, ra đời lần lượt vào năm 1955 và 1976. Lời giải được đăng trên Annals of Mathematics và Inventiones mathematicae, những tạp chí Toán học uy tín hàng đầu.
Trong bản tin hôm 9/10, trên website Đại học Rutgers - nơi ông Tiệp là giáo sư đặc biệt, các chuyên gia đánh giá đây là những tiến bộ đột phá trong lĩnh vực lý thuyết biểu diễn của nhóm hữu hạn, một hướng nghiên cứu của Toán học.
Phần chứng minh Giả thuyết độ cao 0 của giáo sư Tiệp có thể giúp nâng cao hiểu biết về tính đối xứng của cấu trúc và vật thể có trong tự nhiên, khoa học, cũng như hành vi lâu dài của nhiều quá trình ngẫu nhiên phát sinh ở các lĩnh vực Hóa học, Vật lý kỹ thuật, Khoa học máy tính và Kinh tế.
Còn việc làm rõ một kết quả của lý thuyết Deligne-Lusztig cung cấp thêm hiểu biết về "Vết của ma trận", phục vụ giải quyết nhiều vấn đề khác trong Toán học.
"Tôi chưa bao giờ mong có thể giải được. Nhưng các giả thuyết cần phải được chứng minh" giáo sư Tiệp chia sẻ, cho biết đã dành gần 10 năm để tìm ra đáp án.
"Giáo sư Tiệp và cộng sự đạt được thành tựu lớn tốt nhất mà chúng tôi có thể tưởng tượng. Nhờ sự nghiệp đồ sộ, ông ấy đã giúp khoa Toán hiện diện trên trường quốc tế, duy trì vị thế là trung tâm hàng đầu thế giới", Stephen Miller, Trưởng khoa Toán của Đại học Rutgers nói.
GS Tiệp là cựu học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1979, khi 16 tuổi, ông là một trong bốn thí sinh Việt Nam thi Olympic Toán quốc tế (IMO), giành huy chương bạc.
Năm 1980, ông sang học khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU, Liên Xô cũ). Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1991. Giai đoạn này, ông nghiên cứu về dàn nguyên, khai triển trực giao của đại số Lie và bắt đầu chuyển sang các vấn đề của lý thuyết nhóm, lý thuyết biểu diễn.
Sang Mỹ năm 1996, ông từng là giáo sư Đại học Arizona, cộng tác với Viện nghiên cứu khoa học Toán học (MSRI) Berkeley, Viện nghiên cứu cao cấp Princeton... Đến nay, ông đã xuất bản 5 cuốn sách, có khoảng 200 công trình trong nhiều lĩnh vực của Toán học. Hiện, ông quan tâm nghiên cứu lý thuyết nhóm và biểu diễn.
GS Tiệp cho biết ông chỉ sử dụng bút và giấy khi nghiên cứu. Ông ghi lại các công thức Toán học hoặc các câu biểu thị chuỗi logic. Ngoài ra, ông trò chuyện liên tục, trực tiếp hoặc trên Zoom, với các đồng nghiệp.
Nhưng tiến bộ có thể đến từ sự tự suy ngẫm và những ý tưởng sẽ nảy sinh khi chúng ta ít ngờ tới nhất, theo GS Tiệp.
"Có thể là khi tôi đang đi bộ với các con hoặc làm vườn với vợ, hoặc làm gì đó trong bếp", ông nói. "Vợ tôi nói cô ấy luôn biết khi nào tôi đang nghĩ về Toán học".
Doãn Hùng (Theo Đại học Rutgers)