GS.TS Lê Minh Thắng (48 tuổi), giảng viên cao cấp bộ môn Công nghệ hữu cơ - hoá dầu, Viện Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022, hôm 7/3. Suốt chặng đường nghiên cứu của bà gắn với chất xúc tác xử lý khí thải của các quá trình đốt cháy nhiên liệu.
Khi xe máy, ôtô, các động cơ đốt trong hoạt động sẽ sinh ra nhiều hợp chất gây ô nhiễm, như hydrocarbon, CO, VOCs, NOx. Những loại khí thải này gây tác hại cho môi trường và sức khỏe con người song phần lớn đều không có công nghệ xử lý triệt để. GS Thắng nghĩ tới ý tưởng sáng chế bộ chuyển đổi xúc tác khí thải có chi phí thấp và thiết kế linh hoạt để xử lý khí thải, nước thải.
Bà giải thích, chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa khí thải ô nhiễm thành những chất trung hòa hơn như carbon dioxit, nito và nước. Tuy nhiên các chất xúc tác thường được làm từ kim loại quý hoặc vật liệu đắt tiền, phải mua ở nước ngoài. Để thay thế cho kim loại quý, GS Thắng cùng cộng sự tìm cách phát triển công nghệ nội địa tạo ra bộ xúc tác sử dụng lõi gốm Cordierit và hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp Mn, Co, Ce, Zr, Ba để dễ dàng ứng dụng ở các nước đang phát triển.
Bộ chuyển đổi xúc tác được lắp vào ống xả của các xe máy, ôtô và các động cơ đốt trong khác nhằm xử lý có hiệu quả khí thải từ các động cơ này. Bộ xúc tác này có giá thành rẻ hơn nhập ngoại song hiệu quả xử lý tương đương, có thể hạn chế trên 90% phát thải chất gây ô nhiễm.
Kết quả nghiên cứu được thử nghiệm và ứng dụng hiệu quả tại một số nhà máy nhiệt phân cao su phế thải ở tỉnh Hải Dương và trên một số dòng xe máy cao cấp. Công trình cũng được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2018, hiện sản phẩm đã hoàn thiện và sẵn sàng để chuyển giao công nghệ.
Một dấu ấn khác trong nghiên cứu của GS Thắng là phát triển vật liệu có khả năng xử lý hoàn toàn và nhanh chóng CO ở nhiệt độ thường từ các hỗn hợp kim loại chuyển tiếp, dùng trong chế tạo mặt nạ phòng khí độc CO. Vật liệu này được kết hợp với các vật liệu mao quản đa cấp có kích thước mao quản phù hợp để chế tạo thành lõi lọc cho mặt nạ phòng độc sử dụng trong các đám cháy, hầm mỏ. Các loại mặt nạ thông thường chỉ chứa vật liệu hấp phụ lưu giữ các chất độc. Mặt nạ phòng độc của nhóm có thể chuyển hóa CO thành CO2 không độc hại. Đồng thời có thể chuyển hóa các chất độc khác có trong khí thải của quá trình cháy như hydrocarbon, PAHs dễ bay hơi, giúp đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc môi trường nguy hiểm như lính cứu hỏa, công nhân hầm lò khai thác than. Sáng chế này được cấp bảo hộ năm 2019.
Với những đóng góp cho quá trình bảo vệ môi trường khí tại các nước đang phát triển, nghiên cứu về xúc tác xử lý khí thải môi trường đã được giải thưởng quốc tế "Nghiên cứu sáng tạo nổi bật" do quỹ Hitachi toàn cầu trao tặng 2021.
Ở tuổi U50, bên cạnh việc giảng dạy GS Thắng còn đam mê khởi nghiệp. "Nếu khởi nghiệp thành công, bản thân tôi có thể giúp tạo động lực cho các nữ giảng viên khác trong trường bắt đầu hành trình lan tỏa công nghệ từ trường đại học để thương mại hóa ra thị trường", bà chia sẻ. Bà kỳ vọng khơi dậy tình yêu khoa học trong các bạn trẻ, nhất là khích lệ đồng nghiệp nữ. Để thực hiện, bà tìm kiếm nhiều học bổng sau đại học cho sinh viên, đặc biệt xây dựng và điều phối cho dự án cung cấp gần 100 học bổng thực tập, nghiên cứu.
GS Lê Minh Thắng tốt nghiệp Viện kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1997. Với bằng kỹ sư giỏi và thành tích Á khoa, bà được chọn giữ lại làm giảng viên tại trường. Năm 1999 bà theo học thạc sĩ, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ năm 2005. GS Thắng công bố 127 bài báo khoa học, trong đó 37 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín ISI, sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế, 1 giải pháp hữu ích, đồng thời chủ trì 10 đề tài nghiên cứu khoa học (3 cấp quốc tế, 7 cấp Bộ), tác giả 3 chương sách. Bà từng là nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009 và được công nhận giáo sư năm 2019.
Như Quỳnh