Các kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay, xạ trị với PET/CT mô phỏng ... GS Mai Trọng Khoa đã đưa về Việt Nam, giúp nhiều bệnh nhân ung thư kéo dài thời gian sống.
Một ngày làm việc của GS.TS Mai Trọng Khoa, một chuyên gia về ung thư và y học hạt nhân thường bắt đầu từ khá sớm. Sau giao ban chuyên môn, danh sách bệnh nhân ông tư vấn, điều trị bệnh thường rất dài. Họ đến từ các tỉnh thành trên cả nước, trong số đó không ít người đang mang mầm mống căn bệnh ung thư. Ông bảo, giờ đã có nhiều công nghệ mới, nếu phát hiện sớm, bệnh ung thư có cơ hội đẩy lùi, thậm chí chữa khỏi.
Cách đây hơn 20 năm, ở Việt Nam việc phát hiện ung thư sớm còn hạn chế. Cũng vì biết bệnh ở giai đoạn muộn, khối u đã di căn và biến chứng nên việc điều trị tốn kém nhưng hiệu quả thấp, dẫn đến tỷ lệ tái phát, tử vong cao. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức... họ có thể chẩn đoán, phát hiện sớm, nên điều trị hiệu quả, thậm chí chữa khỏi nhiều loại ung thư. GS Mai Trọng Khoa đã chủ động nghiên cứu chọn lọc các kỹ thuật mới. "Khi tiếp cận các kỹ thuật hàng đầu thế giới, vừa học tôi vừa nghĩ mọi cách để áp dụng, thực hiện trên người Việt", ông nói. Ngay khi làm chủ được công nghệ, về nước ông xin chủ trương để nhập các thiết bị.
Năm 2007, lần đầu tiên ở Việt Nam, thiết bị xạ phẫu bằng dao gamma quay (Rotating gamma knife) của Mỹ giá hàng triệu đô la Mỹ đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai, để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não. Đây là thiết bị giúp điều trị rất hiệu quả cho các bệnh nhân có khối u và một số bệnh lý sọ não ở các vị trí đặc biệt như thân não... không thể mổ được hoặc tái phát sau phẫu thuật, thích hợp cho cả bệnh nhân nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi. Việt Nam cũng trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á có thiết bị xạ phẫu hiện đại.
Đến năm 2008, hệ thống PET/CT giúp chẩn đoán, mô phỏng để lập kế hoạch xạ trị, máy xạ trị gia tốc tuyến tính... cũng đã có mặt ở Việt Nam. Việc làm chủ được kỹ thuật PET/CT giúp các bác sỹ xác định chính xác vị trí khối u, từ đó tập trung liều xạ trị cao vào khối u nhưng lại bảo vệ tối ưu các vùng tổ chức lành xung quanh, làm tăng hiệu quả điều trị và hạn chế các biến chứng của xạ trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
GS Khoa cho biết, đã có hơn 1.500 bệnh nhân ung thư (phổi, đầu mặt cổ, thực quản, trực tràng...) được mô phỏng lập kế hoạch xạ trị với hình ảnh PET/CT cho hiệu quả điều trị cao, an toàn, giảm biến chứng. Với kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay, đã có hơn 6.000 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não khác, trong đó hàng nghìn bệnh nhân trở về với cuộc sống lao động bình thường. Sau các kỹ thuật này, nhiều phương pháp xạ trị trong chọn lọc (SIRT: selective internal radiation therapy) bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 để điều trị ung thư gan nguyên phát và ung thư di căn vào gan; cấy hạt phóng xạ để điều trị ung thư tuyến tiền liệt (Permanent radioactive seeds implant); miễn dịch phóng xạ.... trong điều trị một số loại ung thư... cũng được GS Khoa đưa về và ứng dụng thành công ở Việt Nam. Đây là những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ung thư hiện đại thường chỉ có ở các nước phát triển trên thế giới.
"Nhờ các kỹ thuật sử dụng bức xạ ion hoá hiện đại này chúng tôi đã chẩn đoán sớm, phát hiện các tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh cũng như đánh giá hiệu quả điều trị cho một số lượng lớn nhiều loại ung thư và một số bệnh lý khác. Các kỹ thuật này đã giải quyết khó khăn trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ung thư tái phát, di căn, mà các phương pháp điều trị trước đó khó hoặc không đáp ứng được", GS Mai Trọng Khoa nói và cho biết thành công này đã tạo niềm tin cho nhiều bệnh nhân ung thư là người Việt ở lại điều trị trong nước. Nhiều bệnh nhân người nước ngoài ở châu Á bị ung thư và một số bệnh lý khác đã đến điều trị thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.
Trước đây nhiều bệnh nhân ung thư phải ra nước ngoài để được chẩn đoán và điều trị, chi phí rất tốn kém. Một lần xạ phẫu bằng dao gamma quay ở Mỹ có giá 25.000 USD, nhưng ở Việt Nam chỉ 2.000 USD. "Kỹ thuật chúng ta thực hiện không thua kém gì các nước tiên tiến, bằng chứng là hiệu quả điều trị rất rõ rệt. Do bảo hiểm đồng chi trả, ở mức thụ hưởng cao nhất, người bệnh chỉ phải đóng một tỷ lệ rất thấp", GS Khoa nói và cho biết ông vui khi những người nghèo cũng được dùng công nghệ cao điều trị bệnh.
Các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiến bộ đã được tập hợp trong cụm công trình nghiên cứu "Ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác" do GS. TS Mai Trọng Khoa làm chủ nhiệm, được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ năm 2017. Đây là giải thưởng cao quý nhất về khoa học và công nghệ ở Việt Nam, ghi nhận những đóng góp khoa học của tác giả và các cộng sự. Theo tính toán, tổng số tiền tiết kiệm được khi ứng dụng các kỹ thuật của cụm công trình này là 88.450 triệu USD tương đương gần 2.000 tỷ đồng.
Thành công là vậy nhưng vị giáo sư gốc Hà Tĩnh ngại nói về mình. "Nếu thực sự tâm huyết và có tâm với nghề, thấy khó khăn khi chẩn đoán bệnh trong chuyên khoa của mình, hãy nghĩ về nó và tìm mọi cách, một ngày nào đó sẽ tìm ra. Nếu không tâm huyết, không có động lực nào thay thế được", ông nói và cho biết bệnh nhân là động lực để ông tìm đến những công nghệ, kỹ thuật mới. Sau khi nghiên cứu, làm chủ các kỹ thuật mới, ứng dụng thành công tại Bệnh viện Bạch Mai, ông và các đồng nghiệp cũng hỗ trợ nhiều bệnh viện khác ở Việt Nam tiếp thu công nghệ này.
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu, thống kê năm 2018 cho thấy, ung thư hàng năm cướp đi sinh mạng khoảng 8,2 triệu người trên thế giới và 14,1 triệu ca mới. Khoảng 65% bệnh nhân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Riêng Việt Nam có hơn 300.000 bệnh nhân đang chiến đấu với ung thư mỗi năm.
Khẳng định chữa ung thư là bài toán khó, ngay cả khi các kỹ thuật tiên tiến đã phát triển, tuy nhiên GS Mai Trọng Khoa cho rằng nếu phát hiện sớm, cùng với cơ chế bệnh lý, thể trạng tốt, người bệnh sẽ có cơ hội chữa khỏi.
GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Mai Trọng Khoa sinh tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Ung bướu - Y học hạt nhân, Trưởng Đơn vị Gen - Tế bào gốc - Bệnh viện Bạch Mai, Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Y; nguyên: Phó Giám đốc - Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Trưởng Bộ môn Y học hạt nhân - Đại học Y Hà Nội.
Ông từng chủ trì 3 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài cấp Bộ Y tế, công bố hơn 200 bài báo, trong đó có hơn 20 bài báo đăng ở tạp chí quốc tế và báo cáo ở các hội nghị quốc tế; Chủ trì 8 dự án hợp tác quốc tế về ung thư và Y học hạt nhân... Ông đạt các Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2017; "Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc khu vực châu Á và châu Đại Dương" do Hội Y học hạt nhân Nhật Bản trao tặng năm 1995. Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015. Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011. Huy chương Vì sức khỏe nhân năm 2004. 7 lần nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bài: Bích Ngọc
Đồ họa: Bảo Bình