Chặng đua đầu tiên của mùa giải mới sẽ diễn ra tại Albert Park, Melbourne, Australia vào ngày 15/3. Các đội đang phải tăng tốc để giải quyết các bài toán về kỹ thuật phát sinh từ hai kỳ đua thử, trước khi đưa thiết bị, máy móc từ đại bản doanh đến Australia muộn nhất vào thứ 4 tuần sau, ngày 11/3.
Nhưng hôm 1/3, Australia ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do virus corona thể mới. Nước này ngay lập tức tuyên bố sẽ từ chối nhập cảnh với tất cả người ngoại quốc đến từ các nước có dịch bệnh như Iran, Trung Quốc, Singapore... Trong khi đó, chỉ tính riêng trong phạm vi F1, Italy và Nhật Bản thuộc nhóm quốc gia có Covid-19 bùng phát và lây lan ở mức nghiêm trọng nhất.
Tại châu Âu, Italy trở thành ổ dịch lớn nhất châu lục, với gần 1.700 ca nhiễm nCoV và 34 trường hợp tử vong. Hôm 1/3, số ca nhiễm ở nước này tăng gần gấp đôi trong vòng 48 giờ, chủ yếu thuộc các vùng Lombardy, Veneto và Emilia Romagna. 11 thị trấn ở miền bắc, gồm hơn 50.000 người, đang nằm trong vòng phong tỏa.
Italy lại là nơi đặt trụ sở cùng nhà máy của hai đội đua, Ferrari và Alpha Tauri. Không những thế, Ferrari còn là nhà cung cấp động cơ cho hai đội đua khác: Haas và Alfa Romeo. Các đội đua Red Bull và Alpha Tauri thì lại sử dụng động cơ từ nhà máy của Honda tại Sakura, Nhật Bản. Haas cũng đặt hàng gia công khung gầm chiếc VF-20 từ nhà sản xuất Dallara từ Italy.
Pirelli - nhà cung cấp lốp cho toàn bộ giải đua F1 - cũng đến từ Italy. Dù nhà máy của Pirelli đặt ở Izmit, Thổ Nhĩ Kỳ, rất nhiều nhân viên của hãng lốp này đang thường trú ở Italy. Sau Australia, Bahrain, Việt Nam cũng đang kiến nghị dừng miễn thị thực cho công dân Italy. Đây là ba quốc gia đăng cai ba chặng đầu tiên của F1 mùa 2020.
Trước đó, Grand Prix Trung Quốc, theo lịch diễn ra ngày 19/4, thì phải hoãn do dịch bệnh tại quốc gia này. Hôm 1/3, Liên đoàn Motor thế giới (FIM) cũng phải tuyên bố hủy chặng đua MotoGP ở Losail, Qatar, chặng đua thi đấu vào ngày 8/3 theo lịch ban đầu. Quyết định này xuất phát từ việc Qatar cách ly 14 ngày với các hành khách dừng chân tại Italy trong hai tuần gần đây.
Hiện Liên đoàn Đua xe Thế giới (FIA) hy vọng Grand Prix Australia vẫn diễn ra đúng kế hoạch ban đầu. Tuy vậy, với việc hàng loạt sự kiện thể thao buộc phải hoãn hoặc hủy gần đây vì Covid-19, các chặng đầu tiên của F1 mùa mới vẫn có nguy cơ bị hoãn hoặc bỏ vì an toàn và vấn đề hậu cần của các đội đua. Các điểm trung chuyển quốc tế như Doha (Qatar), Abu Dhabi (UAE) hay Singapore, Bangkok (Thái Lan) đều đang siết chặt việc nhập cảnh từ Đức, Italy và Nhật Bản.
Các trận bóng đá, quần vợt vẫn có thể diễn ra mà không có khán giả, vì mỗi đội chỉ cần tối đa 22 thành viên cùng với vài quan chức, nhân viên, và địa điểm thi đấu cũng có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Nhưng các chặng F1 không thể diễn ra suôn sẻ nếu không đủ ít nhất 50 nhân viên với mỗi đội đua, chưa kể hàng trăm nhân viên y tế, hỗ trợ cho mỗi chặng. Hơn nữa, không có gì đảm bảo gần 300 tấn linh kiện, thiết bị phục vụ các đội đua sẽ được vận chuyển kịp thời đến địa điểm tổ chức, do sự gián đoạn di chuyển bằng hàng không.
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức giải đua cũng đang đau đầu với bài toán tài chính. Khi GP Trung Quốc bị hủy, nhiều hợp đồng tài trợ, bảo hiểm đã được ký kết. Nhiều nhà tổ chức sẽ bị mất trắng, hoặc chịu thiệt hại nặng nề, nếu không được thông báo sớm về quyết định hoãn hoặc hủy chặng. Chuyển địa điểm tổ chức cũng không phải là vấn đề dễ dàng trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
"Nếu không tổ chức, chúng tôi sẽ không nhận được phí đăng cai, tài trợ, quảng cáo. Nhưng nếu lường trước sớm về việc hoãn này, chúng tôi sẽ nỗ lực để giảm thiểu các thiệt hại và dự kiến sẽ điều chỉnh để có được thu nhập tối thiểu", Giám đốc điều hành của giải F1, Chase Carey nói trong cuộc họp với các đơn vị đăng cai và nhà tài trợ mùa 2020.
Minh Phương