Thủ tướng Viktor Orban phát biểu tại hội nghị ở Budapest hôm 18/11 rằng ông sẽ không ủng hộ kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) viện trợ 18 tỷ euro (khoảng 18,6 tỷ USD) cho Ukraine vào năm sau theo hình thức chia nhỏ từng tháng. EU cho biết khoản viện trợ này nhằm giúp Ukraine duy trì hoạt động của các cơ sở chăm sóc sức khỏe, năng lượng cũng như duy trì quỹ lương và quỹ hưu trí.
Khoản hỗ trợ sẽ cung cấp cho Ukraine khoảng 1,5 tỷ euro/tháng, có thể bắt đầu từ tháng 1/2023. Ukraine sẽ không phải hoàn toàn số tiền này trong ít nhất một thập kỷ và các nước thành viên EU sẽ trang trải tiền lãi.
Sự phản đối từ Hungary có nguy cơ làm đổ bể kế hoạch của EU vì những thay đổi trong ngân sách liên minh cần nhận được sự đồng thuận của toàn bộ nước thành viên.
Lãnh đạo Hungary đưa ra đề xuất thay thế rằng 27 nước thành viên EU nên xác định số tiền họ có thể cung cấp cho Ukraine và phân phối khoản tiền "cân xứng, công bằng".
Theo Thủ tướng Orban, Hungary có thể cung cấp 152-178 triệu USD cho Ukraine dựa theo các điều khoản song phương. Ông cho rằng số tiền như vậy không gây tổn hại lợi ích quốc gia của Hungary.
Hungary nhiều lần phản đối các biện pháp trừng phạt Nga của EU và cảnh báo những biện pháp này phá hủy nền kinh tế châu Âu, đẩy EU gần hơn vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, một số người cũng cho rằng động thái phản đối của Hungary nhằm gây áp lực buộc EU giải ngân quỹ hồi phục kinh tế hậu Covid-19 trị giá hàng tỷ USD cho nước này.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuần trước nói rằng khoản viện trợ tài chính của EU nhằm hỗ trợ Ukraine khi mùa đông tới gần. "Sự hỗ trợ này từ châu Âu cứu mạng sống người dân từng ngày. Tôi cho rằng mọi người đều nhận thức được và nên nhận thức về điều này trong khoảng thời gian khó khăn", bà Baerbock nói.
Hungary là thành viên mềm mỏng với Nga nhất trong EU. Nước này còn nỗ lực vận động để được miễn trừ trong các lệnh trừng phạt của Brussels với Moskva bởi họ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung này.
Ngọc Ánh (Theo AP)