Với vai trò doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Lâm Trọng Nghĩa, cố vấn công ty MAPA, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chỉ ra các thách thức, khó khăn trong việc hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo tại phiên toàn thể diễn đàn Mekong Startup 2022, chiều 20/12.
Dù lúa gạo là ngành hàng truyền thống, quan trọng bậc nhất trong cơ cấu nông nghiệp tại Việt Nam, song, vẫn còn những thách thức và khó khăn trong việc hoàn thiện chuỗi giá trị cho ngành hàng này. Theo đó, ông Nghĩa chỉ ra 5 thách thức trong việc phát triển bền vững.
Cụ thể, khó khăn đầu tiên đến từ sự bất cân xứng thông tin giữa khu vực sản xuất và thị trường tiêu thụ biểu hiện rõ nhất qua tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, những thông tin về lúa gạo chưa được cung cấp đầy đủ và chính xác mang đến tác động tiêu cực, gây mất lòng tin của người tiêu dùng.
Khó khăn thứ ba đến từ việc phụ phẩm, phế phẩm trong chuỗi ngành hàng đang bị lãng phí. Đơn cử, rơm rạ thay vì đốt có thể xử lý bằng phương pháp vi sinh cung cấp dinh dưỡng cho đất. Cám gạo ngoài việc làm thức ăn chăn nuôi có thể trích xuất dầu làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, thực phẩm. Hay trấu có thể được sản xuất dưới dạng viên nén làm chất đốt.
Bên cạnh đó, thách thức phát triển ngành hàng lúa gạo còn đến từ việc chuyển đổi số chưa tương xứng trong ngành. "Dù cơ chế hoá đang tương đối tối, song, số hoá chưa được đồng bộ", ông Nghĩa thông tin.
Cũng theo ông Nghĩa, khó khăn cuối cùng đến từ thiên tai, dịch bệnh. Đây là các yếu tố khó lường, không thể dự báo trước, mang đến rủi ro cho nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nếu hạn chế được các thách thức thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp, doanh nghiệp đứng trước các cơ hội lớn để khởi nghiệp.
Để giải quyết các khó khăn, cố vấn công ty MAPA cũng chỉ ra một số giải pháp. Tại doanh nghiệp, ông dẫn chứng việc sử dụng app để tạo ra nền kinh tế chia sẻ giữa các công ty cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng máy bay và thị trường cho phép tối ưu hoá nguồn lực. Đồng thời, các cấp ngành có thể tạo ra Quỹ khởi nghiệp mang đến "đệm hỗ trợ" khi xảy ra các tình huống bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai.
Cuối cùng, ông cho rằng, không nên đưa ra các chỉ tiêu cứng nhắc về khởi nghiệp, thay vào đó, cần chính sách để phát triển hệ sinh thái giúp các ý tưởng tốt có cơ hội phát triển nhanh. Theo đó, ông đưa ra quan điểm về việc hình thành các Sandbox, nơi các ý tưởng khởi nghiệp được ưu tiên mọi nguồn lực cho sự phát triển. "Điều này góp phần hình thành một thế hệ luôn có khát vọng về khởi nghiệp và lập nghiệp trên chính quê hương mình", ông Nghĩa chia sẻ.
Ngoài góc nhìn từ ông Lâm Trọng Nghĩa, phiên thảo luận về lúa gạo tại Diễn đàn Mekong Startup còn có chia sẻ từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về bức tranh toàn cảnh phát triển ngành lúa gạo. Đồng thời, tại chương trình, ông Đỗ Nam Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Intimex cũng đưa ra góc nhìn về thành tựu của chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong năm 2022.
Diễn đàn Mekong Startup 2022 do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Sự kiện không chỉ mang đến các bức tranh toàn cảnh về phát triển nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn hiến kế giúp lãnh đạọ địa phương, doanh nghiệp, startup thích ứng tốt hơn với đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp".
Hồng Thảo