"Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã được triệu tập sáng nay", Bộ Ngoại giao Đức ngày 4/7 ra tuyên bố cho biết, một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ có động thái tương tự với đại sứ Đức tại Ankara. Bộ này không công bố những nội dung được trao đổi trong buổi làm việc với đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ.
"Với tư cách nước chủ nhà Euro 2024, chúng tôi mong muốn thể thao gắn kết mọi người với nhau", Bộ Ngoại giao Đức đăng trên mạng xã hội X khi thông báo về việc triệu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng ngoại giao giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng liên quan màn ăn mừng bàn thắng của hậu vệ Merih Demiral trong trận đấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Áo ở vòng 1/8 Euro 2024 hôm 2/7.
Sau khi ghi bàn thắng thứ hai ấn định chiến thắng 2-1 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Demiral ăn mừng bằng cách giơ hai tay lên trời, ngón cái và hai ngón giữa chụm vào nhau. Cử chỉ này được cho là liên quan Sói Xám, nhóm cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cảnh báo "các biểu tượng của những kẻ cực đoan cánh hữu Thổ Nhĩ Kỳ không có chỗ trong sân vận động của chúng tôi" và việc biến giải vô địch bóng đá châu Âu "thành chỗ cho nạn phân biệt chủng tộc là hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir, chính trị gia Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đăng trên X rằng biểu tượng này "tượng trưng cho chủ nghĩa khủng bố và phát xít".
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án động thái của Đức, cho rằng phản ứng của giới chức Đức đối với Demiral "thực chất là hành vi bài ngoại". Omer Celik, phát ngôn viên đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và cựu bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi phản ứng của Berlin là "không thể chấp nhận được".
Demiral cho biết không có "thông điệp ngầm" nào trong màn ăn mừng của anh. "Cách tôi ăn mừng liên quan đến bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ trong tôi", hậu vệ này nói.
Khi căng thẳng ngoại giao với Đức gia tăng, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Tổng thống Tayyip Erdogan đã quyết định thay đổi lịch trình làm việc để tới Berlin ngày 6/7 theo dõi trận tứ kết giữa đội tuyển quốc gia nước này với Hà Lan.
Sói Xám là nhánh thanh niên của đảng cực hữu Phong trào Thổ Nhĩ Kỳ (MHP) nhưng bị coi là cánh quân sự của đảng này. Nhóm nổi lên những năm 1970, 1980, bị cáo buộc liên quan một số vụ thảm sát, ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ được cho là ủng hộ những tư tưởng theo chủ nghĩa quá khích và sử dụng bạo lực chống lại nhà hoạt động cánh tả cũng như các nhóm dân tộc thiểu số. Trong khi đó, Sói Xám bác bỏ họ mang bản chất chính trị, nói rằng họ là tổ chức văn hóa và giáo dục.
Năm 2021, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu cấm nhóm này. Sói Xám đã bị cấm ở Pháp, Áo, nhưng không bị cấm ở Đức.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)