Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, tìm về thiên nhiên và ẩm thực dân dã, là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng được Chính phủ phê duyệt... Nhiều tiềm năng và có bản sắc riêng, nhưng câu chuyện về sản phẩm du lịch vùng vẫn luôn được bàn ở nhiều hội thảo bởi thiếu tính thu hút và đột phá.
Trong giai đoạn hồi phục du lịch sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch tại đây vẫn lúng túng trước những thay đổi của thị trường, hay cần các nguồn lực hỗ trợ khi vừa trải qua một quãng thời gian dài hoạt động cầm chừng, thiếu thốn nguồn lực về vốn, lao động...
Nhằm giải bài toán hồi phục, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các đối tượng doanh nghiệp này, Hội thảo "Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội để bứt phá" sẽ diễn ra lúc 14h tại khách sạn Vinpearl Cần Thơ. Độc giả quan tâm cũng có thể đăng ký dự trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Đăng ký tham gia hội thảo tại đây |
Theo Ban tổ chức, sự kiện là cơ hội để các doanh nghiệp quan tâm nêu bài toán và đối thoại với đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan nhằm tìm hướng đi mới cho du lịch của khu vực. Từ đó, các bên thúc đẩy kết nối mạng lưới doanh nghiệp lữ hành, tối ưu các nguồn lực, khai phá thế mạnh du lịch của các địa phương và đề xuất các giải pháp đưa ngành du lịch khu vực phát triển.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại diện VCCI Cần Thơ, Hiệp hội và doanh nghiệp các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là các chuyên gia trong nước và quốc tế, đứng đầu trong lĩnh vực.
Liên kết vùng, liên kết chuỗi nhằm hợp lực phát triển các sản phẩm du lịch "đặc sản" từng nơi, nâng cấp hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp quan trọng để nâng tầm du lịch khu vực. Định hướng phát triển theo hướng liên kết với TP HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam sẽ được đại diện Tổng cục Du lịch chia sẻ cụ thể, đồng thời lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp đến từ nhiều khu vực khác nhau.
Các chuyên gia du lịch sẽ phân tích tiềm năng và triển vọng đầu tư phát triển du lịch vùng, những sản phẩm có thể trở thành xu hướng nhằm tư vấn, định hướng các đơn vị du lịch tìm hướng đi sau đại dịch.
Các doanh nghiệp tham gia cũng sẽ có cơ hội tiếp cận, được hướng dẫn sử dụng các công cụ Google, tính năng hỗ trợ phân tích các điểm đến du lịch, phục vụ quá trình vận hành hoạt động.
Từ việc phân tích đặc trưng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cũng sẽ đánh giá cơ hội của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là xu hướng du lịch bền vững hay chuyển đổi số. Các bên sẽ cùng nhau đối thoại và tìm ra lời giải tạo lập hệ sinh thái du lịch trong khu vực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chuyển đổi số hiệu quả hay mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp tham dự chương trình có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho các diễn giả hoặc thông qua các kênh offline hoặc online.
Hội thảo "Du lịch đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội để bứt phá" được chủ trì bởi Lãnh đạo Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Dự án IPSC. Nằm trong khuôn khổ sự kiện, các doanh nghiệp cũng sẽ được giới thiệu, tham gia vào Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân IPSC do USAID tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan chủ quản. Khởi động đầu năm nay. IPSC hướng đến tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, thông qua cung cấp các gói hỗ trợ đa dạng. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch là một trong những đối tượng chính của dự án.
Phong Vân