Ngành du lịch đang trải qua giai đoạn khó khăn do tác động tiêu cực của Covid-19. Nếu tình trạng kéo dài, ngành sẽ tụt lại 10 năm, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói tại hội thảo trực tuyến "Hướng đi mới cho ngành Du lịch Việt" vừa diễn ra sáng 13/5 trên VnExpress.
Ông Bình đưa con số, vào tháng 2 khi Covid-19 lan rộng, lượng khách quốc tế giảm 40% và gần như bằng 0 trong tháng 4, khiến hơn 2 triệu lao động thất nghiệp. Đồng quan điểm, ông William J. Haandrikman - Tổng Giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole cho rằng, hiện 95% doanh nghiệp tại Việt Nam đều gặp khó khăn. Bản thân đơn vị này phải tạm dừng hoạt động 3.000-5.000 khách sạn trên toàn cầu. Tuy nhiên, Metropole vẫn cố gắng duy trì một phần hoạt động, phục vụ du khách Mỹ, Australia và châu Âu không thể nhập cảnh.
Với công ty lữ hành đang thấm thía ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, ông Nguyễn Minh Bảo - Đồng sáng lập, CEO Tugo chia sẻ, doanh thu tháng 3 sụt giảm gần 99%, bắt buộc đơn vị cho 70% nhân viên nghỉ làm, cắt giảm chi phí mặt bằng... "Nguồn tiền gần như đóng băng, bởi các hãng hàng không chưa có chính sách hoàn tiền đặt cọc cho đơn vị lữ hành. Nhiều hướng dẫn viên phải chuyển hướng kinh doanh, trang trải cuộc sống", ông Bảo nói.
Những doanh nghiệp lớn với hàng nghìn nhân sự cũng không miễn nhiễm. Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch TAB, Chủ tịch HĐQT TM Group nhận định, nếu tình trạng tiếp tục kéo dài, số doanh nghiệp phải đóng cửa sẽ lên đến 70-75% và mất nguồn lao động khổng lồ. Trong tình thế khó khăn chung, theo ông Kiên, hầu hết doanh nghiệp phải tự ứng phó để đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng. Tuy nhiên, những phản ứng của các doanh nghiệp còn mang tính ngắn hạn, nhằm chống đỡ trước mắt. Về lâu dài, đại dịch có thể diễn biến khó lường, cộng hưởng nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ trở thành khó khăn kép cho du lịch. Để tháo gỡ, du lịch Việt Nam nên tập trung khai thác thị trường nội địa.
Thị trường nội địa - cứu cánh cho du lịch Việt
Vị đại diện TAB phân tích, trong năm 2019, ngành du lịch phục vụ 85 triệu lượt khách trong nước, cao hơn 4 lần lượng khách quốc tế. Hiện nay nhu cầu của khách nội địa vẫn rất lớn, nhưng đặt ra bài toán kiểm soát dịch bệnh an toàn cho các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn. Sau giãn cách xã hội, TM Group mở cửa trở lại 9 khách sạn trên tổng số 16, trong đó chú trọng 10 hướng dẫn an toàn về dọn phòng, phục vụ đồ ăn, check-in online, hạn chế tiếp xúc...
Ông Vũ Thế Bình đồng tình, tiềm năng của thị trường nội địa càng thấy rõ hơn trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, dù phần lớn là nhóm nhỏ, chưa nhiều khách đi tour. "Sự háo hức của người Việt với du lịch trong nước rất rõ ràng. Nhiều người đếm từng ngày sau cách ly xã hội để đi du lịch", ông nói.
Đại diện Metropole cũng chung quan điểm và đã bắt tay hành động. Đơn vị tung nhiều ưu đãi với dịch vụ F&B; mở lại các nhà hàng, song song tuân thủ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt..., đồng thời chuẩn bị những gói dịch vụ riêng cho khách nội địa. Với Tugo, doanh nghiệp phát hành thẻ tặng 20% số tiền cho khách hàng mua tour.
Ông Trần Trọng Kiên đánh giá, những ứng biến này của các công ty lữ hành, khách sạn sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy thị trường du lịch nội địa quay lại tương đối nhanh sau Covid-19. Dự tính phục hồi 50-60% trong 3-6 tháng tới và đến cuối năm có thể đạt 80% so với trước đại dịch. "Nhưng hầu hết người Việt sẽ không muốn du lịch xa nhà, đến nơi đông người. Xu hướng là đi nhóm nhỏ, tới địa điểm thiên nhiên, chọn khách sạn an toàn", vị này nhận định.
Bài toán linh hoạt dòng tiền
Doanh nghiệp du lịch cần tìm lời giải dòng tiền, bởi dịch bệnh kéo dài làm đứt nguồn tiền của hầu hết công ty. Hiệp hội Du lịch đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ hàng triệu lao động, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, đầu bếp... Trong mảng quản lý nhà hàng, khách sạn, hiện Metropole và Tập đoàn Accor góp 70 triệu euro tạo quỹ Accor Heartist fund để trả lương, bảo hiểm cho tất cả nhân viên.
Hội đồng Tư vấn Du lịch TAB đề xuất, dùng bảo lãnh của Chính phủ cho phép doanh nghiệp, khách sạn có thể vay trả lương trong 12 tháng tới. Mức vay tương đương số tiền đóng thuế bảo hiểm năm trước của từng doanh nghiệp; tiền lãi sát mức lãi cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cộng mức phí nhất định cho ngân hàng thương mại.
CEO Tugo đồng ý quan điểm, các tiêu chuẩn cho vay cần đơn giản hóa cho doanh nghiệp. Đơn vị này cũng chủ động luân chuyển dòng tiền bằng cách đề xuất khách hàng đặt cọc giữ chỗ với số tiền tượng trưng 1-2 triệu đồng. Lượng khách sẵn giúp Tugo sẵn sàng vận hành ngay khi Covid-19 đi qua. Đơn vị còn thay đổi thị trường, thu hút khách hàng đặt tour trước 6-7 tháng, tập trung một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada... Đồng thời làm việc với các đối tác, hãng hàng không cung cấp sản phẩm giá ưu đãi.
Chủ động liên ngành, liên vùng
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần chủ động kết nối. Theo ông Vũ Thế Bình, những người làm lữ hành cần có trách nhiệm tiên phong kết nối. Tiếp đến là các khách sạn, cơ sở lưu trú hỗ trợ giảm giá 30-40% cho du khách. Ngoài ra, cần sự chung tay của các hãng hàng không, vận chuyển đường bộ. "Có thể kích cầu bằng giảm giá dịch vụ và giữ nguyên chất lượng, hoặc giữ nguyên giá, tăng chất lượng dịch vụ, bổ sung dịch vụ mới", ông nói thêm.
Đồng thời cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý với những chính sách bám sát thực tiễn. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp lùi thời gian nộp thuế, miễn chi phí... Đặc biệt là vấn đề giá điện tại các cơ sở lưu trú. "Chúng tôi mong chính sách chuyển giá điện dịch vụ sang điện sản xuất sẽ áp dụng lâu dài, chứ không chỉ 3 tháng quý II", vị này nhấn mạnh. Song song, là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các địa phương. "Vì liên ngành liên vùng, nên không thể chỗ này mở cửa, chỗ kia đóng. Mỗi địa phương cần đưa ra chương trình chia sẻ với doanh nghiệp, như miễn phí hoặc giảm giá vé tham quan", đại diện Hiệp hội nói.
Ông Trần Trọng Kiên quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp khách hàng check-in online, điền thông tin trực tuyến. Vị này đề xuất cơ quan quản lý có thể xem xét mở cửa biên giới với các nước đã cơ bản kiểm soát dịch, nhằm sớm đưa du lịch trở về quỹ đạo.
Minh Chi