Hội thảo "Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội để bứt phá" chiều 26/4 tại Cần Thơ và qua kênh trực tuyến thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý bởi những vấn đề đặt ra cho du lịch các tỉnh, thành khu vực này. Tại sự kiện, bức tranh phát triển du lịch của miền Tây được các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành thẳng thắn chia sẻ.
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân IPSC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan chủ quản khởi động đầu năm nay. Với số vốn 36 triệu USD, IPSC hướng đến tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, thông qua cung cấp các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Doanh nghiệp đăng ký nhận gói hỗ trợ miễn phí của dự án tại đây. |
Nhiều năm kinh doanh trong ngành, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Hieutour Co., Ltd chỉ ra thực trạng, nhiều khách du lịch từ TP HCM chỉ cần tour đến Mỹ Tho, Bến Tre, hoặc khi đến Cần Thơ nghĩ chỉ cần đi Chợ nổi, không cần qua đêm là xong hành trình Mekong, trước khi đến Campuchia.
"Nhu cầu quay trở lại của khách quốc tế khi tới Đồng bằng sông Cửu Long (ĐB SCL) du lịch không cao, vì điểm đến đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo", ông Hiếu dẫn ra thực trạng.
"20 triệu du khách Thái Lan đồng nghĩa với 20 triệu du khách tới Campuchia, vì họ có những mắt xích, liên kết vùng với nhau. Tại các tỉnh ĐB SCL, liên kết này thiếu đồng bộ, chặt chẽ", đại diện Hieutour Co., Ltd nêu ý kiến.
Doanh nghiệp này từng tổ chức chương trình chèo kayak và nhận nhiều phản hồi dòng sông Mekong đẹp nhưng "chèo tới đâu thấy rác tới đó". "Muốn hấp dẫn khách quốc tế phải bắt tay vào làm quảng bá mạnh du lịch đường sông, muốn vậy cần bảo vệ môi trường, vệ sinh đường sông", vị này nói.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được các doanh nghiệp cho là bài toán hàng đầu với du lịch trong vùng. Việc liên kết với các địa phương, kết nối thị trường quốc tế được coi là giải pháp thiện sản phẩm du lịch ĐB SCL, tạo ra trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn hơn.
Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có ba loại hình du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách nhất tại khu vực này, gồm: du lịch xanh, cảnh quan sông nước, sinh thái miệt vườn; su lịch nông nghiệp, nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống và du lịch biển đảo chất lượng cao.
Không gian du lịch vùng chia thành 6 tiểu vùng sinh thái và 2 cụm du lịch phía Tây và phía Đông. Trong đó, phía Tây (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái; sông nước, chợ nổi; tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội.
Khu vực phía Đông gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng về nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng; homestay.
Đa dạng không gian, loại hình du lịch, song mặt bằng chung ngành kinh tế không khói của các tỉnh miền Tây vẫn "hụt hơi" so với các vùng khác trong cả nước. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ cho rằng, vấn đề lớn nhất của ĐB SCL là sản phẩm thiếu đầu tư, gần như trùng lặp, không hấp dẫn. Việc liên kết với các địa phương, liên kết vùng đã phần nào cải thiện sản phẩm du lịch gần đây, tạo ra trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn hơn.
"Đây là một trong những vùng trũng của du lịch, "sinh sau đẻ muộn", dù có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa được quan tâm, đầu tư đúng tiềm năng để có sức bật", bà Thy bày tỏ.
Bên cạnh đó, đại diện Vietravel cho hay các chuyến bay quốc tế đến Cần Thơ còn hạn chế, dù ở đây đã có sân bay quốc tế. Đường bay kết nối các quốc gia lân cận như Thái Lan, Campuchia... khá giới hạn.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhấn mạnh, du lịch ĐB SCL có động lực phát triển từ nguồn lực thiên nhiên phong phú, đặc trưng, nhiều vườn quốc gia, rừng sinh thái, cùng du lịch biển đảo... hấp dẫn du khách. "Tuy nhiên, việc phát triển du lịch thực tế chưa xứng tầm. Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, du lịch gần như tê liệt, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Sau thời gian dài đóng băng, thị trường du lịch vùng đang dần khởi sắc, tìm cách thích ứng an toàn", ông Nguyễn Đức Trung cho biết.
Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch đưa ra một số định hướng chính về phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn kết với TP HCM. Theo đó, bà đề xuất cần nâng cao sức hấp dẫn đối với du khách thông qua 3 trục tuyến du lịch chính của vùng (Những nẻo đường phù sa, Non nước hữu tình và Sắc màu vùng biên).
Du lịch tại đây cần thêm các chương trình kích cầu du lịch, thích ứng an toàn với Covid-19, các chuyến khảo sát nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mới, kết nối khai thác tour/tuyến du lịch và trao đổi khách giữa TP HCM và các tỉnh miền Tây.
Bên cạnh đó là giải pháp đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch của các địa phương. Đơn cử như Cần Thơ mạnh về khai thác chợ nổi, An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh, Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng ngập mặn, Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp... để giữ chân du khách.
Tham gia sự kiện bằng hình thức online, ông Arindam Das - Trưởng Ban phát triển kinh doanh, Google, Travel Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gợi ý doanh nghiệp sử dụng công cụ hỗ trợ việc thu hút khách đặt phòng. Đại diện Google cho biết doanh nghiệp cần hiểu nhu cầu của khách hàng, cung cấp nhiều nguồn thông tin tốt để khách hàng tìm hiểu và ưu tiên hiện diện trên các nền tảng số. "Hồ sơ doanh nghiệp của Google giúp chủ doanh nghiệp du lịch quản lý thông tin doanh nghiệp của họ và tương tác với khách hàng tiềm năng trên Google Search và Google Maps", ông Arindam Das nói.
Kết luận hội thảo, lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch ĐB SCL phát triển sản phẩm, giải quyết điểm nghẽn về nhân lực và liên kết phát triển, dự án IPSC sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp tiên phong các gói hỗ trợ phát triển, như gói chuyển đổi số, mở rộng thị trường, thích ứng tăng trưởng... Qua đó, giúp doanh nghiệp xây dựng thành công sản phẩm, tăng trải nghiệm du khách.
Phong Vân