Tại tọa đàm nghị trực tuyến "Thu hút FDI vào bất động sản Việt Nam hậu khủng hoảng", diễn ra sáng 27/5 trên VnExpress, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), CBRE Việt Nam, KoCham và Đại Phúc Land đã đưa ra các đánh giá về tương lai bất động sản Việt Nam hậu khủng hoảng.
Địa ốc nghỉ dưỡng phục hồi sớm
PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, khi dịch bệnh được khống chế, thị trường này sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn. Một là, du lịch nội địa bùng nổ, các sản phẩm nghỉ dưỡng được hưởng lợi. Giai đoạn hai, các thị trường lân cận khống chế dịch bệnh, mở lại các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... mang theo dòng vốn FDI. Tiếp đó, toàn cầu đẩy lùi đại dịch, địa ốc Việt tiếp tục thu hút nhờ ấn tượng chống dịch hiệu quả.
Trong vai trò kết nối hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đồng tình, việc kiểm soát Covid-19 hiệu quả đang tạo ấn tượng tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp nước này. Với ưu thế tài nguyên tự nhiên, nhiều bãi biển, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam là một trong những thị trường được giới đầu tư Hàn Quốc quan tâm, nhất là các khách sạn, resort, sân golf... Tuy nhiên hiện các chuyến bay nối hai nước vẫn đóng băng, nên nhà đầu tư vẫn đang chờ xúc tiến.
Là doanh nghiệp địa ốc có kinh nghiệm hợp tác nhà đầu tư quốc tế, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhận định, giới đầu tư Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc thấy rõ triển vọng thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam trong 20 năm tới. Tuy vậy, chất lượng các dự án còn tồn tại khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực. Để thu hút vốn trong tương lai, cần 2 yếu tố là chiến lược quốc gia thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng và chọn lọc chủ đầu tư năng lực, đảm bảo tỉ suất lấp đầy dài hạn.
CBRE đề xuất, hiện chưa rõ thời điểm quốc tế mở cửa, nên trước mắt cần tập trung cho thị trường nội địa. Trong ngắn và trung hạn, du khách có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng quy mô trung bình, ưu tiên du lịch tốt cho sức khỏe. "Một số địa phương có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc ít phụ thuộc nguồn khách quốc tế như Vũng Tàu, Phan Thiết, Hòa Bình... sẽ phục hồi trong 3-6 tháng. Trong khi những địa điểm trông chờ nguồn khách ngoại sẽ mất 1-2 năm trở về quỹ đạo", bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn và Định giá, CBRE Việt Nam đánh giá.
Khu công nghiệp cần mở rộng nguồn cung
Đại diện CBRE chia sẻ, giữa Covid-19, mỗi tuần đơn vị vẫn nhận được 2-3 đơn hàng muốn thăm quan dự án bất động sản công nghiệp. Phía nhà đầu tư quốc tế quan tâm đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. "Tiềm năng lớn nhưng hiện nay hầu hết các dự án đã lấp đầy 90% công suất", bà Dương Thùy Dung cho hay.
Lý giải về việc nguồn cung hạn chế, bà Dung nhận định, các chủ đầu tư mất ít nhất 2 năm mở rộng quỹ đất tại các khu công nghiệp. "Thời gian quá lâu dễ tuột cơ hội vào các thị trường cạnh tranh khác như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines". Bên cạnh đó, chất lượng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đẩy chi phí vận chuyển, kho vận lên cao cũng khiến một số nhà đầu tư quan ngại.
Đại Phúc Land quan tâm đến câu chuyện chọn lọc nhà đầu tư, không nên mở cửa ồ ạt. Doanh nghiệp địa ốc cần lưu ý tiêu chí thương hiệu; công nghệ, môi trường, tác động đến kinh tế, xã hội... để chọn nhà đầu tư phù hợp. Ngoài ra, cần cân đối quỹ đất phù hợp với hạ tầng, quy hoạch, khoảng cách tới cảng... vốn được giới đầu tư ngoại đề cao.
Thị trường nhà ở tiếp tục sôi động
Với bất động sản nhà ở, ông Trần Kim Chung cho rằng doanh nghiệp không nên quá lo lắng. Trước nay giai đoạn đầu năm thường ít sôi động hơn nửa cuối năm. Cần lưu ý, thị trường này xu hướng theo năm âm lịch, năm nay là năm nhuận nên dù suy giảm 3 tháng qua, thị trường vẫn còn 9 tháng phục hồi.
Đại diện CBRE đồng tình, thị trường nhà ở sẽ tiếp tục phát triển ổn định nhờ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao tại các thành phố lớn. KoCham đánh giá, giới đầu tư quốc tế và Hàn Quốc tiếp tục quan tâm phân khúc nhà ở, nhất là chung cư tại Hà Nội và TP HCM. "Trong hơn 200.000 người Hàn Quốc sống ở Việt Nam, một bộ phận đã có kinh nghiệm đầu tư tại các thị trường quốc tế. Họ thấy địa ốc Việt giá tốt hơn, nhiều dự án dễ dàng bán nhanh", vị này cho hay.
Phân khúc văn phòng ảnh hưởng bởi xu hướng làm việc từ xa
Trước sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn đên sản phẩm văn phòng hạng A, CBRE lưu ý phân phúc văn phòng cần tính tới xu hướng nhiều doanh nghiệp chuyển sang làm việc từ xa, giảm phụ thuộc vào mặt bằng cố định.
Bất động sản trong ngành bán lẻ cũng cần đánh giá kỹ thị trường trong bối cảnh thương mại điện tử và thương mại đa kênh đang diễn tiến mạnh mẽ, với tốc độ phát triển 25%, so với 10% của thương mại truyền thống.
Để thúc đẩy thị trường phục hồi nhanh hơn hậu khủng hoảng, đại diện Đại Phúc Land cho rằng, đây là thời điểm nước rút cho doanh nghiệp địa ốc Việt chuẩn bị tâm thế, nâng cao hoạt động quản trị và pháp lý để dễ dàng tìm tiếng nói chung với nhà đầu tư quốc tế.
Minh Chi