Những ngày đầu tháng 10, chuyến xe mang đầy ắp quà của Quỹ Hy vọng và công ty Opella Việt Nam khởi hành từ Thủ đô Hà Nội lên hai huyện miền núi Tam Đường (Lai Châu), Mù Cang Chải (Yên Bái). Ngoài việc trao tặng quà, nhiệm vụ chính của chuyến đi này là tổ chức Ngày hội vệ sinh học đường và khánh thành 20 cụm công trình thuộc dự án Vệ sinh học đường.
Dự án do quỹ Hy vọng phối hợp với Opella Việt Nam (ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam); Tổng kinh phí đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó các đơn vị tài trợ chung tay 2,87 tỷ đồng, còn lại do địa phương đóng góp.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác ở trường TH và THCS Hồ Thầu (Tam Đường, Lai Châu). Nhiều học sinh tò mò, ngó nghiêng, lén nhìn khi tình nguyện viên chuẩn bị quà, trang trí không gian. Ban đầu các em còn nhút nhát, sau đó được hỏi han thì vui vẻ chuyện trò, xin chụp ảnh. Trong lễ khánh thành và ngày hội, chưa đợi thầy cô gọi, nhiều học sinh chạy đến giao lưu, check-in, trêu đùa cùng mascot, chăm chú nghe hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh và rửa tay đúng cách.
Tương tự, ở điểm trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, niềm háo hức cũng hiện lên trong ánh mắt của các em ngày hội. Em Lò Thị Thêu, học sinh lớp 3 chơi ở sân trường, thỉnh thoảng dính đất lại chạy ra khu vực nhà vệ sinh rửa tay. Trước khi vào bữa trưa, Thêu không quên gọi các bạn đi vệ sinh chuẩn chỉ theo các bước. Tiếng cười đùa, tranh luận rộn ràng một góc sân trường.
Đồng hành với dự án Vệ sinh học đường từ năm 2022, bà Mai Thị Thanh Hương, Giám đốc Đối ngoại Opella - ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam cho biết thấy vui mừng khi nhìn thấy rõ kết quả ở những địa phương dự án đồng hành. Từ chỗ các nhà vệ sinh chưa đảm bảo, nhà trường có công trình mới khang trang đạt tiêu chuẩn của bộ giáo dục ngay đầu năm học mới và xóa bỏ dần những ám ảnh nhà vệ sinh trường học vùng cao.
Theo khảo sát của quỹ Hy vọng về dự án Vệ sinh học đường năm 2022-2023 trên 8.200 học sinh và 1.800 giáo viên, tại 5 địa phương gồm huyện Đồng Văn, Hà Giang, huyện Mường Nhé - Điện Biên, huyện Sông Mã, Vân Hồ - Sơn và huyện Hưng Hà - Thái Bình, 96% phản hồi cho biết thay đổi thói quen sinh hoạt, 98% người được khảo sát sức khỏe cải thiện, 94% đối tượng giảm số lần đi khám vì tiêu chảy và đau dạ dày và 94% chia sẻ thói quen vệ sinh với gia đình. Trong số này, có hai dự án tại Đồng Văn và Vân Hồ, công ty Opella Việt Nam đồng hành cùng Quỹ Hy vọng.
Về các công trình vệ sinh, 73% phản hồi rất hài lòng và hài lòng về công trình. Sau 2 năm, 95% người dùng cho biết công trình vẫn khang trang, sạch đẹp.
100% công trình do Quỹ Hy vọng tài trợ được lắp đặt hệ thống biển, bảng hướng dẫn rửa tay, sử dụng nhà vệ sinh đúng cách. Trong đó, 96% người dùng phản hồi các biển bảng này hữu ích, sinh động, dễ nhớ.
Từ những kết quả đạt được, Quỹ Hy vọng, Opella Việt Nam đều khẳng định cần duy trì dự án ở nhiều địa phương trong tương lai. Về mặt văn hóa, nhiều địa phương cùng cao hiện nay vẫn còn giữ nếp sinh hoạt lạc hậu, sử dụng nhà vệ sinh không có hệ thống tự hoại, không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, khi toàn cầu bước vào kỷ nguyên số, các sản phẩm thông minh, tích hợp AI trở nên phổ biến. Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh không chỉ cấp thiết về mặt nhu cầu, nó liên quan đến văn hóa, giáo dục, giới tính và sự phát triển của thế hệ tương lai.
Trên thực tế ở các tỉnh miền núi, hệ thống giáo dục còn nhiều khó khăn, các dự án hầu hết dành ngân sách xây trường, lớp. Vệ sinh học đường dù là vấn đề nhức nhối nhưng ít đơn vị tài trợ. Dự án này là một trong số ít tập trung xây nhà vệ sinh quy mô lớn, giải quyết triệt để vấn đề cho một địa phương.
Quỹ Hy vọng thường xây 10-30 cụm công trình cho một huyện. "Việc mở rộng dự án trong tương lai không chỉ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về công trình vệ sinh, mà còn là mô hình chuẩn để các địa phương có thể tự nhân rộng, từ các nguồn xã hội hoá", đại diện Quỹ Hy vọng cho hay.
Đặt trọng tâm vào trẻ em ở Việt Nam, chủ đề ưu tiên là vệ sinh và nước sạch, đại diện công ty Opella Việt Nam cho biết cam kết tiếp tục hợp tác và hỗ trợ dự án cùng các hoạt động cộng đồng tại Việt Nam. Ngoài các chương trình vệ sinh triển khai cùng Quỹ Hy vọng hàng năm, đơn vị này cũng đánh giá để bổ sung thêm một số hoạt động khác. "Năm ngoái ở Đồng Văn chúng tôi đã xây thêm bể chứa nước cho các em học sinh. Còn năm nay ở Tam Đường và Mù Cang Chải Quỹ Hy vọng cũng đặt vấn đề xây thêm nhà tắm. Các hạng mục bổ sung thêm đều xoay quanh chủ đề vệ sinh", bà bà Mai Thị Thanh Hương, Giám đốc Đối ngoại Opella tại Việt Nam cho biết.
Dự án Vệ sinh học đường do Quỹ Hy vọng cùng Opella Việt Nam triển khai từ năm 2022, chủ yếu ở các huyện vùng cao, miền núi khó khăn phía Bắc như huyện huyện Vân Hồ, Sơn La; huyện Đồng Văn, Hà Giang... Trong giai đoạn 2022-2023, 100 cụm công trình vệ sinh hoàn thành, 20.000 học sinh và giáo viên thụ hưởng, trong đó có 40 công trình được xây dựng với sự tài trợ từ Opella Việt Nam. Bước sang 2024, dự án xây thêm 70 công trình tại 5 địa phương. Trong đó Opella Việt Nam tài trợ 20 công trình tại địa phương Mù Cang Chải và Tam Đường với 10.000 người thụ hưởng
Ngoài các công trình tại Mù Cang Chải và Tam Đường, Quỹ cũng triển khai xây dựng tại huyện Mường Lát, Thanh Hoá; huyện Quế Phong, Nghệ An và huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Năm sau, dự án sẽ tiếp tục khảo sát các huyện khó khăn khác như Hoàng Su Phì, Hà Giang; huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi; Bát Xát và Bắc Hà, Lào Cai.
Nội dung: Thanh Lan - Ảnh: Tùng Đinh - Thiết kế: Thái Hưng